Giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở
Từ việc phát huy tốt vai trò của dòng họ tự quản "Xa Sình Vi quản” trong việc tuyên truyền, giáo dục con cháu tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các thành viên ngay từ mỗi gia đình, dòng họ. Nhờ vậy đã giúp xã Mường Chiềng (Đà Bắc) đảm bảo ANTT từ cơ sở, tiếp tục giữ vững các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
Công an xã Tòng Đậu (Mai Châu) nắm tình hình địa bàn, cơ sở, lắng nghe ý kiến nhân dân để nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) từng là địa bàn phức tạp về ANTT. Tuy nhiên, từ khi thành lập và đưa các mô hình tự quản về ANTT như: "Tiếng chuông bình yên”, "Hòm thư ANTT 4.0” đi vào hoạt động, tình hình ANTT trên địa bàn xã được đảm bảo, giữ vững và ổn định, được Bộ Công an đưa ra khỏi danh sách địa bàn phức tạp về ANTT.
Xã Phú Cường (Tân Lạc) trước đây cũng từng là địa bàn phức tạp về ANTT, nhưng từ khi triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) theo hướng "tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, tình hình ANTT trên địa bàn xã có sự chuyển hóa rõ rệt. Các đối tượng hình sự, ma túy thường xuyên được gọi hỏi, răn đe, giáo dục; nhiều người nghiện ma túy được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Đặc biệt, từ sự gần gũi, bám cơ sở trên tinh thần gần dân, vì nhân dân phục vụ, Công an xã từng bước xây dựng, củng cố thế trận lòng dân ngày càng khăng khít, bền chặt. Thiếu tá Đào Ngọc Thanh, Trưởng Công an xã Phú Cường cho biết, năm 2021, xã được Bộ Công an quyết định đưa ra khỏi danh sách địa bàn phức tạp về ANTT. Từ đó đến nay, xã trở thành điểm sáng trong công tác đảm bảo ANTT không chỉ ở huyện Tân Lạc mà còn là của tỉnh.
Chung sức xây dựng cuộc sống bình yên
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 47 mô hình với 1.602 điểm mô hình trong phong trào TDBVANTQ. Trong đó có một số mô hình tiêu biểu thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, phòng cháy chữa cháy (PCCC) gắn với phong trào TDBVANTQ trong xây dựng NTM. Điển hình như các mô hình: "Tổ dân cư tự quản”, "Tổ liên gia tự quản về ANTT”, "Dòng họ tự quản về ANTT”, "Tổ dân phòng tự quản về ANTT”, "Cơ quan tự quản về ANTT”, "Phối hợp phòng ngừa, quản lý, giúp đỡ người mắc bệnh tâm thần gây mất ANTT”, "Khu dân cư an toàn về PCCC/Tổ liên gia an toàn về PCCC”, "Cổng trường an toàn giao thông”, "Camera giám sát an ninh”... Có 4 mô hình: "Dòng họ Xa Sình Vi quản tự quản về ANTT” tại huyện Đà Bắc; "Tiếng chuông bình yên” tại xã Mỹ Thành (Lạc Sơn); "Bản Dao tự quản về ANTT” tại phường Thống Nhất (TP Hòa Bình); "Xã đảm bảo bình yên” tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) được Bộ Công an tặng bằng khen.
Cùng với đó, toàn tỉnh có 6/6 xã chuyển hoá thành công được đưa ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về ANTT; 108/129 xã (83,7%) đạt tiêu chí 19.2 về ANTT trong xây dựng NTM; 34/73 xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về QP-AN trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao. Những kết quả trên đã tích cực góp phần giữ cho cuộc sống bình yên ở khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh.