Bị cáo Hùng cho rằng mình chỉ thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, làm vì việc chung. Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày là "tai nạn nghề nghiệp" chứ bản thân không vụ lợi.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/6/2022. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Ngày 8/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Trước đó, phiên tòa được mở vào ngày 11/5 nhưng bị hoãn do bị cáo Trần Trọng Tuấn có đơn xin hoãn phiên tòa.
Phiên tòa phúc thẩm sẽ xem xét kháng nghị về phần thiệt hại trong vụ án của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh và kháng cáo của 7 bị cáo gồm:
1. Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI).
2. Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh).
3. Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI).
4. Đoàn Quang Hồi (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế).
5. Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI).
6. Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh).
7. Hồ Văn Ngon (nguyên Phó Tổng Giám đốc SAGRI, đã chết do bệnh vào ngày 1/1/2022).
Bị cáo Lê Tấn Hùng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/6/2022. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Trình bày tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Lê Tấn Hùng cho rằng bị cáo thực hiện đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, theo chủ trương của UBND Thành phố về việc thoái vốn ở các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh của Công ty SAGRI. Ở bản án sơ thẩm xác định bị cáo có vai trò chủ mưu cầm đầu, bị cáo Hùng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét; bản thân bị cáo không vụ lợi mà chỉ thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, chỉ là làm vì công việc chung.
Còn bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày là bản thân không phụ trách theo dõi SAGRI, có thiếu sót khi ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND mà không theo dõi, đây là "tai nạn nghề nghiệp" chứ không phải bản thân vụ lợi, biết sai mà vẫn ký. Còn về lời khai về việc bị cáo làm sai do có nể nang ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (anh trai bị cáo Lê Tấn Hùng), bị cáo Tuyến thừa nhận là có nể nang vì hồ sơ đã trình 5 ngày rồi, kiểm tra không có sai phạm mà cứ kéo dài không ký thì không được.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/6/2022. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Trước đó, ngày 18/12/2021, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm 19 bị cáo, tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 25 năm tù, Nguyễn Thị Thúy 20 năm tù về 2 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản". Tòa tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn cùng 6 năm tù; Hồ Văn Ngon 5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Còn Nguyễn Thị Tuyết Mai lĩnh 6 năm tù, Đoàn Quang Hồi lĩnh 8 năm tù cùng về tội "Tham ô tài sản".
Theo nội dung vụ án, với vai trò Tổng Giám đốc SAGRI, bị cáo Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo cán bộ trong Tổng Công ty thực hiện các hành vi trái pháp luật để chuyển nhượng Dự án khu nhà ở tại khu đất diện tích hơn 36.000m2 (Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 cũ, Thành phố Hồ Chí Minh) cho Tổng Công ty Phong Phú.
Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị cáo Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng Dự án.
Bị cáo Hùng ký văn bản đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ Dự án cho Tổng Công ty Phong Phú; ký hợp đồng và các văn bản khác hoàn tất việc chuyển nhượng Dự án với tổng số tiền hơn 168 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 672 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2016, bị cáo Lê Tấn Hùng chỉ đạo và cùng các bị cáo Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Nhân sự hành chính của SAGRI bàn bạc, thống nhất với Trần Văn Trường, Giám đốc và Đỗ Sĩ Hoài Thanh, Kế toán trưởng Công ty Du lịch Thanh niên xung phong; Đoàn Quang Hồi, Giám đốc và Nguyễn Thị Nguyên, Kế toán trưởng Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng của SAGRI để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã có các hành vi vi phạm dẫn đến sai phạm trong việc chuyển nhượng Dự án của SAGRI cho Tổng Công ty Phong Phú. Trong đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố chịu trách nhiệm vì đã ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 "về chấp thuận chuyển nhượng Dự án phát triển khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh" do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú, mặc dù bị cáo biết Dự án này chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Theo Baotintuc.vn
(HBĐT) - Tính đến hết ngày 2/6, tức 12 ngày sau khi thực hiện Thông tư số 15 của Bộ Công an, trong đó cho phép người dân làm đăng ký xe ô tô, mô tô, xe gắn máy tại Công an cấp huyện, xã, toàn tỉnh có 202 xe ô tô đăng ký mới và chuyển đến, trong đó, cấp tỉnh thực hiện 85 trường hợp, cấp huyện 117 trường hợp. Cũng trong khoảng thời gian trên, toàn tỉnh có 562 xe mô tô đăng ký mới, song thực hiện tại Công an xã chỉ có 50 phương tiện, chiếm 8,8%, trong khi số xã đủ điều kiện thực hiện đăng ký xe máy là 31, chiếm 20% số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh.
(HBĐT) - Động viên, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án (THA) được coi là "một mũi tên trúng nhiều đích” được cán bộ, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Cao Phong vận dụng sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc làm này giúp đơn vị giải quyết nhanh chóng nhiều vụ việc, hạn chế phải tiến hành cưỡng chế làm ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Cơ quan công tố tỉnh Osaka đã chỉ ra các bằng chứng rõ ràng rằng bị cáo đã cố tình tấn công khi nạn nhân hoàn toàn không kháng cự, sau đó đẩy nạn nhân trong tình trạng kiệt sức xuống sông.
Ngày 6/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 17/6.
Khoảng 8 giờ 50 phút ngày 6/6, tại km182+400 cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đoạn qua địa phận xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe ô-tô khách, khiến 1 người chết và 5 người bị thương.
Chiều 5/6, Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, đang điều tra làm rõ vụ ô-tô loại 7 chỗ đang lưu thông trên đường đột nhiên mất lái, rồi leo lên lề đường tông khiến 3 người trong một gia đình thương vong trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất.