(HBĐT) - Tự ý san gạt, xây dựng nhà xưởng trên hành lang thoát lũ của công trình thủy lợi, công trình cầu cống, hành lang giao thông, đất nông nghiệp, đất trồng lúa... Đó là những cách thức lấn chiếm đất công khá phổ biến hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thực tế này đặt ra câu hỏi cấp bách đối với các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai về công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp hiện nay.


Muôn kiểu lấn chiếm đất 

Tháng 2/2020, người dân xóm Lục Đồi, thị trấn Bo (Kim Bôi) phản ánh ông Tạ Xuân Thắng, xóm Lục Đồi lợi dụng việc xây dựng công trình đường dân sinh để tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng khuôn móng trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, lấn chiếm dòng chảy thoát nước công trình ngầm Bo, thị trấn Bo. Điều đáng nói, trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông Thắng không chứng minh được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến diện tích đất mà ông tự ý san gạt. Và chỉ với "lời hứa" của Ban quản lý xóm về việc "trả công" thi công tuyến đường dân sinh cho xóm, ông Thắng đã tự ý "biến" gần 200 m2 đất chưa được giao thành... đất nhà mình. Sau khi có phản ánh của Nhân dân, UBND huyện Kim Bôi đã đình chỉ công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã gần 1 năm trôi qua, diện tích san lấp mặt bằng trái phép vẫn... chưa được giải quyết. 



Lợi dụng việc làm đường dân sinh cho xóm, một hộ dân xóm Lục Đồi, thị trấn Bo (Kim Bôi) tự ý san đất xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Tháng 9/2020, người dân phố Ốc, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) phản ánh hộ ông Hoàng Văn Phong tự ý xây dựng nhà trên đất trồng cây lâu năm, đổ đất xuống ruộng lúa làm biến dạng đất với mục đích xây dựng nhà. Khi làm việc với chính quyền địa phương, ông Phong chưa hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. UBND huyện Lạc Sơn đã đình chỉ công trình nhà ở trên đất trồng cây lâu năm, yêu cầu ông Phong múc đất, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. 

Mới đây nhất, tháng 10/2020, người dân xóm Ve, xã Đông Bắc (Kim Bôi) vô cùng bức xúc trước tình trạng một hộ dân lợi dụng việc xây dựng đường vào khu vực sản xuất cho xóm, đã lấn chiếm xây dựng công trình kiên cố trên mương thoát nước của xóm. Người dân cho biết, vị trí cống này là vị trí quan trọng nhất, là rốn nước, nước tập trung từ ruộng và các khu dân cư đều đổ dồn về cống thoát này, cống thoát hiện tại đã chìm sâu dưới mặt ruộng và nhỏ, không kịp thoát nước mỗi khi mưa nên gây ngập úng nghiêm trọng. Trao đổi với chính quyền địa phương, được biết UBND xã đã tiến hành kiểm tra, hộ gia đình khai báo là xây dựng để... kè đường. 

Thực tế, những vụ việc sai phạm nghiêm trọng như thế này không phải là hiếm tại nhiều địa phương. Đồng chí Bùi Văn Sờn, Chánh Thanh tra huyện Lạc Sơn chia sẻ: Đất đai là vấn đề nóng hiện nay. 9 tháng đầu nay, tỷ lệ đơn thư liên quan đến lĩnh vực đất đai chúng tôi tiếp nhận chiếm hơn 53% tổng số đơn kiến nghị, phản ánh. Ngoài việc tranh chấp giữa các hộ, giải quyết chế độ đối với đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề lấn chiếm đất công, sử dụng đất không đúng mục đích cũng đang là vấn đề gây bức xúc dư luận. 

Theo số liệu của ngành TN&MT, trong những năm qua, ngành nhận được 240 vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Có hay không việc buông lỏng quản lý? 

Việc lấn chiếm đất, chủ yếu là đất nông nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích gây bức xúc dư luận, khi sự việc diễn ra khá nghiêm trọng mà chính quyền cơ sở khi vào cuộc thì đã trở thành... chuyện đã rồi. Ông Bùi Văn V., thị trấn Bo (Kim Bôi) bức xúc: Việc một hộ dân đổ đất, thuê người đến xây dựng nhà xưởng trên đất không được phép không phải là việc bé, có thể... giấu trong nhà nên chính quyền nói không nắm được gì là không thuyết phục. Cùng chung quan điểm trên, ông Đinh Văn Đ., cán bộ hưu trí tại TP Hòa Bình bày tỏ: Người dân không thể làm được nếu chính quyền cơ sở không cho phép. Có những nơi, khi các thủ tục về đất chưa hoàn thành, chính quyền xã đã đồng ý cho phép hộ dân san gạt, xây dựng công trình. Một hộ làm được thì hộ khác cũng làm được. Có những hộ, chính quyền có xử phạt, yêu cầu tạm dừng, nhưng một thời gian sau lại thấy hộ đó làm, ngang nhiên và thách thức. Những vụ việc như thế, họ làm với tốc độ rất nhanh, chỉ 2 -3 ngày đã thấy công trình hoàn thành. Đến khi chính quyền xuống đến nơi họ đã làm xong rồi. Chính điều đó tạo ra sự nhờn luật.


Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) và các đại biểu HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn thu từ đất tại địa bàn huyện Lương Sơn. 

Từ thực tế cho thấy, hiện nay, việc quản lý đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp tại địa phương vẫn có những kẽ hở để người dân lợi dụng lấn chiếm, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Anh Nguyễn Văn Trường, cán bộ thanh tra TP Hòa Bình cho biết: Một trong những loại lấn chiếm điển hình nhất là việc  thầu đất 5% của xã, sau đó tự ý xây dựng, san gạt, ngoài ra, nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cán bộ thôn, xóm về Luật Đất đai tranh thủ chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích bằng cách đổi đất, đổi công trình... Đến khi chính quyền vào cuộc thì thành sự việc đã rồi, đất đai đã bị biến dạng, phá vỡ quy hoạch. 

Theo quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên đất, việc sử dụng đất sai mục đích, làm biến dạng đất sẽ chịu hình thức xử phạt, buộc phục hồi nguyên trạng đất, song thực tế, các địa phương mới chủ yếu đình chỉ, yêu cầu dừng xây dựng công trình trên đất lấn chiếm, mà chưa buộc khôi phục hiện trạng đất như ban đầu. Từ đó, tạo ra các khoảnh đất sai phạm, tuy nhiên, việc quản lý còn bỏ ngỏ, hoặc hình thành một loại xử phạt là xử phạt vi phạm hành chính nhưng cho phép tồn tại, các hộ dân tiếp tục được sử dụng. Chính vì vậy, việc xử phạt không mang tính răn đe, tạo ra những tiền lệ xấu, kéo theo nhiều đối tượng sẵn sàng chịu phạt để chuyển mục đích sử dụng đất. Theo phân tích của ngành TN&MT, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, đặc biệt đối với cơ sở. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức của cán bộ chính quyền cũng như người dân về Luật Đất đai, quyền quản lý, sử dụng đất còn rất hạn chế. Người dân vẫn nhầm tưởng bản thân có quyền làm gì thì làm trên mảnh đất của mình nên không có nhận thức về việc phải chuyển mục đích sử dụng đất. Ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa nắm rõ hết các hướng dẫn về việc thi hành Luật Đất đai nên việc quản lý đối với đất công tại cơ sở còn nhiều bất cập.   

Chú trọng xây dựng và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Việc lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý cũng như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo Thanh tra Sở TN&MT, trong những năm qua, ngành TN&MT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý tài nguyên đất, trong đó có đất nông nghiệp, như chú trọng xây dựng, giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển KT-XH. Việc bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải phù hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực. Tập trung cải cách thủ tục hành chính về đất đai, trong đó có đất nông nghiệp, cải tiến để đơn giản, linh hoạt trong thực thi các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Ngành cũng đã coi trọng việc thống kê, kiểm tra diện tích đất nông nghiệp hiện có. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp của chính quyền địa phương. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai nhằm mục tiêu vừa đáp ứng được yêu cầu thông tin cho công tác quản lý đất đai, đồng thời tập trung nguồn lực thực hiện công tác đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý tài nguyên đất, đặc biệt đối với đất nông nghiệp. 

                Phương Linh

Theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi lấn, chiếm đất xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức, mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.



Công khai minh bạch việc giao đất, cho thuê đất

Đất đai là quyền lợi liên quan sát sườn đến người dân. Tuy nhiên, hiện nay không phải ai cũng nắm rõ được quyền, nghĩa vụ của mình đối với tài nguyên đất. Người dân cho rằng, việc quản lý tài nguyên đất ở cơ sở còn nhiều bất cập. Nhiều người lợi dụng việc thuê đất, sau đó biến đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, để quản lý tốt tài nguyên đất, theo tôi cần thực hiện việc đánh giá xét duyệt một cách công khai việc giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Tuân thủ chặt chẽ những quy định về quản lý tài nguyên đất. Đặc biệt, đối với cấp chính quyền tại địa phương cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, nắm bắt tình hình, cương quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, làm biến dạng đất. 

Quách Văn Hướng
Bí thư chi bộ xóm Thang, xã Thạch Yên (Cao Phong)


Cần nghiêm trị các hành vi vi phạm

Việc lấn chiếm, chiếm đoạt, làm biến dạng đất là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về đất đai. Tuy nhiên, thực tế tôi thấy ngày càng nhiều người dân có thể dễ dàng thực hiện được hành vi này mà không bị xử lý, hoặc có xử lý chỉ là hình thức. Nộp phạt xong họ vẫn tiếp tục làm, rồi từ từ hợp thức hóa thành đất của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, làm cho tình hình ANTT ở cơ sở thêm phức tạp. Trong đó, có cả những người hiểu rất rõ về luật, nhưng cố tình vi phạm. Vì vậy, tôi đề nghị phải xử lý nghiêm đối với những trường hợp này, không chỉ vậy, cần xử lý cả cán bộ, công chức làm sai, tiếp tay cho hành động sai trái. 

              
Bùi Văn Kìn
Phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)



Các tin khác


Cụm thi đua số 4 Hội CCB các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng tổng kết phong trào thi đua năm 2020

(HBĐT)- Ngày 20/11, Cụm thi đua số 4 Hội Cựu chiến binh (CCB) các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2020. Tham dự có các đồng chí: Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch T.Ư Hội CCB Việt Nam; Thiếu tướng Bùi Công Chức, Phó Chính ủy Quân khu 3; Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo UB MTTQ tỉnh và đại diện Hội CCB của 9 tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số 4 gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình.

Cần có “bộ lọc” tốt khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội

(HBĐT) - Đăng tải thông tin sai sự thật, mạo danh để phát tán tin giả, cài mã độc để đánh cắp thông tin cá nhân… Có rất nhiều "cái bẫy” như thế đang rình rập trên mạng xã hội (MXH), đòi hỏi người sử dụng cần có "bộ lọc” tốt để vừa tự bảo vệ mình không bị "nhiễm” thông tin xấu, độc, vừa đảm bảo khai thác được những ưu thế vượt trội của công nghệ thông tin (CNTT).

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng làm việc tại Công an tỉnh 

(HBĐT) - Ngày 19/11, Đoàn công tác Bộ Công an do Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã làm việc với Công an tỉnh về các chuyên đề: Công tác bảo đảm ANTT, bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; công tác của lực lượng Cảnh sát cơ động, phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ và thi hành án hình sự, tạm giam, tạm giữ. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Phạm nhân sẽ được trích 14% kết quả lao động để bổ sung mức ăn

(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Huyện Mai Châu:Coi trọng công tác phòng ngừa trong đấu tranh chống tham nhũng

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp huyện Mai Châu đã tiến hành kiểm tra, giám sát (KTGS) trên 60 tổ chức Đảng, 50 đảng viên; lực lượng chức năng triển khai 6 cuộc thanh tra, kiểm toán. Kết quả không phát hiện tổ chức Đảng, đảng viên, đơn vị, tổ chức có dấu hiệu, hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Hà Văn Di cho biết: Kết quả đó có được phần lớn nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong đấu tranh chống tham nhũng.

Thanh tra huyện Lạc Sơn: Hướng tới trọng tâm, trọng điểm, giải quyết vấn đề bức xúc của Nhân dân

(HBĐT) - Với việc xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận có nhiều bức xúc, thời gian qua, công tác thanh tra ở huyện Lạc Sơn đã phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý Nhà nước về KT-XH. Qua đó, góp phần ổn định ANCT - TTATXH trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục