Lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, cân trọng tải xác định phương tiện chở vượt quá trọng tải cho phép gần 90%.
Thực hiện Kế hoạch số 77, ngay từ cuối tháng 2, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã tập trung rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết không chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe khi tham gia giao thông… Đồng thời tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm về tải trọng xe, cũng như kết quả phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng về lỗi vi phạm này trong thời gian qua. Ngày 24/3, Phòng thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 6, đồng loạt ra quân xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tập trung vào các lỗi trên.
Ngay ngày đầu ra quân, các tổ tuần tra kiểm soát đã phát hiện, xử lý 9 trường hợp vi phạm. Trong đó đáng chú ý, nhiều trường hợp vượt quá tải trọng cho phép tới gần 90%, thậm chí lên đến 180%. Mặc dù mức phạt cho lỗi vi phạm này khá cao, mức phạt cao nhất đối với lái xe lên đến 20 triệu đồng và đối với doanh nghiệp là 40 triệu đồng, chưa kể lỗi vi phạm quá trọng tải kết cấu cầu đường, lỗi tự ý cơi nới thành thùng xe, đã có trường hợp vi phạm bị phạt tới gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều lái xe vẫn cố tình vi phạm, nguyên nhân theo lái xe Nguyễn Văn Hữu, trú tại Trần Phú, Chương Mỹ (Hà Nội) do giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển. Cùng với việc xử lý lỗi vi phạm về quá tải trọng giữa các địa phương không đồng đều, có nơi thực hiện rất nghiêm, có nơi buông lỏng, dẫn đến lái xe buộc phải vi phạm quy định để đảm bảo cân bằng chi phí vận chuyển với các chủ phương tiện vận chuyển khác.
Theo Thiếu tá Bùi Minh Khánh, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường Hồ Chí Minh: Dọc tuyến hiện có khoảng 20 doanh nghiệp khai thác đá, hàng ngày có hàng trăm chuyến xe ra, vào các khu mỏ để vận chuyển đất, đá đi tiêu thụ, hầu hết các phương tiện đều có tải trọng lớn và thường cơi nới thùng xe để chở quá tải trọng quy định. Song việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn vì là địa bàn giáp ranh, khi xe đã chạy sang địa phận TP Hà Nội lực lượng chức năng không còn thẩm quyền xử lý, thêm vào đó, lái xe thường đối phó bằng cách đóng cửa xe hay để lại xe bỏ đi, không phối hợp nên việc xử lý mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, khi lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, có nhiều phương tiện là xe ô tô 4 chỗ, xe bán tải bám theo phía sau, nhiều phương tiện cơi nới thành, thùng, chở hàng quá tải trọng dừng, đỗ ở nhà dân, trước cổng bến, bãi và khu đất trống ven đường, không có tài xế trong xe. Nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi thì tài xế xuất hiện, tiếp tục cho xe di chuyển vào bến bãi, mỏ để vận chuyển vật liệu đi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, hiện nay, toàn tỉnh chưa bố trí được vị trí để san tải, nên các trường hợp vi phạm thường bị phạt hành chính xong vẫn tiếp tục tham gia giao thông. Điều này vô hình chung không xử lý dứt điểm được vấn đề và chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, các lực lượng chức năng mới tập trung giải quyết phần ngọn, đó là xử lý trường hợp chở hàng quá tải trọng tham gia giao thông. Còn phần gốc là xử lý ngay từ nơi bốc, xếp hàng hóa tại các bãi, bến, kho vẫn chưa thực hiện được.
Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Bước đầu khắc phục những khó khăn nói trên, ngoài việc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, Phòng CSGT đã yêu cầu các đơn vị tập trung thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá trên các tuyến, địa bàn giao thông; lên danh sách các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tái phạm về hành vi chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe; xác định khung giờ các phương tiện vận tải hàng hoá thường xuyên hoạt động trên các tuyến giao thông. Xây dựng và sử dụng cộng tác viên bí mật để nắm chắc tình hình tại các khu vực có bến bãi, mỏ khai thác khoáng sản, trạm trộn bê tông, nhà máy sản xuất xi măng, gạch, vật liệu xây dựng… Kịp thời phát hiện, xử lý phương tiện chở hàng quá tải trọng từ những khu vực trên đến các công trình xây dựng, điểm tập kết hoặc sang địa phương khác và phương tiện hoạt động theo tuyến đường dài liên tỉnh…
Với những nỗ lực đó, tính riêng trong tháng 3, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý trên 20 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, để giải quyết dứt điểm tình trạng chở hàng quá tải trọng cần có sự phối hợp giữa các lực lượng, chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của lái xe, doanh nghiệp.
Minh Vũ
(HBĐT) - "Chính từ việc thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại, giải quyết đơn thư một cách công khai, minh bạch kết quả giải quyết, nhất là trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đầu tư công và công tác cán bộ; quan tâm giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc bức xúc, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giải quyết những vụ việc bức xúc từ cơ sở trên tinh thần được việc, được lòng dân” - đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Chánh thanh tra tỉnh nhấn mạnh.