Khu vực hồ Hoà Bình cần được đầu tư thêm hạ tầng bến, bãi, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến sông có khả năng khai thác vận tải thủy nội địa là sông Đà và sông Bôi, trong đó, sông Đà dài 103 km (khu vực thượng lưu đập thuỷ điện Hoà Bình dài 78 km, hạ lưu 25 km) và sông Bôi dài 19 km. Tạikhu vực hồ Hòa Bình hiện có 5 tuyến nhánh ngập được công bố là danh mục tuyến đường thủy nội địa địa phương, với chiều dài 33,6 km. Toàn tỉnh có 16 cảng, bến thủy nội địa và 3 bến khách ngang sông, đạt tiêu chuẩn cấp phép theo quy định.
Thống kê của Ban ATGT tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 1.256 phương tiện thủy nội địa, trong đó có 760 phương tiện thuộc diện phải đăng ký. Số phương tiện phải đăng ký, không phải đăng kiểm là 324 chiếc; số phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm là 172 chiếc của Nhân dân đưa đón con em đi học và khai thác đánh bắt thủy sản vùng hồ Hòa Bình.
Về phương tiện chở khách (chủ yếu hoạt động trên hồ Hòa Bình) có 269 phương tiện, trong đó, 33 phương tiện vừa chở hàng vừa chở khách; 128 phương tiện đã đăng ký, 141 phương tiện chưa đăng ký; số phương tiện còn hạn đăng kiểm đến thời điểm này là 63 phương tiện, 65 phương tiện hết hạn đăng kiểm.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa cho 741 lượt đăng ký hành chính, chủ yếu là tàu chở hàng, tàu chở khách du lịch.
Trong những năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa trên hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở và tại bến, cảng. Qua đó, làm chuyển biến đáng kể nhận thức, hành động của các cá nhân, tổ chức, tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa giao thông đường thủy nội địa an toàn, văn minh, đồng thời, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, chú trọng tuyên truyền về điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn, không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, không chở quá tải trọng theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, kiểm tra liên ngành, chú trọng kiểm tra công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Lực lượng chức năng cũng đã xử lý vi phạm tại các bến cảng, kiên quyết không cho phương tiện vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn rời cảng, bến đậu. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa, nhất là quy hoạch hệ thống cảng, bến và quản lý bến, cảng. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa.
Theo đồng chí Lê Xuân Cử, Phó Ban ATGT tỉnh, để kịp thời ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt là trong mùa mưa bão cần đầu tư hạ tầng bến, bãi đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân, du khách, đảm bảo TTATGT đường thuỷ nội địa trên các tuyến sông, hồ. Cùng với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm, cần quan tâm hỗ trợ người dân sinh sống, làm ăn trên lòng hồ Hòa Bình được xét miễn chi phí đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Mặt khác, lượng khách đến khu du lịch hồ Hòa Bình sẽ không ngừng gia tăng trong những năm tới đây. Do vậy, rất cần Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hỗ trợ thêm phao neo đậu tại các vị trí như km 17+00, xã Thung Nai (Cao Phong), km 17+500 thuộc địa bàn xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Thực tế, số lượng chở khách tại 2 vị trí trên mùa lễ hội đền Chúa Thác Bờ cao điểm lên đến hơn 300 lượt phương tiện/ngày, trong khi khu vực đỗ, đậu chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đồng thời, hỗ trợ thêm hệ thống biển báo hiệu tại nhánh ngập 5 tuyến với chiều dài khoảng 40 km, gồm địa bàn các xã: Vầy Nưa, Hiền Lương, Nánh Nghê (Đà Bắc), Suối Hoa (Tân Lạc), Sơn Thủy (Mai Châu).