(HBĐT) - Sau buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT), đầu tháng 9/2020, lực lượng Công an phối hợp ngành, đoàn thể các xã: Nhân Mỹ, Quyết Chiến, Vân Sơn (Tân Lạc) vận động Nhân dân tự nguyện giao nộp 5 khẩu súng tự chế. Trước đó, thông qua công tác TTPBPL, lực lượng Công an trong toàn huyện cũng đã tiếp nhận, thu hồi hàng chục khẩu súng tự chế do người dân tự nguyện giao nộp.
Trung tá Trần Quốc Hoàn, Phó trưởng Công an huyện Tân Lạc chia sẻ: Nhờ đẩy mạnh công tác TTPBPL cho các tầng lớp Nhân dân nên đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, làm giảm đáng kể các trường hợp vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội (TNXH), giữ vững ổn định an ninh nông thôn, TTATXH trên địa bàn huyện.
Tân Lạc là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm hơn 85%. Trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế... Do vậy, tình hình vi phạm pháp luật, TNXH còn tiềm ẩn phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trước thực tế đó, để nâng cao kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là đồng bào DTTS ở địa bàn vùng sâu, xa, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác TTPBPL, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đồng chí Đinh Duy Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác TTPBPL trong việc góp phần giữ vững ổn định, phát triển KT-XH của địa phương, là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả công tác TTPBPL đến các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
Huyện đã ban hành các kế hoạch công tác TTPBPL có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường triển khai các chương trình, đề án TTPBPL như: "Tăng cường công tác TTPBPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật”, "Tăng cường công tác TTPBPL cho thanh, thiếu niên”... Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thực chất, huyện tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá nhu cầu về TTPBPL qua phiếu khảo sát. Trên cơ sở đó có những định hướng cụ thể, tổ chức tuyên truyền phù hợp đối tượng, đặc điểm tình hình địa bàn. Huyện quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên là người DTTS. Hiện, trên địa bàn huyện có 61 báo cáo viên pháp luật, trong đó, có 33 người DTTS. Các báo cáo viên pháp luật đều có trình độ đại học, thâm niên công tác trong lĩnh vực pháp luật chuyên ngành từ 4 năm trở lên. Ngoài ra, trong 222 tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, có 204 người DTTS. Đây là các cán bộ, công chức cấp xã. Hàng năm, lực lượng này đều được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng trong việc truyền tải kiến thức pháp luật đến cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã thực hiện 2.099 cuộc TTPBPL cho trên 174 nghìn người, trong đó, có gần 150 nghìn người DTTS tham gia. Cùng với đó, UBND huyện phối hợp Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại 100% xóm có đồng bào DTTS sinh sống. Ngoài ra, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác TTPBPL thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Trên địa bàn huyện có 159 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.074 hòa giải viên, có 989 hòa giải viên là người DTTS. Từ năm 2016 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết 215 vụ, hòa giải thành 185 vụ. Thông qua công tác hòa giải, đội ngũ hòa giải viên trực tiếp tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Đồng thời, huyện khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật, xây dựng câu lạc bộ pháp luật ở các xã, thị trấn, giúp người dân dễ tiếp cận, nâng cao kiến thức pháp luật ngay tại địa bàn, cơ sở...
Mạnh Hùng