Đoàn công tác của HĐND tỉnh và UBND TP Hòa Bình khảo sát các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Ảnh: Quang Mạnh (HĐND tỉnh)
Theo báo cáo của Sở TN&MT, tổng số dự án cần thu hồi đất đã được thực hiện là 702 dự án, chiếm 50,14% so với tổng số dự án được thông qua tại các nghị quyết của HĐND tỉnh. Tổng diện tích đất đã thực hiện thu hồi hơn 3.316 ha; trong đó, đất trồng lúa hơn 468 ha, đất rừng phòng hộ hơn 197 ha, đất rừng đặc dụng hơn 7 ha, đất khác hơn 2.462 ha; chiếm 29,27% so với tổng diện tích được thông qua tại các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đối với danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đã có 174 dự án thực hiện, chiếm 21,19% so với tổng số dự án được thông qua tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tổng diện tích đất đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng là 277,79 ha; trong đó, đất trồng lúa 174,57 ha, đất rừng phòng hộ 102,92 ha; chiếm 17,46% so với tổng diện tích được thông qua tại các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 6/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó quy định đối với các dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thì được chuyển tiếp thực hiện trong các năm tiếp theo, nhưng không quá thời hạn 3 năm. Tính từ thời điểm Nghị định số 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 3/3/2017) có 255 dự án, tổng diện tích 2.923 ha đất đã quá thời hạn 3 năm chưa thực hiện thu hồi, tuy nhiên vẫn chưa đưa ra khỏi nghị quyết của HĐND tỉnh. Đối với các dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất là 342 dự án, chiếm 41,66%. Tổng diện tích đất chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng là 792,93 ha. Đến nay, danh mục các dự án này chưa tiến hành rà soát, đưa dự án không thực hiện ra khỏi các nghị quyết HĐND tỉnh.
Từ số liệu báo cáo của Sở TN&MT cho thấy, việc thực hiện danh mục các dự án cần thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng chưa đạt kết quả cao, có nhiều dự án đưa vào danh mục nghị quyết nhưng không triển khai thực hiện.
Tại cuộc khảo sát gần đây về thực hiện danh mục các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đồng chí Bùi Duy Hưng, Phó trưởng Phòng TN&MT Kim Bôi cho biết: Huyện có 70 dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2016 đến nay, với tổng diện tích cần thu hồi hơn 689 ha đã thông qua tại 10 nghị quyết của HĐND tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, huyện đã thu hồi 35/70 dự án với diện tích hơn 150 ha. Có 22/70 dự án đã quá 3 năm chưa triển khai thực hiện. Vướng mắc trong thực hiện dự án do việc lập và tổng hợp danh mục các công trình, dụ án chưa đánh giá được khả năng thực hiện của các chủ đầu tư. Một số danh mục đã thông qua nhưng chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và ngược lại. Trình tự thủ tục thu hồi đất phải thực hiện qua nhiều bước.
Tại TP Hòa Bình, tổng số danh mục các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất được thông qua tại 8 nghị quyết của HĐND tỉnh là 251 dự án, diện tích hơn 2.777 ha. Đến nay đã thực hiện xong 131 dự án, đang thực hiện giải phóng mặt bằng 107 dự án, chưa thực hiện 13 dự án. Theo Phòng TN&MT TP Hòa Bình: Các kỳ quy hoạch đất đai thực hiện theo quy định là 5 năm, kế hoạch sử dụng đất 1 năm nên khi cập nhật các danh mục dự án được HĐND tỉnh thông qua hàng năm phải chờ bổ sung vào kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố, dẫn đến chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án; trình tự thủ tục thu hồi đất phải thực hiện qua nhiều bước, đơn giá bồi thường hỗ trợ thấp so với giá thị trường. Nguyên nhân của các khó khăn này được cho là do việc đánh giá năng lực nhà đầu tư còn hạn chế, kinh phí chi trả cho các đơn vị tư vấn định giá đất chưa thống nhất trên địa bàn tỉnh, vì vậy, các đơn vị này chưa đẩy nhanh tiến độ định giá đất.
Theo đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cùng với những vướng mắc về thủ tục, thì nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do UBND các huyện, thành phố đề xuất danh mục các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng chưa sát với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của địa phương chưa tốt. Ngoài ra, sau khi hoàn thành việc thu hồi đất để thực hiện dự án, nhiều chủ đầu tư không thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng theo quy định.
Phương Linh