3. Các hành vi bị nghiêm cấm:
Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động (CSCĐ); trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) CSCĐ, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ CSCĐ trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ; mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc CB, CS CSCĐ làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giả danh CB, CS CSCĐ; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của CSCĐ; CB, CS CSCĐ lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân…
4. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sátcơ động:
Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, CB, CS CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT; khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng VK, VLN, CCHT của CSCĐ phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN& CCHT, quy định của pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng VK, VLN, CCHT, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ trong huấn luyện, diễn tập thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, 3, Điều 9, Luật CSCĐ, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CB, CS CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố. Trong trường hợp cấp bách theo quy định nêu trên, CB, CS CSCĐ đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân:
Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập; người chỉ huy trực tiếp của CSCĐ tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức; CB, CS CSCĐ huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 4, Điều 32, Luật CSCĐ; đơn vị có CB, CS huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan.
6. Nguyên tắc phối hợp thực hiện nhiệm vụ:
Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế; bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ; giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp; bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp…
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)