(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự, mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Những năm qua, công tác thi hành án dân sự của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hạn chế tình trạng án tồn đọng, không để kéo dài, góp phần tích cực giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Chị Trần Thị Ngọc Mai, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Lạc mỗi năm được giao xử lý trên 100 việc, đều cơ bản đạt và vượt chi tiêu về việc và tiền. Chị Mai chia sẻ: Bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và có hiệu lực pháp luật là căn cứ, cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành án dân sự. Để có thể thi hành án (THA) hiệu quả, bên cạnh việc vận động, thuyết phục đương sự xuyên suốt quá trình THA, tôi quan tâm nắm bắt thái độ, tình trạng kinh tế cụ thể của đương sự để xây dựng phương án phù hợp. Phần lớn các việc tôi đều thuyết phục được đương sự tự nguyện THA.
Qua tìm hiểu được biết, các chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ đều có kỹ năng vận động, thuyết phục - một kỹ năng đặc biệt quan trọng, được coi là "chiếc chìa khóa vàng” trong giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và trong quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự nói riêng. Theo các chấp hành viên, khi tổ chức THA gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong kê biên tài sản của người thứ 3. Đã có một số trường hợp doanh nghiệp mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ dân thế chấp vay ngân hàng, khi doanh nghiệp phá sản, ngân hàng thu hồi đất đấu giá. Còn nếu kê biên, xử lý thì không phù hợp quy định của pháp luật và bên được THA cũng không đồng ý để kê biên, xử lý tài sản để tách phần giá trị quyền sử dụng đất giao trả bằng tiền. Do đó, mặc dù chấp hành viên kiên trì thuyết phục, hòa giải nhiều lần, cuối cùng vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA. Ngoài ra, trong việc thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, giá trị hợp đồng thế chấp cao hơn so với giá trị thực tế tài sản, nên sau khi xử lý hết tài sản bảo đảm chỉ thu hồi được một phần nhỏ so với hợp đồng thế chấp hoặc giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua; hoặc trường hợp nhà xây một phần trên đất của người khác nên không kê biên được.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: Năm 2022, công tác thi hành án dân sự đạt được kết quả tương đối khả quan, về việc đạt 86,47% (vượt 2,97%), về tiền đạt 34,74% (tăng 28,79% so với năm 2021). Công tác xác minh, phân loại án tiếp tục được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách Nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, vụ việc trọng điểm, vụ việc liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường.
Có thể nói, công tác thi hành án dân sự tiếp tục có những tiến bộ, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, trong thời gian tới, ngành thực hiện tiếp công dân theo quy định, tăng cường đối thoại trực tiếp, xử lý triệt để từ cơ sở, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định pháp luật. Quan tâm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân, có chuyên đề về phổ biến, giáo dục pháp luật thi hành án dân sự góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bản án của người dân. Đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng nâng cao chất lượng thẩm định giá trị tài sản thế chấp trước khi cho vay; phối hợp cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cơ quan thi hành án dân sự xác minh, xử lý kịp thời các vụ việc. Nâng cao tinh thần làm việc cũng như ý thức, trách nhiệm của chấp hành viên. Tổ chức nhiều đợt tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn, xây dựng các tình huống diễn tập để chấp hành viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đinh Thắng