Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc, tuy nhiên tình trạng mua bán, tàng trữ, kinh doanh pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp...
Cả trẻ em và người lớn đều tham gia "sản xuất” pháo
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán 2024 các đơn vị chức năng Công an tỉnh và Công an các địa phương đã đấu tranh, phát hiện, bắt 4 vụ, 4 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ; thu giữ 17kg pháo (131 quả pháo); 3 kg thuốc pháo; đấu tranh, xử lý 1 vụ, 1 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép 94 ống phóng dạng pháo hoa nổ; vận động thu hồi 60 quả pháo và 5kg thuốc pháo. Những kết quả trên cho thấy tình trạng tàng trữ, chế tạo, sản xuất pháo trái phép trên địa bàn tỉnh còn phức tạp.
Đáng nói, trong những vụ việc liên quan đến tàng trữ, sản xuất, vận chuyển pháo không chỉ có các đối tượng là người trưởng thành, có đầy đủ năng lực, hành vi và nhận thức pháp luật, mà còn có nhiều trường hợp là trẻ em, người dưới 18 tuổi đang là học sinh. Điển hình như mới đây, đội chức năng Công an huyện Kim Bôi phối hợp với Công an xã Kim Bôi phát hiện, bắt quả tang 3 thiếu niên từ 13 - 14 tuổi cùng trú tại xóm Vố, xã Kim Bôi có hành vi chế tạo, tàng trữ pháo nổ trái phép. Kiểm tra tại nơi ở, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ gần 100 quả pháo nổ thành phẩm đã được chế tạo xong. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ chế tạo pháo, đặc biệt là một số loại hóa chất cực kỳ nguy hiểm dùng để làm thuốc nổ có sức công phá mạnh.
Tiếp đó, ngày 15/12/2023, tổ công tác Công an huyện Kim Bôi phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên tuyến đường thuộc xóm Vọ, xã Cuối Hạ đã phát hiện và bắt quả tang Bùi Văn H. (SN 1992), trú tại xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, tang vật thu giữ gồm 194 quả pháo nổ, trọng lượng 10 kg. Quá trình làm việc ban đầu, Bùi Văn H. khai nhận tất cả các đoạn ống nhựa dán kín hai đầu, có gắn sợi dây trên là pháo nổ và đang vận chuyển đi tiêu thụ.
Mới đây nhất, ngày 2/1/2024, Công an huyện Lạc Thủy phối hợp Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCV TTXH) và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Văn T. (SN 1980), trú tại xã Yên Bồng (Lạc Thủy) về hành vi tàng trữ pháo nổ trái phép. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phạm Văn T. cơ quan Công an thu giữ 110 quả pháo nổ tự chế (trọng lượng khoảng 7kg), 1 khẩu súng PCP nhãn hiệu Cricket Z-1000 màu đen có ống ngắm và bình khí nén, 600 viên đạn chì và khoảng 3 kg hóa chất được dùng làm nguyên liệu để chế tạo pháo nổ cùng các đồ vật khác có liên quan. Tại cơ quan Công an, Phạm Văn T. khai nhận đã mua các nguyên liệu trên mạng xã hội về chế tạo pháo nổ từ tháng 11/2023 đến nay.
Mua đi bán lại pháo hoa trên "chợ mạng”: coi chừng bị xử lý
Ngoài pháo nổ là mặt hàng bị nghiêm cấm mua bán, tàng trữ, sử dụng dưới mọi hình thức. Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón xuân mới, Nhà nước đã "nới” lỏng các quy định, trong đó cho phép người dân có thể được mua, sử dụng loại pháo hoa không nổ do các cơ sở có uy tín đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy, nổ theo quy định sản xuất. Mặc dù vậy, đây cũng là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện về ANTT, không phải ai cũng được mua bán tràn lan. Tuy nhiên, thời gian vừa qua tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, người dùng có thể mua được các sản phẩm pháo hoa do Công ty Z121 của Bộ Quốc phòng bán. Cùng với đó, trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee cũng có nhiều cửa hàng đăng bán các sản phẩm pháo hoa của Nhà máy Z121 với giá cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết.
Song, theo thông tin từ Nhà máy Z121, hiện tại đơn vị đã tổ chức mở gần 60 điểm bán sản phẩm pháo hoa ở 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mỗi người dân chỉ được mua giới hạn mỗi chủng loại 5 hộp. Để đảm bảo tính pháp lý, trên mỗi giàn pháo đều được in rõ chủng loại, số lô, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng... Người mua cũng được cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ để xuất trình các cơ quan chức năng kiểm tra. Theo Thượng tá Lê Mạnh Phong, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH, Công an tỉnh, hành vi mua đi bán lại pháo hoa dù là pháo hoa được mua hợp pháp vẫn hoàn toàn bị cấm theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ. Bởi lẽ, kinh doanh pháo hoa là hoạt động kinh doanh có điều kiện về ANTT. Chỉ các cơ sở kinh doanh pháo hoa đảm bảo các điều kiện, thủ tục kinh doanh được quy định cụ thể tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ mới được phép kinh doanh mặt hàng này. Hơn nữa, mục đích bán pháo hoa của đơn vị Bộ Quốc phòng là để cho người dân sử dụng. Trong trường hợp người dân mua để sử dụng là hợp pháp, nhưng hành vi mua đi bán lại pháo hoa dù có hóa đơn vẫn bị coi là trái phép. Do vậy, đối với những vi phạm này nếu bị phát hiện, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm như đối với các hành vi mua bán pháo trái phép.
Để người dân nắm và hiểu rõ các quy định trên cũng như nắm chắc các quy định của pháp luật về các hành vi nghiêm cấm tàng trữ, sản xuất, đốt pháo nổ. Thời gian qua, Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH đã tổ chức ký cam kết đối với 151/151 đơn vị Công an cấp xã, 10/10 đơn vị Công an cấp huyện về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm liên quan đến pháo. Đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức 40 buổi tuyên truyền pháp luật về quản lý vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo cho 9.097 người dân; tổ chức cho hàng chục hộ gia đình, trên 200 cá nhân, hộ kinh doanh cá thể ký cam kết không mua bán pháo trái phép... Đây được xem là những giải pháp phòng ngừa xã hội quan trọng giúp người dân trên địa bàn tỉnh đón Tết bình yên, không tiếng pháo...
Mạnh Hùng