Công an xã Tự Do (Lạc Sơn) phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân xóm Cối Cáo. Ảnh chụp tháng 1/2021.
Nỗi đau dai dẳng
Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ giết người, làm 7 người chết, trong đó xảy ra cả vụ tội phạm giết nhiều người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, ngày 21/2/2021, tại thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn (Lương Sơn), do mâu thuẫn trong lúc hát karaoke, Nguyễn Công Dũng (SN 1979), trú tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) dùng dao đâm những người hát cùng phòng; hậu quả làm 3 người chết, 5 người bị thương. Ngày 24/8/2021, tại xóm Tam I, xã Thanh Hối (Tân Lạc), Bùi Văn Hưng (SN 1988), trú tại xóm Tam I, xã Thanh Hối dùng kiếm chém 3 nhát vào đầu ông Bùi Văn Đoàn (SN 1957) trú cùng xóm; hậu quả ông Đoàn bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nguyên nhân ban đầu xác định Hưng có mâu thuẫn cá nhân từ trước với em trai ông Đoàn.
Ngoài các vụ việc trên thì tình trạng người thân trong gia đình giết nhau vẫn xảy ra. Như ngày 4/7/2021, do mâu thuẫn trong sinh hoạt, bà Bùi Thị Hoa (SN 1964), trú tại xã Hùng Sơn (Kim Bôi) bị chồng là Bùi Văn Bình (SN 1969) dùng dao đâm vào bụng; hậu quả bà Hoa chết trên đường đi cấp cứu. Mới đây nhất, ngày 30/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bôi tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú là Quách Đình Ánh (SN 1975), trú tại xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, do mâu thuẫn, cãi vã đã dùng dao nhọn đâm chị Cúc dẫn đến tử vong.
Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên do lối sống, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến hành vi bạo lực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL), nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế. Các vụ án chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài trong tranh chấp đất đai, tài sản, nợ nần kinh tế, ghen tuông hoặc xích mích trong cuộc sống hàng ngày nhưng không giải quyết kịp thời, triệt để. Bên cạnh đó, nhiều vụ án giết người do mâu thuẫn bột phát nhất thời, nảy sinh xích mích trong cử chỉ, lời nói trong khi uống rượu, bia... dẫn tới việc hung thủ cầm hung khí sát hại người thân để lại nỗi đau dai dẳng vẫn còn xảy ra.
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an và Nhân dân
Đại tá Trần Mạnh Hải cho rằng: Không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà trong thời gian tới, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Quan điểm của Bộ Công an cũng như của Công an tỉnh trong công tác phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội là phát huy vai trò của hệ thống chính trị, trong đó chú trọng kết hợp giữa phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục với đấu tranh trấn áp, điều tra xử lý. Lấy phòng ngừa, giáo dục là chính, coi trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, nhà trường và cơ sở.
Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền, nhất là lực lượng Công an cơ sở cần triển khai toàn diện công tác phòng ngừa tội phạm. Tập trung, chủ động phát hiện sớm, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, không để mâu thuẫn tích tụ, kéo dài. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân. Duy trì, xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở, khu dân cư, thôn bản. Đẩy mạnh TTPBPL trong cộng đồng dân cư, đặc biệt chú ý đến cách xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn nếu phát sinh ngay tại gia đình, địa bàn cơ sở. Đồng thời, lực lượng Công an, nhất là Công an xã làm tốt công tác nắm người, nắm hộ; quản lý nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... Đây được xem là những biện pháp, giải pháp căn cơ nhằm kéo giảm, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.
Mạnh Hùng
Ông Lê Quang Hào và Nguyễn Mạnh Hùng, hai cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), bị phạt lần lượt 6 và 7 năm tù.