(HBĐT) - Với những lời nói ngọt ngào như rót mật vào tai, "quý bà" Nguyễn Thị Lan, trú tại phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình (họ tên nhân vật đã được thay đổi) như được sống lại thuở thanh xuân, mới lần đầu biết yêu. Cái hay, cái lạ là người yêu của Nguyễn Thị Lan là một "anh Tây”, lại còn là sĩ quan quân đội Mỹ hiện đang ở Afghanistan...
Là người có nhiều thời gian rảnh rỗi, lại có chút vốn dắt lưng nên bề ngoài, cuộc sống của "quý bà" Nguyễn Thị Lan lúc nào cũng là niềm vui. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn của người đàn bà đang ở ngưỡng cửa của sự hồi xuân này là nỗi cô đơn mỗi khi bóng đêm bao trùm.
Sau những ngày "lang thang” trò chuyện, làm quen với nhiều người qua mạng xã hội (MXH) facebook, Nguyễn Thị Lan đã chấp nhận kết bạn, làm quen với tài khoản có tên "Nadeem Iqbaf Saeedi Sb”. Sau đó, qua tài khoản zalo, người này giới thiệu với Nguyễn Thị Lan tên là Rudiger Timothy, là một sĩ quan quân đội Mỹ hiện đang ở Afghanistan. Trong quá trình nói chuyện, tình cảm ngày càng trở nên sâu đậm, "anh Tây” nói hiện mình đang giữ khoản tiền 1,5 triệu USD muốn chuyển về Việt Nam nhờ Lan giữ hộ. Do tin vào những lời nói như rót mật vào tai, Nguyễn Thị Lan đồng ý và cung cấp tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của mình cho "anh Tây”...
Sau khi có được thông tin, số điện thoại của Nguyễn Thị Lan, các đối tượng trong nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua MXH thông qua việc giả làm người nước ngoài bắt đầu "vào việc”. Được giao nhiệm vụ giả làm nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, Lê Thị Kim Hoàn (SN 1989), trú tại 156A Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) đã gọi điện thông báo cho "quý bà" Nguyễn Thị Lan biết có một kiện hàng gửi cho Lan từ nước ngoài về. Để nhận được kiện hàng đó Lan phải nộp phí sân bay. Vui mừng trước tình cảm tốt đẹp của "anh Tây”, Nguyễn Thị Lan đã chuyển 37,5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng Lê Thị Kim Hoàn đưa ra. Tiếp đó, Lê Thị Kim Hoàn gọi điện cho Lan nói kiện hàng không rõ nguồn gốc, yêu cầu Lan nộp thêm 112 triệu đồng nữa. Không ngần ngại, "quý bà" Nguyễn Thị Lan tiếp tục chuyển thêm 112 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền một cách dễ dàng, Lê Thị Kim Hoàn lại gọi điện thông báo "món hàng” chưa nộp tiền bảo hiểm, phải nộp thêm 315 triệu đồng. Sau khi nộp đủ tiền, Hoàn tiếp tục gọi điện nói "món hàng” gửi về cho Nguyễn Thị Lan vi phạm quy định, chứa một số tiền quá lớn, yêu cầu Lan phải nộp thêm 600 triệu đồng. Lần thứ 5, cùng với lý do số tiền quá lớn, Hoàn yêu cầu Nguyễn Thị Lan nộp thêm 900 triệu đồng mới lấy được hàng, nếu không 3 tháng sau mới có thể lấy được hàng. Do không còn đủ tiền như các đối tượng yêu cầu nên Lan chỉ chuyển thêm 400 triệu đồng. Sau khi biết "quý bà" Nguyễn Thị Lan không còn tiền, các đối tượng đã cắt đứt mọi thông tin liên lạc, "lặn” không sủi tăm. Biết mình bị lừa, "quý bà" Nguyễn Thị Lan đã vội vàng đến trình báo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Như vậy, sau 5 lần Nguyễn Thị Lan đã chuyển cho các đối tượng tổng số tiền 1.464,5 triệu đồng. Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Sau khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, chúng tôi xác định đây là một vụ án rất khó. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, lần theo các manh mối, dấu vết của các đối tượng phạm tội, phải rất vất vả các trinh sát của đơn vị mới xác minh, làm rõ đối tượng giả danh nhân viên sân bay gọi điện yêu cầu chị Nguyễn Thị Lan chính là Lê Thị Kim Hoàn.
Trong quá trình điều tra, Lê Thị Kim Hoàn đã khai nhận, khoảng năm 2018, trong quá trình buôn bán tại Campuchia có quen một phụ nữ người Việt tên là Nga. Trong thời gian quen biết, đối tượng này nói cho Hoàn biết về phương pháp dùng MXH để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là thông qua MXH facebook giả làm người nước ngoài và kết bạn với những phụ nữ Việt Nam. Sau đó nói sẽ gửi quà tặng có giá trị cho họ. Tiếp đó, giả làm nhân viên sân bay thông báo cho những người đó phải nộp phí hải quan và các chi phí khác để nhận hàng. Đồng thời, yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của mình để chiếm đoạt. Về hoạt động của nhóm gồm nhiều đối tượng. Mỗi đối tượng trong nhóm chịu trách nhiệm một khâu nhất định, không ai biết ai, chỉ liên lạc, nắm bắt thông tin với nhau qua ứng dụng nhắn tin Whatsapp được cài trên điện thoại di động. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng Nga đã đưa cho Lê Thị Kim Hoàn CMND mang tên Phạm Thị Thu Thủy, bảo Hoàn dùng ảnh của mình thay ảnh người trong CMND đến ngân hàng mở tài khoản. Đồng thời, mua 1 sim điện thoại dùng để đăng ký dịch vụ smartbanking. Sau khi mở xong tài khoản ngân hàng, Lê Thị Kim Hoàn sang Campuchia đưa số tài khoản và sim điện thoại cho Nga. Sau đó, Nga chuyển cho Hoàn 3 chiếc điện thoại di động. Trong đó, 1 chiếc gắn sim có dịch vụ smartbanking mang tên Phạm Thị Thu Thủy, 1 chiếc cài phần mềm ứng dụng tin nhắn Whatsapp và 1 chiếc dùng để gọi điện cho "con mồi”. Với mỗi vụ lừa đảo thành công, Lê Thị Kim Hoàn được nhận 5% tổng số tiền chiếm đoạt được.
Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, với phương thức đó, nhóm đối tượng của Nga và Lê Thị Kim Hoàn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân ở nhiều địa phương trong cả nước với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Trước khi bị TAND tỉnh đưa ra xét xử và tuyên phạt mức án 12 năm tù ngày 17/6 vừa qua thì trước đó, vào tháng 4/2022, Lê Thị Kim Hoàn đã bị TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử và xử phạt 10 năm tù về cùng một tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trên thực tế, Lê Thị Kim Hoàn chỉ là một mắt xích trong một đường dây phạm tội có quy mô, tổ chức chặt chẽ, rất khó lần ra manh mối chứng minh hành vi phạm tội và hầu như không thể thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. "Với việc các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp đưa vụ án ra xét xử cũng chính là việc phát đi lời cảnh báo nghiêm túc cho người dân về việc nhiều đối tượng lợi dụng MXH để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mà đây chỉ là một trong rất nhiều thủ đoạn các đối tượng phạm tội sử dụng thời gian qua” - Đại tá Trần Mạnh Hải nhấn mạnh.
Vũ Phong