(HBĐT) - Trước thực trạng tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 16/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Chỉ thị 27), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với điều tra viên Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh giải quyết vụ việc.

Ngày 4/11/2021, VKSND tỉnh phối với với Toà án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa hình sự phúc thẩm rút kinh nghiệm trực tuyến 2 cấp đối với vụ án Đỗ Thị Loan về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 249 của Bộ Luật hình sự năm 2015, do có kháng cáo kêu oan của bị cáo. Vụ án trên đã được xét xử sơ thẩm và bị cáo Đỗ Thị Loan bị xử phạt 30 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bị cáo kháng cáo kêu oan. Trong quá trình điều tra ban đầu, bị cáo nhận tội, sau đó bị cáo thay đổi lời khai, không nhận tội, tại giai đoạn phúc thẩm bị cáo mời luật sư bào chữa. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo tiếp tục không nhận tội, nhưng kiểm sát viên (KSV) đã thể hiện rõ vai trò công tố, tích cực tham gia xét hỏi và tranh luận đến cùng với từng ý kiến của luật sư đưa ra, đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan của bị cáo và HĐXX đã đồng ý với quan điểm giải quyết vụ án của VKSND tỉnh, bác kháng cáo của bị cáo và tuyên giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Đỗ Thị Loan 30 tháng tù về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c, khoản 1, Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Đây là 1 trong 647 phiên toà rút kinh nghiệm mà VKSND hai cấp phối hợp với Tòa án tổ chức trong 5 năm qua. Qua đó, nâng cao kỹ năng tranh tụng của KSV và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Nhân dân; kiểm sát đầy đủ các bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm và kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, góp phần bảo đảm pháp chế trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự.

Là địa bàn giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, cùng với đà phát triển KT-XH chung, trong thời gian qua, tình hình tội phạm xảy ra có sự biến động theo chiều hướng tăng nhẹ qua các năm. Năm 2017 khởi tố mới 620 vụ, năm 2018 là 650 vụ, năm 2019 là 692 vụ, năm 2020 là 743 vụ, năm 2021 là 754 vụ, tập trung vào các nhóm tội phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, tội phạm sở hữu, trật tự an toàn xã hội và tội phạm về ma túy… Đặc biệt có một số vụ án xâm phạm an ninh quốc gia có tính chất rất nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ Đào Quang Thực, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Nguyễn Văn Nghiêm, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) và vụ Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Mặc dù, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, song VKSND 2 cấp trong tỉnh đã triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, xác định nhiệm vụ đột phá trong từng khâu công tác nhằm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, qua đó, thực hiện đạt và vượt hầu hết chỉ tiêu nghiệp vụ. 5 năm qua, VKSND hai cấp đã kiểm sát 5.602 tố giác, tin báo về tội phạm; cơ quan điều tra đã giải quyết 5.414 tố giác, tin báo (trong đó: khởi tố 2.840 tố giác, tin báo; không khởi tố 1.897 tố giác, tin báo; tạm đình chỉ 677 tố giác, tin báo; đang giải quyết 188 tố giác, tin báo; không có trường hợp tố giác, tin báo quá hạn). Kiểm sát 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; ban hành 100% yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. VKSND hai cấp đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 3.737 vụ/5.111 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết 3.539 vụ/4.870 bị can (trong đó: kết thúc điều tra đề nghị truy tố 2.786 vụ/4.581 bị can; đình chỉ điều tra 202 vụ/213 bị can; tạm đình chỉ 551 vụ/76 bị can; hiện đang giải quyết 198 vụ/241 bị can). VKSND hai cấp đã phối hợp với các cơ quan tố tụng xác định 192 vụ án trọng điểm và 31 vụ án theo thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm đối với một số loại tội phạm có diễn biến phức tạp trên địa bàn...

Ngoài ra, VKSND 2 cấp còn thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, án hành chính và kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và công tác giải quyết, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Đồng chí Lại Anh Tuấn, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh đã lãnh đạo VKSND hai cấp nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 27; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực; các chỉ tiêu đạt được năm sau cao hơn năm trước; trách nhiệm công tố được tăng cường; chất lượng tranh tụng của KSV có nhiều tiến bộ, không để xảy ra oan, sai và hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được nâng cao về chất lượng và tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả hơn; hoạt động giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể được tăng cường; kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật xảy ra trong hoạt động tư pháp, yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm; hiệu lực các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên, số lượng và chất lượng vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật ngày càng được đẩy mạnh, công tác tổ chức cán bộ được chú trọng; tăng cường công tác phối hợp, đổi mới trong công tác quản lý chỉ đạo, điều hành trong đó đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm phục vụ tốt hoạt động chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của công tác cải cách tư pháp trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 27 vẫn còn một số hạn chế như: Công tác phối hợp đấu tranh và phòng ngừa tội phạm hiệu quả chưa cao, nhất là việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, những loại tội phạm mới phát sinh trên địa bàn; việc giải quyết một số vụ án còn để kéo dài; số vụ án ngày càng tăng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn, trong khi đó số biên chế, cơ sở vật chất; trang thiết bị, phương tiện, việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát chưa đáp ứng yêu cầu công tác…

Đánh giá về việc thực hiện Chỉ thị 27, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận: BTV Tỉnh ủy, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Chỉ thị 27. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được nâng cao về chất lượng và tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể được đẩy mạnh; kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật xảy ra trong hoạt động tư pháp, kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý theo quy định. Hiệu lực các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên, số lượng và chất lượng vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Chất lượng tranh tụng của KSV có nhiều tiến bộ, không để xảy ra oan, sai và hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, góp phần đảm bảo, giữ vững an ninh trật tự trong tình hình hiện nay. Trong thời gian tới, Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27, các kết luận, nghị quyết của T.Ư về chiến lược cải cách tư pháp, tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Khối Nội chính thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện hiệu quả việc tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm… 

 

Đồng bộ các giải pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Vũ Đức Hòa

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã kiện toàn, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ lãnh đạo VKSND các cấp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành, đội ngũ KSV vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong tình hình mới.

Theo đó, ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân. Tập trung thực hiện tốt hơn công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, đảm bảo tiến độ giải quyết án, không để xảy ra oan, sai, vi phạm tố tụng; kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động tố tụng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành; từng bước triển khai, thực hiện việc "số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video tại phiên tòa, góp phần nâng cao hiệu quả chứng minh tội phạm, tác động lớn đến nhận thức của Nhân dân, đạt được hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan, trước hết là các cơ quan trong Khối Nội chính trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giải quyết tốt hơn các vụ, việc trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền pháp luật, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.



Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát đối với hoạt động tư pháp

Nguyễn Công Minh

Chủ tịch UB MTTQ huyện Cao Phong

Hoạt động giám sát của MTTQ đối với hoạt động tư pháp là một trong những yêu cầu trọng tâm của phát huy quyền dân chủ của Nhân dân và MTTQ tham gia cải cách tư pháp, bảo đảm sự tham gia hiệu quả của Mặt trận vào tiến trình cải cách tư pháp. Trong đó vai trò giám sát của Mặt trận, của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp, góp phần cùng Đảng, Nhà nước hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp. Do đó, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động giám sát của Mặt trận một cách toàn diện, cả về hoạt động giám sát tư pháp. Đồng thời cần kiện toàn về tổ chức và cán bộ chuyên trách pháp luật của Mặt trận các cấp; mở lớp bồi dưỡng công tác giám sát hoạt động tư pháp cho cán bộ chuyên trách trong toàn hệ thống MTTQ Việt Nam.



Đinh Thắng

Các tin khác


Lĩnh hơn 16 năm tù vì liều lĩnh “ôm” 250kg thuốc nổ

(HBĐT) - Ngày 13/4, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Phượng (SN 1964), trú tại xã Văn Phú, Nho Quan (Ninh Bình) về hành vi "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ”.

Cầu nối đưa kiến thức pháp luật đến với người dân

(HBĐT) - Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, những năm qua trên 750 hội viên Hội Luật gia tỉnh đã góp sức xây dựng và giữ vững nhịp cầu nối đưa kiến thức pháp luật đến với người dân. Luật gia Bùi Thành Lê, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh chia sẻ: Hòa Bình là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Vì vậy, Hội Luật gia tỉnh luôn ưu tiên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân.

Bị xử phạt 5 triệu đồng về hành vi xúc phạm lực lượng Công an

(HBĐT) - Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh đã triệu tập ông Lê Duy H. trú tại phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình (chủ tài khoản Facebook "HL”) để làm việc về hành vi đăng tải bình luận có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng Công an.

Toàn tỉnh có 145/151 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở Tư pháp, năm 2021, toàn tỉnh có 145/151 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL). Trong đó: 125/131 đơn vị xã và 20/20 đơn vị phường, thị trấn. Còn 6 đơn vị xã chưa đạt chuẩn TCPL gồm: Xã Lạc Lương (Yên Thuỷ); xã Hùng Sơn, Kim Bôi, Mỹ Hoà, Tú Sơn (Kim Bôi); xã Hang Kia (Mai Châu).

Công an thành phố Hòa Bình: Lá cờ đầu phong trào thi đua của Công an tỉnh

(HBĐT) - TP Hoà Bình là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế của tỉnh, tiếp giáp với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, TP Hòa Bình phải đối mặt với áp lực gia tăng tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, an ninh, trật tự (ANTT) tiềm ẩn nhiều phức tạp tác động tới sự phát triển bền vững của địa phương. Nhờ sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đảm bảo ANTT luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” năm 2021 của Công an tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục