Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội(Công an tỉnh) trao đổi kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 137/2020/NĐ-CP.
Cho phép người dân được đốt pháo hoa
Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VKVLN - CCHT), ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), so với NĐ số 36/2009/NĐ-CP, NĐ 137 bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo hoa cũng như các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, tại Điều 17 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong dịplễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, NĐ cũng lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Ngoài ra, NĐ quy định các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, giải phóng miền Nam, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bên cạnh đó, NĐ bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo so với trước đây. Cụ thể, nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định); cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo hoa, thuốc pháo; mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn, hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...
Đốt pháo hoa nào để đúng luật?
Thực tế, hiện nhiều người dân hiểu không đúng, chưa rõ về loại pháo hoa được phép đốt trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật... quy định trong NĐ 137. Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều người nhận thức rằng, những loại pháo hoa nổ thường bắn trong thời điểm đón giao thừa, hay người dân đang sử dụng trái phép là pháo hoa. Nhận thức như vậy là chưa đúng. Thực chất những loại pháo hoa đó chứa đầy đủ yếu tố của pháo nổ, mức nguy hiểm còn trên cả pháo nổ. Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo, thuốc phóng, thuốc hoa. Khi đốt tạo ra tiếng nổ, ánh sáng, âm thanh... Loại pháo này người dân ở một số địa phương lén lút sử dụng trái phép nhiều. Phổ biến nhất là pháo 36 quả sau khi phụt lên trời nổ tiếp thành hoa. Loại pháo này rất nguy hiểm, được tạo ra từ 3 loại thuốc nổ, thuốc phóng và thuốc hoa, dễ gây thương tích, cháy nổ, bị cấm tuyệt đối. Theo NĐ mới, hiểu đơn giản pháo hoa là sản phẩm khi đốt tạo ra màu sắc ánh sáng trong không gian, không gây tiếng nổ, không gây nguy hiểm. Người dân được phép đốt pháo hoa này vào các dịp lễ, Tết... đã quy định và phải là người dân đủ năng lực hành vi dân sự.
NĐ quy định người dân muốn sử dụng phải mua tại các cơ sở được phép sản xuất, chế tạo, nếu mua tại những nơi không được phép vẫn bị xử lý hành chính. Hiện, chỉ các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng đáp ứng điều kiện về ANTT, phòng chống cháy nổ mới được phép sản xuất, nghiên cứu, kinh doanh xuất, nhập khẩu pháo hoa này. "NĐ nêu rõ các trường hợp được đốt pháo hoa và chỉ được đốt trong không gian sự kiện ấy. Mang pháo ra đường đốt đương nhiên vi phạm, tùy mức độ xử lý, nếu có yếu tố gây rối trật tự công cộng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự...” - Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
NĐ137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Trước thực tế này, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2304/UBND-NC về việc tăng cường thực hiện công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về VKVLN - CCHT và pháo. Công an tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. "Để NĐ 137 được thực hiện hiệu quả, lực lượng Công an rất mong các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến NĐ; có giải pháp siết chặt thị trường, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm đến tay người tiêu dùng là pháo hoa rõ nguồn gốc, xuất xứ, an toàn khi sử dụng...
Mạnh Hùng