Giấu ma túy trong mô tơ điện, đồ gỗ, máy móc, thiết bị điện tử, nông sản, hạt nhựa, sắt phế liệu, đồ chơi trẻ em, thực phẩm, thậm chí nuốt vào bụng…; cho tới thành lập doanh nghiệp bình phong, cất giấu trong hàng hóa rồi khai báo gian lận, dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén… là những "độc chiêu” của các đối tượng tội phạm ma tuý.


Mục đích của chúng là đưa ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển tiếp sang nước thứ ba.

Nguỵ trang tinh vi

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Hải quan (ngày 27/12), Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết, dù dịch bệnh COVID-19 vẫn bùng phát ở nhiều địa phương nhưng tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thách thức, khó khăn đối với nỗ lực phát hiện, ngăn chặn, xử lý trong địa bàn hoạt động hải quan.


Ma túy cất giấu, ngụy trang trong mô tơ điện được lực lượng Hải quan, Công an phối hợp bắt giữ tháng 5/2021.

Trong năm 2021, tình hình tội phạm về ma túy trên tuyến Tây Bắc và khu vực miền Trung tuy có xu hướng giảm về số vụ song diễn biến vẫn phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, vùng giáp ranh với các tỉnh Bắc Lào. Nguồn ma túy chủ yếu được thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc chuyển đi nước thứ ba để tiêu thụ.

Đối tượng phạm tội ma túy rất đa dạng về thành phần, lứa tuổi, phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động. Ma túy được ngụy trang, cất giấu dưới nhiều hình thức nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn rừng núi hiểm trở, cây cối rậm rạp hoặc qua đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép chất ma túy; thường xuyên thay đổi hình thức, phương thức cất giấu ma túy. Các đối tượng tội phạm ma túy hoạt động ngày càng liều lĩnh, xuất hiện nhiều đường dây, ổ nhóm được trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và tuyến biên giới giáp Campuchia, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp; các khu vực này trở thành "địa bàn nóng” về tội phạm ma túy.

Do Trung Quốc tổ chức kiểm soát chặt chẽ biên giới, các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, móc nối với các đối tượng trong nước đầu tư kinh doanh, thuê kho, xưởng, căn hộ chung cư để điều hành, tổ chức việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam.

"Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, như: Cất giấu ma túy trong mô tơ điện, đồ gỗ, máy móc, thiết bị điện tử, nông sản, hạt nhựa, sắt phế liệu, đồ chơi trẻ em, thực phẩm… để vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.

Chia sẻ về một số thủ đoạn của tội phạm ma túy thường sử dụng trong lĩnh vực hải quan, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, gần đây, các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy thường lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử, áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu ma túy...

"Theo đó, các đối tượng khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá, trà trộn, cất giấu ma tuý vào hàng hoá xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý… để đưa vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ. Đặc biệt, các đối tượng ở một số nước sử dụng cần sa hợp pháp như Canada, Mỹ... đã gửi cần sa qua đường chuyển phát nhanh với thủ đoạn chia nhỏ thành nhiều gói, có trọng lượng dưới 1kg đến nhiều người nhận, nhiều địa chỉ nhận hàng khác nhau nhằm mục đích nếu cơ quan chức năng phát hiện thì vẫn không bị xử lý hình sự”, ông Nguyễn Hùng Anh cho hay.

Ma tuý gửi theo dạng quà biếu tăng nhanh

"Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của các trang mạng xã hội, việc hướng dẫn sản xuất trái phép chất ma túy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây khó khăn cho công tác kiểm soát và phòng, chống ma túy của các cơ quan chức năng”, Cục trưởng Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh.

Trên tuyến hàng không, bưu điện và chuyển phát nhanh, tội phạm ma túy liên quan đến công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hành khách bị hạn chế hoặc được kiểm soát rất chặt chẽ, dẫn đến các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch qua tuyến hàng không từ các nước châu Âu về Việt Nam.

Các thủ đoạn cất giấu ma túy qua tuyến này cũng hết sức tinh vi như: cất giấu ma túy trong túi xách cá nhân, lọ thuốc, thực phẩm chức năng, hộp bánh kẹo, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm, sáp thơm, trong các vật dụng gia đình, thậm chí nuốt ma túy trong người…

Đơn cử, tháng 4/2021, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra và thu giữ gần 36kg ma túy các loại ngụy trang trong các lô hàng quà biếu được nhập khẩu từ Mỹ - Canada - Đức, chủ yếu là sữa, bánh kẹo... Lực lượng chức năng cho hay, bưu kiện nhập khẩu này ghi địa chỉ giả hoặc không có người nhận theo vận đơn.

Tháng 9/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện một kiện hàng thực phẩm khai báo là miến dong, bún khô, sứa biển… xuất sang Singapore có chứa hơn 1kg ma túy đá. Kiện hàng này do một cá nhân tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ủy thác qua một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại TP Hồ Chí Minh làm thủ tục xuất khẩu qua đường hàng không.

Gần đây nhất, lực lượng Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện một bưu kiện có trọng lượng hơn 16kg có tên và số điện thoại cũng như địa chỉ người gửi không có thật. Trong đó chứa gần 5kg ma túy là methaphetamine được ngụy trang tinh vi bằng cách đúc giữa các khối sáp thơm, để lẫn cùng với quần áo, đồ chơi trẻ em.

Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm ma túy lợi dụng chính sách quà biếu phi mậu dịch, móc nối để xuất khẩu trái phép ma túy qua Australia. Trong thời gian qua, cũng có nhiều lô hàng chứa ma túy ngụy trang bằng nhiều loại thực phẩm, từ cà phê, cá khô, sứa biển, thức ăn cho chó mèo để xuất khẩu đều đã bị cục phát hiện, ngăn chặn ngay tại cửa khẩu.

Tại Hà Nội, vừa qua, Cục Hải quan TP Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện kiện hàng "khủng” gửi từ Hà Lan, Đức về Hà Nội qua đường hàng không có chứa tới 127,5kg ma túy tổng hợp và ketamine.

Đáng chú ý, ngoài các tuyến đường "truyền thống”, gần đây, qua kênh hợp tác quốc tế, Hải quan Việt Nam được chia sẻ một số vụ việc vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn qua nhiều quốc gia bằng đường biển, có lưu trữ tồn lâu ở Việt Nam và xuất đi nước thứ ba. Qua đó có thể thấy, tuyến đường biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đặc biệt một số vụ việc được phát hiện, bắt giữ cho thấy ma túy được cất giấu, ngụy trang trong các thành vách giả, kiên cố bên trong phương tiện chuyên chở, container và các lô hàng cồng kềnh.

Đặc biệt, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, các đối tượng chủ hàng ma túy thường lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan làm hợp đồng ủy thác xuất, nhập khẩu hàng hóa. Thậm chí, trong quá trình đó còn sử dụng công ty "ma” để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu lượng ma túy rất lớn.

Bên cạnh đó, từ các vụ án ma túy xuyên quốc gia đã triệt phá cho thấy, xuất hiện nhiều các đối tượng người nước ngoài, nhất là Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc… sang Việt Nam mở các công ty bình phong xuất, nhập khẩu, thuê các kho hàng và chỉ đạo người Lào, Thái Lan, Việt Nam ở vùng biên giới vận chuyển ma túy tổng hợp, heroin từ vùng "Tam giác vàng” đi vào Việt Nam, sau đó tập kết về kho hàng của các công ty bình phong tại các thành phố lớn để vận chuyển đi nước thứ 3.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, số liệu thống kê từ các vụ bắt giữ thời gian qua cho thấy, các loại ma túy được vận chuyển chủ yếu trong địa bàn hoạt động hải quan gồm: Heroin, cần sa, ketamine và ma túy tổng hợp.

Theo đó, năm 2021, ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp triệt phá 242 vụ, bắt giữ 231 đối tượng, số tang vật thu giữ gồm trên 90kg và 52 bánh heroin; trên 700kg cần sa; trên 500kg và 581.246 viên ma túy tổng hợp…

Theo Báo Công an Nhân dân

Các tin khác


12 năm tù cho đối tượng lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền ngân hàng

(HBĐT) - Ngày 29/12, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xét xử đối với Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1981), trú tại khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), nguyên là giao dịch viên phòng giao dịch Bưu điện huyện Cao Phong về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

40 năm tù cho 2 bị cáo đi từ Nam Định lên Sơn La mua hơn 1 kg ma túy “đá” về bán lẻ

(HBĐT) - Ngày 28/12, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo Ngô Thị Hồng Yến (SN 1984) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1987), cùng trú tại TP Nam Định (Nam Định) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Bộ Công an sẽ điều tra triệt để vụ án tại Công ty Việt Á

"Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án, làm rõ đến đâu thông tin đến đó", đại diện C03 cho biết tại họp báo chiều 28/12.

Kit xét nghiệm Việt Á: Nghiệm thu sản phẩm sau khi vụ án bị khởi tố

Từ khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), nhiều thông tin liên quan vụ án lớn này khiến dư luận ngỡ ngàng.

Vụ SADECO: Ông Tề Trí Dũng thừa nhận sai phạm ''như cáo trạng đã nêu''

Chiều 27-12, phiên tòa xét xử vụ tham ô, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) bắt đầu xét hỏi. Ông Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc IPC) thừa nhận sai phạm.

Cựu giám đốc sở: Lúc đương chức, ông Chung ''như ông trời'' nên bị cáo phải làm theo

Tại tòa chiều 27-12, cựu giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội Nguyễn Văn Tứ nói thời điểm đương chức chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung 'như ông trời', bị cáo là cấp dưới nên phải làm theo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục