Người dân đại diện cho 1.700 hộ dân nguyên là công nhân Nông trường Sông Bôi chuyển kiến nghị đến cơ quan chức năng thông qua Ban Tiếp công dân tỉnh.
Đất có nguồn gốc hợp pháp nhưng vẫn bị vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận
Ông Phạm Minh Sơn, 80 tuổi, trú tại thôn 2A, xã Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa), nguyên Giám đốc Nông trường Quốc doanh (NTQD) Sông Bôi (cũ), nay là Công ty TNHH MTV Sông Bôi Hòa Bình chia sẻ: NTSB được thành lập năm 1960. Khi mới thành lập, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nông trường là bộ đội miền Nam tập kết. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho CBCNV, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp khi đó, Ban giám đốc NTSB đã cấp cho mỗi hộ CBCNV từ 300 - 400 m2 đất để làm nhà ở. Khi được cấp đất, ai cũng có giấy tờ đầy đủ chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp. Nhưng đã qua 40 - 50 năm, qua thời gian, các giai đoạn lịch sử của đất nước, đến nay không ai còn giữ được các loại giấy tờ này. Cũng chính vì không còn giữ được giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, nên khi chúng tôi đề nghị được hưởng quyền lợi về đất đai như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) mà không phải nộp tiền SDĐ đối với diện tích đất đã ở từ những năm 1960, không có tranh chấp, không vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng như ông Phạm Minh Sơn, ông Nguyễn Công Phếch, 84 tuổi, trú tại thôn Sông Bôi, xã Phú Nghĩa, ông Nguyễn Văn Thể, 78 tuổi, trú tại thôn Tân Phú, xã Phú Thành cho biết: Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh em chúng tôi là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã lên Hòa Bình để xây dựng NTQD Sông Bôi. Khi nhà ở tập thể của nông trường bị quá tải, chúng tôi đã được cấp đất để làm nhà ở. Những mảnh đất đó, kể từ khi thuộc sự quản lý của nông trường hay khi giao về cho địa phương quản lý, chúng tôi đều nộp thuế đất đầy đủ. Dù đã ở đây lâu dài, không có tranh chấp, không vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai nhưng không hiểu tại sao, khi làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ chúng tôi vẫn phải nộp tiền SDĐ bằng 40% giá trị hạng đất. Trong khi đó, công nhân ở Nông trường Thanh Hà - nay là thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy), Nông trường 2/9 (Yên Thủy)... đều đã được cấp giấy CNQSDĐ mà không phải nộp tiền SDĐ.
Tỉnh sẽ đồng hành với người dân
Theo UBND huyện Lạc Thủy, thực hiện Nghị định số 170/NĐ-CP, ngày 22/9/2004 của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh; Công văn số 1151/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển các nông, lâm trường quốc doanh thành Công ty TNHH MTV, ngày 14/17/2010, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án chuyển NTSB thành Công ty TNHH MTV Sông Bôi Hòa Bình. Diện tích công ty giữ lại để sử dụng là 1.531 ha. Diện tích giao lại cho địa phương quản lý là 679,8 ha. Trong đó có 185,02 ha đất do 1.593 hộ là công nhân NTSB sử dụng làm đất ở. Năm 2011, UBND tỉnh có quyết định về việc thu hồi 185,02 ha đất không có nhu cầu sử dụng của Công ty TNHH MTV Sông Bôi quản lý để giao cho UBND huyện Lạc Thủy quản lý, sử dụng. Thực hiện công tác quản lý đất do NTSB bàn giao lại, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã có đất nông trường triển khai thực hiện chủ trương kê khai, chỉ mốc ranh giới theo hiện trạng sử dụng đất để đo đạc, lập hồ sơ địa chính, tổ chức xét duyệt cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân là công nhân NTSB tại các xã: Phú Thành, Hưng Thi, Liên Hòa (nay là xã Thống Nhất), Phú Lão - Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa), Lạc Long (nay là thị trấn Chi Nê) và Đồng Tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp phải một số vướng mắc liên quan đến các thủ tục, chính sách liên quan. Do vậy, việc xem xét, cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân là công nhân NTSB bị dừng lại.
Theo Báo cáo số 276, ngày 01/10/2019 của UBND huyện Lạc Thủy, việc cấp giấy CNQSDĐ ở cho các hộ dân đã được xét duyệt đủ điều kiện vẫn chưa được thực hiện do các quy định tại Nghị định số 120/2010/ NĐ-CP, ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP, ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất (nay là Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất khi các hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền SDĐ). Theo đó, khi các hộ được cấp giấy CNQSDĐ ở thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính dẫn đến vướng mắc đối với những hộ sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 không vi phạm Luật Đất đai.
Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, quy định tại Nghị định trên chưa phù hợp với thực tế SDĐ, chưa đảm bảo công bằng đối với đối tượng SDĐ tại địa phương. Đây là nguyên nhân dẫn đến tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp giấy CNQSDĐ ở cho các hộ dân thuộc NTSB. Xuất phát từ thực tế trên, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh lại quy định đối với các trường hợp SDĐ trước ngày 15/10/1993 được cấp giấy CNQSDĐ ở nhưng không phải nộp tiền SDĐ, như các trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại địa phương có thời điểm SDĐ trước ngày 15/10/1993 khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Xung quanh nội dung kiến nghị này, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự đồng tình và nhấn mạnh: Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này về phía UBND tỉnh cũng đã xem xét, giải quyết hết thẩm quyền. Do vậy, để giải quyết kiến nghị của người dân, UBND tỉnh sẽ giao tổ công tác rà soát, nghiên cứu lại hệ thống các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Luật Đất đai để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ dân. Trên tinh thần ủng hộ việc cấp giấy CNQSDĐ cho người dân mà không phải nộp tiền SDĐ. Tuy nhiên, "việc này cũng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. UBND tỉnh sẽ có trách nhiệm đề nghị, phối hợp với các bộ, ngành chức năng để giải quyết” - đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu quan điểm.
Mạnh Hùng