Khi cần tra cứu thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai, không cần phải đi đâu xa, ông Lê Đức Sinh, thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) chỉ cần đến UBND xã. Tại đây, ngoài tủ sách pháp luật đặt tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã, mọi vướng mắc của ông Sinh và những người có nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt nội dung, kiến thức pháp luật đều được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn, giải đáp thấu đáo.
Không chỉ ở xã Đồng Tâm, theo đồng chí Quách Tất Lục, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện, với quan điểm đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân, để mọi người dân đều có thể tìm hiểu, nắm bắt được, thời gian qua, huyện đã tập trung xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL). Coi đây là một trong những giải pháp, biện pháp quan trọng để góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân.
Với quan điểm đó, tính đến hết tháng 11/2020, toàn huyện có 8/10 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện còn 2 xã là Hưng Thi, Thống Nhất chưa được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, huyện lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cho 2 xã phấn đấu đến hết năm 2020 đạt các tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn TCPL.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho người dân trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong toàn huyện đã tổ chức được hàng chục hội nghị TTPBGDPL cho khoảng 6.000 lượt người tham dự; tuyên truyền gần 500 lượt phát thanh thông qua hệ thống phát thanh của huyện, xã, thôn, xóm cho khoảng trên 83 nghìn lượt người tiếp cận thông tin pháp luật ở các lĩnh vực. Cùng với đó, Trung tâm VH-TT&TT huyện phối hợp các ngành tổ chức được hơn 10 buổi truyền thông về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông; tăng cường tuyên truyền công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước...
Theo đồng chí Quách Tất Lục, để công tác TTPBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả, huyện đã tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện, toàn huyện có 15 báo cáo viên pháp luật cấp huyện 116 tuyên truyền viên cơ sở. Toàn huyện có 21 tủ sách pháp luật với 1.397 đầu sách, góp phần phục vụ việc tra cứu thông tin, văn bản, tài liệu của cán bộ, Nhân dân tại cơ sở. Thực hiện luân chuyển theo quy định từ Trung tâm Học tập cộng đồng đến các điểm, khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn. Anh Vũ Xuân Hải, cán bộ Tư pháp xã Khoan Dụ chia sẻ: Trên thực tế, hiện nay, việc tra cứu thông tin, văn bản pháp luật của người dân chủ yếu thông qua dịch vụ mạng internet. Dù vậy, việc cung cấp thông tin, văn bản qua hệ thống tủ sách pháp luật vẫn là một trong những kênh quan trọng, để một bộ phận người dân không có điều kiện sử dụng mạng internet tiếp cận, tra cứu thông tin...
Từ việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận pháp luật, tự nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật, thời gian qua, các địa phương trong toàn huyện đã tổ chức hòa giải thành nhiều vụ việc mâu thuẫn, vướng mắc nảy sinh ở cơ sở. Qua đó, đưa tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân trên địa bàn huyện đạt 84,6%. 112 tổ hòa giải với 771 hòa giải viên không chỉ là tuyên truyền viên pháp luật, mà cùng với các ngành chức năng đã trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần giữ vững ổn định về ANCT - TTATXH trên địa bàn thông qua việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân...
Mạnh Hùng