Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng: Cảnh báo nhiều hành vi, thủ đoạn, chiêu trò mới
Thứ hai, 31/5/2021 | 9:22:48 Sáng
(HBĐT) - Từng có thâm niên tham gia mạng xã hội (MXH) facebook cả chục năm. Đã từng nghe nhiều, biết nhiều về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) qua MXH, nhưng chị L.T.H ở phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) vẫn không thể ngờ có ngày mình lại trở thành nạn nhân của một vụ LĐCĐTS qua MXH.
Đối tượng Hoàng Thị Hồng Yến, trú tại xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Chiêu trò cũ, vẫn nhiều người "sập bẫy”
Kể lại vụ việc, chị L.T.H vẫn còn bức xúc: Hôm đó, khi mở trang facebook cá nhân, tôi nhận được tin nhắn của một chị bạn cũng hay liên lạc, trò chuyện hỏi vay tiền. Do là số tiền không lớn, nghĩ là chị ấy có việc cần nên mới hỏi vay gấp nên tôi đã chuyển 6 triệu đồng vào tài khoản nhắn trên messenger facebook. Sau khi chuyển tiền xong tôi không thể liên lạc được với chủ tài khoản facebook đó nữa. Gọi điện hỏi chị bạn bảo không phải là người hỏi vay tiền và không nhận được bất kỳ thông tin gì về việc tôi chuyển khoản 6 triệu đồng cho chị ấy. Chị thông tin là tài khoản facebook của chị bị hack (chiếm quyền truy cập) từ mấy hôm trước. Khi ấy tôi mới biết mình bị sập bẫy, trở thành nạn nhân của các đối tượng LĐCĐTS trên không gian mạng.
Trên thực tế, chị L.T.H chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của các vụ LĐCĐTS trên không gian mạng. Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), hiện nay, các hành vi lừa đảo qua MXH có chiều hướng gia tăng, nhất là khi các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn mới và tinh vi, khiến người dân rất dễ bị mắc lừa nếu không có ý thức đề cao cảnh giác. Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) đã tiếp nhận nhiều vụ việc, đơn tố giác tội phạm liên quan đến LĐCĐTS trên không gian mạng. Mới đây nhất, ngày 10/3/2021, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp nhận đơn trình báo của anh Bùi Văn Nhung (SN 1994), trú tại xã Bình Cảng (Lạc Sơn) tố giác một người tên Tùng, địa chỉ tại Vũng Tàu sử dụng mạng zalo để LĐCĐTS bằng hình thức chuyển tiền qua ngân hàng mua máy xúc, sau đó chiếm đoạt 483 triệu đồng. Sau khi lãnh đạo Công an tỉnh giao nhiệm vụ, Phòng CSHS đã tiếp nhận, khẩn trương điều tra, làm rõ Phạm Minh Gấm (SN 1989), trú tại TP Tuy Hoà (Phú Yên) là đối tượng gây ra vụ án này.
Nhiều "cạm bẫy” mới xuất hiện trên không gian mạng
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 8 vụ LĐCĐTS. Đáng nói, trong 8 vụ mà lực lượng chức năng tiếp nhận, xử lý thì có 5 vụ là tội phạm LĐCĐTS được thực hiện trên không gian mạng, thông qua các trang MXH như zalo, facebook giả mạo. Trước thực trạng LĐCĐTS trên không gian mạng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã phát đi nhiều thông tin, cảnh báo hoạt động tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, Công an tỉnh ban hành văn bản gửi Công an các địa phương khuyến cáo để người dân cùng nhận diện, tăng cường các biện pháp phòng, chống loại tội phạm này.
Theo cơ quan chức năng, bên cạnh những thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo qua MXH như chiếm quyền sử dụng facebook, zalo; giả danh chủ tài khoản, cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án, ngân hàng; giả danh người nước ngoài kết bạn, làm quen, nhắn tin; thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng... thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới qua MXH, hướng đến đối tượng là người bán hàng online, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Cụ thể, các đối tượng giả là người Việt Nam ở nước ngoài, đặt mua hàng của người kinh doanh trong nước. Sau đó, thông qua điện thoại di động hoặc MXH gửi tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế, từng bước dẫn dắt các bị hại đăng nhập để rút tiền, chiếm đoạt tài sản. "Qua công tác đấu tranh, điều tra, xử lý của cơ quan công an cho thấy, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là lợi dụng những lỗ hổng bảo mật thông tin của các cá nhân, tổ chức và "đánh” vào lòng tham vật chất của một số cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, khi tham gia MXH người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong việc cung cấp các thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng... cho người khác. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt” - Đại tá Trần Mạnh Hải đưa ra lời cảnh báo.
Theo đánh giá, tội phạm trên không gian mạng hiện rất đa dạng và liên tục thay đổi thủ đoạn lừa đảo. "Hiện xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hoạt động trao đổi, mua bán qua mạng; tội phạm lợi dụng giao dịch tiền ảo để lập ra các website kêu gọi đầu tư nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt. Để ngăn chặn tội phạm người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tội phạm đã được cơ quan công an, cơ quan truyền thông đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, trên MXH... để tự phòng tránh. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa xác thực; không chuyển tiền khi chưa kiểm tra, xác minh, chưa biết rõ người nhận là ai. Nêu cao ý thức cảnh giác để không biến mình trở thành nạn nhân của các vụ LĐCĐTS. Đây chính là cách phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng một cách hiệu quả nhất” - Đại tá Trần Mạnh Hải lưu ý thêm.
(HBĐT) - Ngày 28/5, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Thị Oanh (SN 1979), trú tại xóm Máy 2, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) về hành vi "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm" theo điểm a, khoản 1, Điều 244, Bộ luật Hình sự.
Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án "Tham ô tài sản”, "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên.
(HBĐT) - Những năm qua, công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh có chuyển biến tích cực. Năm 2020, ngành Tòa án và KSND đã ký quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính. Thông qua quy chế phối hợp, VKSND tỉnh được tiếp cận hồ sơ các vụ án từ giai đoạn mới thụ lý. Đồng thời, cùng thẩm phán tham gia các buổi tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải, đối thoại, thẩm định tại chỗ.
Chiều 27/5, Công an thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã lập biên bản tạm giữ hơn 10 nghìn sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của một cơ sở kinh doanh online trên mạng xã hội Facebook, không rõ nguồn gốc xuất xứ để xử lý theo quy định.
Chiều 26/5, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết: Qua theo dõi nắm bắt thông tin từ cơ sở, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới đã bắt giữ 39 đối tượng nhập cảnh trái phép, trong đó tuyến Việt Nam - Trung Quốc là 21 đối tượng và tuyến Việt Nam - Campuchia là 18 đối tượng.