Các bị cáo tại phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, đầu tháng 2/2020, Vũ Minh Tuân (41 tuổi, trú tại thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) gọi điện liên lạc với Trần Văn Chiến (31 tuổi, trú thôn Đăk Manh I, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) hỏi thăm tình hình để thực hiện việc khai thác gỗ. Chiến nói Tuân sẽ mua lại gỗ Dổi của Tuân khai thác được với giá 8,7 triệu đồng/m3 và đã được Tuân đồng ý.
Ngày 12/2, Tuân và Lương Văn Chung (41 tuổi, trú tại thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đến nhà Chiến và được Chiến đưa trước cho Tuân 20 triệu đồng để mua cưa máy, xăng, thực phẩm, nước uống, các dụng cụ khác và chỉ nơi khai thác gỗ Dổi cho Tuân. Sau khi đã chuẩn bị xong công cụ, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết, Tuân cùng 13 đối tượng khác gồm: Lương Văn Chung, Võ Đức Thuận (30 tuổi, trú tại thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), Đàm Văn Thông (31 tuổi, trú ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), Trần Văn Quang (41 tuổi, trú xã Đăk Xú huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), Lưu Đình Minh (35 tuổi, ở tỉnh Thái Nguyên, chuyển vào thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi sinh sống từ năm 2019), Bùi Văn Cường (27 tuổi, ở huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện truy nã vì thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, bỏ trốn khỏi địa bàn đến sinh sống tại thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi), Nguyễn Quốc Khiết (30 tuổi, ở Bình Dương, chuyển đến huyện Ngọc Hồi sinh sống từ năm 2020), A Lâm (23 tuổi, ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), Nguyễn Tuấn Anh (29 tuổi, ở thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), Bùi Đình Tứ (41 tuổi, ở Bình Phước, chuyển đến thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi từ năm 2016), Hoàng Văn Thủ (34 tuổi) cùng Nguyễn Trọng Kiên (37 tuổi) đều ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và Quách A Chinh (chưa xác định ở đâu, làm gì, hiện đã trốn) vào rừng để khai thác gỗ.
Trong thời gian từ ngày 14 đến 17/2, các bị can đã cưa hạ được 7 cây gỗ, xẻ được 25 hộp, vận chuyển ra địa điểm tập kết tại lô cao su thuộc thôn Đăk Manh I, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Tổng khối lượng gỗ qua giám định là 28,297 m3.
Ngày 17/2, khi Chiến đang ở nhà thấy có nhiều cán bộ lâm trường đi ngang qua, sợ việc đang khai thác, vận chuyển gỗ trái phép bị phát hiện nên Chiến thông báo cho nhóm của Tuân "Động rừng, anh em nghỉ vài hôm đã", nên các bị can đã về nhà nghỉ.
Đến ngày 23/2, Chiến điện thoại cho Tuân thông báo "Ngày mốt qua đi làm, đợt này làm đêm". Sau đó, Tuân nói lại với Chung và bàn bạc sẽ gọi thêm thợ cưa chuyên nghiệp để khai thác cho nhanh. Chung chịu trách nhiệm gọi thêm thợ cưa.
Ngày 25/2, Tuân thông báo cho nhóm của mình (tổng cộng 13 người, trong đó có Ma Văn Xuyên (45 tuổi) và Nguyễn Văn Viên (42 tuổi), đều là thợ cưa, cùng ở xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tiếp tục đi khai thác gỗ trái phép. Cả nhóm cưa hạ được 6 cây gỗ, xẻ được 43 hộp gỗ. Tổng khối lượng gỗ qua giám định là 17,291 m3. Số gỗ trên được các bị can vận chuyển về nơi tập kết tại lô cao su để bán cho Chiến.
Đến sáng 29/2, trên đường vận chuyển gỗ đến nơi tập kết tại khoảnh 11, tiểu khu 277 - Lâm phần Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, nhóm của Tuân đã bị tổ tuần tra của Lâm trường Đăk Tô phát hiện và lập biên bản kiểm tra, bắt giữ 11 đối tượng gồm: Vũ Minh Tuân, Lương Văn Chung, Lưu Đình Minh, Bùi Đình Tứ, Bùi Văn Cường, Nguyễn Quốc Khiết, A Lâm, Nguyễn Tuấn Anh, Đàm Văn Thông, Trần Văn Quang, Võ Đức Thuận về hành vi sử dụng xe mô tô tự chế vận chuyển lâm sản trái phép. Tiếp đó, lực lượng tuần tra Lâm trường Đăk Tô tiếp tục đi vào khu vực hiện trường tại khoảnh 3, tiểu khu 277 - Lâm phần công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, phát hiện Nguyễn Văn Viên và Ma Văn Xuyên đang cưa xẻ gỗ trái phép.
Tổng khối lượng gỗ khai thác trái phép trong vụ án là 45,588 m3, chủng loại Dổi thuộc nhóm III, tại thời điểm định giá tháng 2-2020 là hơn 801 triệu đồng. Kết luận của cáo trạng khẳng định đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự phân công công việc và chuẩn bị công cụ phạm tội rất cụ thể đối với từng bị can để phục vụ hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ trái phép đạt hiệu quả. Trong vụ này, Trần Văn Chiến, Vũ Minh Tuân là người chủ mưu, tổ chức, khởi xướng; các bị can còn lại là người thực hiện tội phạm, trong đó Lương Văn Chung là người thực hiện có vai trò tích cực nhất cho Vũ Minh Tuân.
Trước các hành vi trên, Viện Kiểm sát nhân dân truy tố trước Toà án nhân dân huyện Đăk Tô để xét xử đối với 12 bị can gồm: Trần Văn Chiến, Vũ Minh Tuân, Lương Văn Chung, Đàm Văn Thông, Võ Đức Thuận, Trần Văn Quang, Lưu Đình Minh, Bùi Đình Tứ, Bùi Văn Cường, Nguyễn Quốc Khiết, A Lâm, Nguyễn Tuấn Anh về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015; truy tố trước Toà án nhân dân huyện Đăk Tô để xét xử đối với 4 bị can gồm: Hoàng Văn Thủ, Nguyễn Trọng Kiên, Nguyễn Văn Viên và Ma Văn Xuyên về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Căn cứ vào hành vi, mức độ phạm tội, Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Chiến với mức án cao nhất 9 năm tù. Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Vũ Minh Tuân 8 năm tù, Lương Văn Chung 8 năm tù, Võ Đức Thuận 6 năm, 6 tháng tù; các bị cáo Bùi Đình Tứ, Đàm Văn Thông, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quốc Khiết, Bùi Văn Cường, A Lâm, Lưu Đình Minh mỗi bị cáo 6 năm tù; Trần Văn Quang 5 năm tù; 2 bị cáo Nguyễn Văn Viên, Ma Văn Xuyên 4 năm tù và 2 bị cáo Hoàng Văn Thủ, Nguyễn Trọng Kiên 3 năm tù.
Đây là mức án thích đáng cho những kẻ xem thường pháp luật, xâm hại tài nguyên rừng. Qua vụ án đã góp phần răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong nhân dân trong vùng, nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn.
Liên quan đến vụ việc, Cơ quan điều tra đã tạm giữ 12 xe mô tô "độ chế" được các bị can sử dụng để vận chuyển gỗ trái phép, xe không có biển kiểm soát, không xác định được nguồn gốc; tạm giữ 10 điện thoại di động.