Theo thống kê của Công an hai tỉnh: Cao Bằng và Bắc Kạn, thời gian qua trên địa bàn gia tăng các vụ việc tội phạm sử dụng internet, mạng viễn thông để lừa đảo với số tiền hàng tỷ đồng. Bị hại thuộc nhiều lứa tuổi, ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Bắc Kạn).
Các đối tượng sử dụng những hình thức lừa đảo không mới nhưng tinh vi, khiến bị hại "mắc bẫy". Thực tế này đòi hỏi lực lượng công an cần tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ điều tra, phá án; bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ đấu tranh cho cán bộ, chiến sĩ và phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống của người dân.
Thủ đoạn tinh vi
Thời gian gần đây, những hành vi lừa đảo qua mạng xã hội, mạng viễn thông dưới nhiều hình thức đang gia tăng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ngày 29/11/2021, Công an phường Ðức Xuân, thành phố Bắc Kạn tiếp nhận đơn tố giác của ông S., 57 tuổi, trú tại phường Ðức Xuân, thành phố Bắc Kạn. Ông S. cho biết, khoảng 14 giờ cùng ngày, vợ ông là bà Y., 54 tuổi, nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ, có kèm theo đường link, nội dung liên quan đến nhận tiền hỗ trợ từ bảo hiểm. Bà Y. đã nhấn vào đường link thực hiện một số thao tác theo hướng dẫn và tài khoản của bà Y. đã bị trừ hơn 500 triệu đồng.
Ngày 1/12/2021, chị H., 29 tuổi, trú tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đến thăm người thân tại xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, chị nhận được tin nhắn văn bản với nội dung: "Theo NQ 116, bạn đã đủ điều kiện NHAN-TIEN ho tro tu quy-BHTN. Bam vao ww.rbbbw2.com de lay.QUA HAN SE KHONG DUOC CHAP NHAN jc82". Vì nghĩ được hưởng hỗ trợ thất nghiệp do dịch Covid-19, chị đã ấn vào đường link thì xuất hiện một trang web có giao diện giống "Smart Banking" tương tự với ứng dụng của ngân hàng mà chị H. đang dùng. Không nghi ngờ gì, chị H. đã đăng nhập số điện thoại và mật khẩu của ứng dụng "Smart Banking". Sau đó nhận được ba tin nhắn nhập mã OTP để nhận tiền, chị đã nhập bốn lần. Khi nhập đúng mã OTP, số tiền 77 triệu đồng trong tài khoản của chị H. đã bị trừ hết.
Tại thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) trong quý I năm 2022, Công an thành phố đã tiếp nhận trình báo của hai nạn nhân bị tội phạm lừa đảo số tiền hàng trăm triệu đồng. Với thủ đoạn tuyển cộng tác viên bán hàng, tội phạm đã lừa chị P.H.V. ở phường Ðề Thám nhiều lần chuyển tiền cho chúng, với tổng số tiền gần 466 triệu đồng. Còn anh L.D.M., đã bị tội phạm gửi cho đường link để nhận quà, sau khi kích vào đường link và thực hiện theo hướng dẫn, điền thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, anh đã bị tội phạm chiếm đoạt số tiền gần 359 triệu đồng có trong tài khoản.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tháng 9/2019, Công an tỉnh Cao Bằng đã thành lập Ðội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài thuộc Phòng Cảnh sát hình sự để tập trung đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Ðội chịu trách nhiệm thụ lý, điều tra các vụ việc lừa đảo gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên, từ khi thành lập đến nay, Ðội đã thụ lý, điều tra 12 vụ việc các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, lắt léo để lừa đảo.
Cụ thể, tháng 1/2022, bà H.T.T., ở phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, nhận điện thoại của đối tượng giả danh công an, yêu cầu cài ứng dụng mang tên "Bộ Công an" trên điện thoại và làm theo hướng dẫn của chúng, bà H.T.T. đã bị lừa đảo số tiền 2 tỷ 267 triệu đồng. Qua mạng xã hội Facebook, chị B.T.D. ở xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) quen một người đàn ông ngoại quốc.
Ðối tượng này hứa gửi cho chị một món quà có giá trị cao; sau đó, một người tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện thoại yêu cầu chị gửi tiền để nhận hàng, do nhẹ dạ, cả tin, chị B.T.D. đã nhiều lần chuyển cho các đối tượng tổng cộng 1 tỷ 700 triệu đồng. Ðiều đáng nói là sau khi đã trình báo, được công an cảnh báo, khẳng định đây là hành vi lừa đảo, chị B.T.D. vẫn "cả tin" chuyển thêm 60 triệu đồng cho các đối tượng với hy vọng sẽ nhận được quà.
Trong tháng 12/2021, Công an tỉnh Bắc Kạn lại phát hiện thủ đoạn mới của các đối tượng, bằng cách gửi thư điện tử có nội dung đe dọa, tống tiền đến các hòm thư công vụ của 154 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong nội dung thư, các đối tượng thông báo đã thu thập được các dữ liệu cá nhân, nhạy cảm của chủ hộp thư, gồm: lịch sử truy cập web, hình ảnh riêng tư, lịch sử nhắn tin trên các ứng dụng OTT (Zalo, Facebook, Viber...). Các đối tượng đe dọa tài liệu liên quan đến cá nhân sẽ bị công khai, chia sẻ lên không gian mạng sau 48 giờ nhằm tống tiền. Ðể xóa các dữ liệu đã bị thu thập, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển 25 triệu đồng đến ví bitcoin...
Tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn
Trước diễn biến "nóng" của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, lực lượng công an hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đã tăng cường đấu tranh, ngăn chặn. Một số đối tượng đã "sa lưới" pháp luật. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng internet, mạng viễn thông lừa đảo gặp một số khó khăn. Thượng úy Vũ Quang, Phó Ðội trưởng phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng chia sẻ, toàn bộ số điện thoại, tài khoản Facebook, Zalo đối tượng sử dụng để lừa đảo là tài khoản "ảo". Trong đó, số điện thoại là sim "rác", không có thông tin người sử dụng; tài khoản Facebook, Zalo có máy chủ đặt ở nước ngoài, không xác minh được thông tin người sử dụng.
Sau khi nhận được tiền của bị hại, ngay lập tức, các đối tượng chuyển khoản đến nhiều tài khoản khác nhau, cuối cùng là chuyển khoản đến tài khoản ở một ngân hàng ở nước ngoài. Hoặc đối tượng chuyển tiền đến nhiều tài khoản và rút tiền ở nhiều địa bàn khác nhau. Các tài khoản ngân hàng sử dụng giao dịch đều là tài khoản mua lại của sinh viên, hoặc người ít hiểu biết (đối tượng cho người đó 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng để lập tài khoản, sau đó, giao cho chúng sử dụng), khi công an tìm đến chủ tài khoản để xác minh thì các trường hợp không biết về vụ việc.
Nhận thức của một bộ phận người dân về thủ đoạn lừa đảo của tội phạm còn hạn chế. Tội phạm thường nhắm đến trường hợp là phụ nữ đơn thân; người già mới sử dụng mạng xã hội để lừa đảo; một bộ phận đồng bào thiếu nhận thức về những hành vi lừa đảo, cả tin nên dễ bị lừa, chiếm đoạt tài sản.
Theo tổng hợp của Công an tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, thủ đoạn chính của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội, dịch vụ viễn thông là nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng; giả danh cán bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án; bán số lô, số đề, cam kết trúng thưởng; giả danh ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng; giả danh người quen để vay tiền; kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo. Tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự thường có thủ đoạn: Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng sau đó sẽ liên lạc với chủ tài khoản để xin lại số tiền đã chuyển.
Trong khi hướng dẫn nạn nhân chuyển lại tiền các đối tượng đã tạo sẵn chiếc bẫy là những đường link để dễ dàng chiếm đoạt. Hoặc hình thức mời vay tiền qua ứng dụng, trang web với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản nhiều người đã sập bẫy và trở thành "con nợ" của các đối tượng cho vay với lãi suất "cắt cổ". Tội phạm chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, sau đó, giả mạo chủ tài khoản để vay tiền của người thân, bạn bè.
Trước thực tế đó, lực lượng công an tăng cường công tác đấu tranh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm. Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn, Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi đến từ số máy lạ, các số máy có đầu số nước ngoài, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ việc qua điện thoại. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án nếu cần làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, tuyệt đối không làm việc qua mạng.
Người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin về tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Mỗi người hạn chế công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân không nên truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ. Không tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối. Khi tài khoản nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết. Người dân có nhu cầu vay tiền cần đến các ngân hàng, công ty tài chính uy tín để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không vay tiền thông qua các trang web và ứng dụng điện thoại… tránh tiếp tay cho tội phạm công nghệ cao hoạt động.
Theo Báo Nhân Dân
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, nguyên Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vì liên quan vụ án "Tham ô tài sản".
(HBĐT) - Ngày 18/4, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo Trần Mạnh Linh (SN 1989), trú tại phường Phương Liên, Đống Đa (Hà Nội) và Nguyễn Tiến Minh (SN 1982) trú tại Phương Mai, Hoàng Mai (Hà Nội) về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
(HBĐT) - "Tôi cũng từng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thông qua các ứng dụng trên các trang mạng xã hội (MXH). May mắn là chưa bị mất mát, thiệt hại gì...” - chị Lê Thu Trang ở phường Phương Lâm, TP Hòa Bình chia sẻ. Không may mắn như chị Trang, thời gian qua, nhiều trường hợp người dân trên địa bàn tỉnh đã bị "sập bẫy” các đối tượng lừa đảo trên các trang MXH.
Trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tìm cách đưa ra những luận điệu sai trái, ngụy tạo để xuyên tạc, kích động chống phá.
(HBĐT) - Trước thực trạng tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 16/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Chỉ thị 27), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
(HBĐT) - Gặp lại gia đình sau 14 năm thất lạc, bà Đặng Thị Ngừng, 53 tuổi ở thôn Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) không khỏi xúc động, bùi ngùi. 14 năm là quãng thời gian bà mong mỏi gặp lại gia đình, song thông tin thất lạc, bà cố gắng liên hệ với gia đình nhưng không có kết quả. Quá trình tìm gặp gia đình tưởng như bế tắc thì một bất ngờ xảy đến đã làm thay đổi cuộc đời bà.