Cán bộ Ban Dân quân (Bộ CHQS tỉnh) rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN hàng năm.
Những kết quả nổi bật
Hoạt động của HĐGD QP-AN các cấp thực hiện theo đúng quy chế, bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo của chính quyền. Năng lực tham mưu của Hội đồng các cấp và cán bộ kiêm nhiệm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. 6 tháng đầu năm nay, HĐGD QP-AN tỉnh đã chỉ đạo HĐGD QP-AN cấp huyện, các cơ quan, đơn vị tổ chức khảo sát các đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Hiện, đã tham mưu cử 2 đồng chí đối tượng 1 tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quyết định của HĐGD QP-AN T.Ư. Điểm nổi bật thời gian qua là công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên (HSSV) tại các nhà trường đảm bảo đúng, đủ nội dung, chương trình, thời gian theo quy định. Cụ thể, có hơn 30.600 HSSV tham gia học tập, trong đó, hơn 70% đạt loại khá, giỏi. Qua đó, góp phần giáo dục toàn diện cho HSSV về lòng yêu nước, niềm tự hào và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Từng bước hình thành nhân cách, nếp sống quân sự và xác định được rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Năm 2019, có 58 đồng chí cán bộ thuộc đối tượng 2 tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường Quân sự Quân khu, 8 vị chức sắc tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do T.Ư tổ chức. Đồng thời, mở 4 lớp bồi dưỡng cho 466 đồng chí thuộc đối tượng 3 tại tỉnh. HĐGD QP-AN các huyện, thành phố tổ chức 54 lớp bồi dưỡng cho hơn 5.100 đồng chí thuộc đối tượng 4. Trong đó, riêng huyện Cao Phong mở được 1 lớp cho 41 người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Với nhóm đối tượng đang học trong Trường Chính trị tỉnh, hiện nay, nhà trường tiếp tục quản lý, điều hành, giảng dạy 20 lớp với hơn 1.200 học sinh (hệ đào tạo 15 lớp với hơn 1.000 học viên, hệ bồi dưỡng 5 lớp với hơn 250 học viên). Quá trình học tập, nhà trường đã thực hiện nghiêm nội dung chương trình môn học giáo dục QP-AN theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong điều hành giảng dạy. Thông qua học tập đã làm chuyển biến nhận thức người học về tầm quan trọng của công tác đảm bảo QP-AN trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; nắm được vai trò, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức QP-AN cho toàn dân, công tác giáo dục được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép với các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Từ đó, làm cho Nhân dân hiểu rõ, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Đồng thời, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 86 tin, chuyên mục Quốc phòng phát trên Đài PT-TH T.Ư và địa phương; 98 tin, bài đăng trên báo; 87 tin nội bộ phản ánh, truyền đạt toàn diện các nội dung về kiến thức, thông tin QP-AN đến Nhân dân trên địa bàn.
Tạo dấu ấn trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân
Việc hoàn thành chương trình giáo dục kiến thức QP-AN cho các nhóm đối tượng thời gian qua đã tạo dấu ấn, là nền tảng quan trọng góp phần xây dựng, củng cố vững chắc nền QPTD. Giai đoạn 10 năm (2009-2019) cho thấy, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN trong các cơ quan, đơn vị và công dân đã trở thành điểm sáng với những kết quả đáng kể. Điển hình như tại huyện Lạc Thủy, 10 năm qua đã bồi dưỡng cho hơn 6.800 lượt người; trong đó, có 46 đồng chí thuộc đối tượng 2, 388 đồng chí thuộc đối tượng 3, hơn 4.100 đồng chí thuộc đối tượng 4, các đối tượng khác hơn 2.100 người. Đặc biệt, đã bồi dưỡng cho 122 người là chức việc trong tôn giáo, góp phần giúp các giáo dân nắm rõ, thực hiện đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về QP-AN. Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lạc Thủy cho biết: "Quá trình bồi dưỡng đã tập trung vào những nội dung cơ bản về xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã; coi trọng việc phổ biến kinh nghiệm của các địa phương; nâng cao ý thức chính trị về 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về đường lối QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới cho cộng đồng dân cư ở xã, thị trấn, khu dân cư. Trong từng nhiệm kỳ, cấp ủy và HĐND bảo đảm 100% cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị được bồi dưỡng kiến thức theo phân cấp”.
Đại diện Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh trao chứng chỉ hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 3 cho các học viên.
Huyện Lạc Sơn cũng là địa phương hoàn thành tốt chương trình bồi dưỡng kiến thức giai đoạn 2009-2019. Cụ thể, cử 70 đồng chí thuộc đối tượng 2 tham gia bồi dưỡng tại Trường Quân sự Quân khu; cử 245 đồng chí thuộc đối tượng 3 tham gia bồi dưỡng tại tỉnh. Hội đồng giáo dục QP-AN huyện đã tổ chức bồi dưỡng cho hơn 14.000 lượt người thuộc đối tượng 4, hoàn thành 100% chương trình giáo dục QP-AN cho HSSV trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung vào đối tượng là chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chủ hộ họ đạo với 27 lượt người. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành và toàn dân đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
Đại tá Hà Tất Đạt, UV BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: "Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay. Việc hoàn thành các chương trình giáo dục, bồi dưỡng không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho các đối tượng về kiến thức liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự địa phương, mà còn tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, từ những cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng căn cứ vào kiến thức được bồi dưỡng làm cơ sở để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về QP-AN. Qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ tỉnh và nền QPTD”.
Đưa Chỉ thị số 60-CT/TU vào cuộc sống
Trên thực tế, công tác giáo dục QP-AN đã được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác này; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với cơ quan Thường trực HĐGD QP-AN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục QP-AN còn hạn chế; đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn về giáo dục QP-AN còn ít; việc tổ chức rà soát, nắm đối tượng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên; ý thức học tập của một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác, chất lượng học tập chưa cao. Công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục QP-AN cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thường xuyên, liên tục.
Để khắc phục tình trạng đó, ngày 3/7/2020, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 60-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để chỉ thị nhanh chóng đi vào cuộc sống, BTV Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục QP-AN. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ giáo dục QP-AN; công tác giáo dục QP-AN phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các sở, ban, ngành mà nòng cốt là Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh…
Quan tâm xây dựng, kiện toàn, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên giáo dục QP-AN, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đổi mới nội dung, xây dựng hệ thống các chuyên đề phù hợp với đối tượng; bổ sung những chuyên đề mới từ thực tiễn đang đặt ra về xây dựng và đấu tranh quốc phòng, giữ gìn ANCT - TTATXH trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát các đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhất là sau đại hội Đảng bộ các cấp để kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bồi dưỡng cho các đối tượng theo quy định...
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, kiện toàn HĐGD QP-AN đảm bảo đúng chức danh, đủ thành phần theo quy định của Luật Giáo dục QP-AN. Xây dựng, bổ sung quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động sát với tình hình thực tiễn; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá đúng thực tế, không chạy theo thành tích. Thông qua kiểm tra, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những nhân tố điển hình tiên tiến trong giáo dục QP-AN; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các nhà trường triển khai, thực hiện nghiêm túc môn học giáo dục QP-AN cho HSSV; thực hiện tốt việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục QP-AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Từ những yêu cầu cấp thiết hiện nay, bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực góp phần đưa nội dung của chỉ thị từng bước đi vào cuộc sống, nâng cao toàn diện, hiệu quả công tác giáo dục QP-AN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Nhóm ý kiến
Quan tâm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người có uy tín trong cộng đồng Trung tá Bạch Công Thành Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mai Châu Huyện Mai Châu là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng có vai trò quan trọng. Đây cũng là lực lượng làm công tác dân vận hiệu quả và trực tiếp nhất tại cơ sở. Do đó, để việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực QP-AN được truyền tải đến người dân một cách hiệu quả, người có uy tín cần được trang bị đầy đủ lượng kiến thức cần thiết. Thông qua các chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN hàng năm, cần rà soát đầy đủ người có uy tín trong cộng đồng để bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao nhận thức cho họ về vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong nhiệm vụ chung là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với những kiến thức được cập nhật mới, đội ngũ người có uy tín tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN đến Nhân dân. Nhờ đó, ngày càng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong hình hình mới. |
Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh Nguyễn Sỹ Linh Bí thư Đảng ủy xã Yên Mông (TP Hòa Bình) Với chức trách, nhiệm vụ được giao, tôi nằm trong diện được bồi dưỡng kiến thức QP-AN hàng năm. Theo tôi, để việc tiếp thu kiến thức QP-AN trong mỗi khóa học đạt hiệu quả, cần thường xuyên đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy để việc truyền đạt kiến thức không bị máy móc, trùng lắp, gây nhàm chán. Trong quá trình học cần tăng cường việc trao đổi từ hai phía giữa giảng viên và học viên tạo sự tương tác, giúp lượng kiến thức được truyền tải hiệu quả, dễ nhớ, tạo không khí sôi nổi trong từng tiết học. Nội dung học cần đa dạng, phong phú, nhưng tập trung hơn vào những nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ra, tăng cường hoạt động nhóm trong mỗi khóa học, vừa tăng cường khả năng làm việc nhóm, vừa tạo sự thi đua, giúp các đối tượng học phát huy được năng lực của bản thân. Qua đó, tạo nền tảng để mỗi người học áp dụng kiến thức học được vào thực tiễn cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. |
Thanh Sơn