Thực hiện Công điện số 776/CĐ-TTg, ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen (TDĐ), Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh và trực tiếp triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh, xử lý có hiệu quả. Qua đó đã triệt phá nhiều ổ nhóm nguy hiểm hoạt động tội phạm liên quan đến TDĐ trên địa bàn tỉnh.




Lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng Đinh Tiến Hùng cầm đầu nhóm cho vay nặng lãi ở thành phố Hòa Bình, thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm.

Đấu tranh quyết liệt...

Theo thống kê, từ tháng 9/2023 đến hết tháng 2/2024, các đơn vị chức năng Công an tỉnh và Công an các địa phương đã phát hiện, xử lý 23 vụ, 34 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ; khởi tố 19 vụ, 32 bị can về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, 1 vụ, 1 bị can về tội "bắt giữ người trái pháp luật”, xử lý hành chính 3 vụ, 3 đối tượng. Riêng tháng 2 vừa qua, lực lượng chức năng đã đấu tranh, triệt phá 4 vụ, 4 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ, gồm 3 vụ cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, 1 vụ về hành vi không đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT mà cho vay tiền có cầm cố tài sản.

Điển hình như việc phá chuyên án, bắt nhóm đối tượng hoạt động TDĐ trên địa bàn TP Hòa Bình do Đinh Tiến Hùng (SN 1988), trú tại phường Thịnh Lang cầm đầu. Quá trình điều tra xác định từ đầu năm 2023 cho đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã cho trên 130 người vay với số tiền trên 6 tỷ đồng, mức lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 180 - 360%/năm), thu lợi bất chính khoảng 3 tỷ đồng. Khám xét chỗ ở của đối tượng, ngoài các tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, cơ quan chức năng còn thu giữ được nhiều vũ khí nguy hiểm.

Ngoài vụ việc trên, cơ quan chức năng đã đấu tranh, làm rõ hành vi cho vay nặng lãi với thủ đoạn cực kỳ tinh vi của nhóm đối tượng Trần Đức Nguyên (SN 1981), trú tại tổ 11, phường Thịnh Lang. Theo đó, để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, nhóm đối tượng này cho vay dưới hình thức lập các hợp đồng "giả cách, trá hình” như cầm cố, thế chấp tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô tô, xe máy... hoặc chuyển nhượng mua bán tài sản với lãi suất cho vay dao động từ 3.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Người vay phải trả lãi 10 ngày hoặc 1 tháng một lần theo hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc đưa tiền mặt. Nếu người vay không trả lãi và gốc đúng hẹn thì sẽ bị các đối tượng đe dọa và ép người vay phải giao nộp các tài sản có giá trị mà trước đó đã làm hợp đồng "giả cách, trá hình”. Với thủ đoạn đó, từ cuối năm 2021 đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã cho khoảng 30 người vay với số tiền khoảng 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.

... Thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa

Theo thống kê, đến hết tháng 2/2024, toàn tỉnh có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ với 66 người làm nghề, tập trung chủ yếu ở TP Hòa Bình với 17 cơ sở. Các cơ sở đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở kinh doanh tài chính (loại hình treo biển kinh doanh; mua bán, cho thuê xe, tư vấn tài chính, hỗ trợ trả góp).

Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, mặc dù tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ đã cơ bản được kiểm soát; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, đăng tin quảng cáo cho vay không còn diễn ra như thời gian trước; hoạt động cho vay lãi nặng, sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy để siết nợ, đòi nợ không còn công khai, manh động, không có băng nhóm hoạt động TDĐ, tuy nhiên, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ vẫn tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng thay đổi phương thức hoạt động, sử dụng công nghệ cao, cho vay trực tuyến (qua các trang web, app vay tiền, zalo, facebook, tin nhắn điện thoại...), vay ngang hàng (P2P Lending) biến tướng; nhắn tin đe dọa, ném chất bẩn vào nhà, sử dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người vay vẫn xảy ra...

Xuất phát từ thực tế trên, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động TDĐ. Trong đó đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động này. Cùng với đó, lực lượng Công an tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội hiệu quả. Nổi bật là phối hợp với ngành Ngân hàng tăng cường phổ biến các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản vay ưu đãi đến người dân; nghiên cứu, đề xuất các cấp những giải pháp tăng cường tính linh hoạt trong thủ tục cho vay và thanh toán để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư, sản xuất - kinh doanh, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động TDĐ. Chỉ đạo Công an toàn tỉnh nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện hoạt động TDĐ để tiến hành đồng bộ biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; triển khai các biện pháp phòng ngừa hoạt động cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng (app), vay ngang hàng trái pháp luật; chỉ đạo lực lượng Công an xã nắm chắc địa bàn, nắm hộ, nắm người và giải quyết tình hình ANTT ngay tại cơ sở. Qua đó bước đầu lực lượng chức năng đã xác định được trên địa bàn tỉnh còn 18 đối tượng có biểu hiện hoạt động TDĐ theo kiểu đơn lẻ; 5/43 cơ sở cầm đồ có nghi vấn hoạt động TDĐ, để tiếp tục tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trong thời gian tới.
 

Mạnh Hùng


Các tin khác


Cảnh báo mắc bẫy lừa đảo đầu tư tài chính, hỗ trợ lấy lại tiền bị mất

Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội liên tiếp nhận đơn trình báo người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng.

Sập bẫy làm cộng tác viên online, người phụ nữ bị lừa 1,9 tỷ đồng

Một người phụ nữ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, bị lừa 1,9 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online, mua bán sản phẩm cho các công ty để hưởng hoa hồng.

Người đàn ông ở Tây Ninh nhận bồi thường hơn 2,5 tỷ đồng sau 45 năm oan sai

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã bàn giao hơn 2,5 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Dũng (63 tuổi, ngụ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) sau 45 năm oan sai.

Trả hồ sơ vụ án liên quan đến Giám đốc Hợp tác xã Nghĩa Phương

Ngày 11/3, tại Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Văn Khuê (SN 1969), trú tại khu Thủy Sản, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nghĩa Phương.

Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S nhận 4 năm tù về tội “Nhận hối lộ”

Ngày 11/3, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo: Trịnh Thành Công (SN 1985) nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐKXCG) 28-01S thuộc Sở GTVT tỉnh; Trần Thu Hường (SN 1978) nguyên Phó Giám đốc TTĐKXCG 28-01S; Kim Ngọc Hiếu (SN 1988) nguyên Trưởng phòng Kiểm định TTĐKXCG 28-01S; Bùi Trung Linh (SN 1990) nguyên Phó trưởng Phòng Kiểm định TTĐKXCG 28-01S; Vũ Mạnh Tuấn (SN 1983), Nguyễn Xuân Ngọc (SN 1987), Phạm Thái Sơn (SN 1990), Ngô Minh Hòa (SN 1993), Dương Đức Thành (SN 1987) và Nguyễn Viết Dương (SN 1991) đều là đăng kiểm viên (ĐKV) của TTĐKXCG 28-01S. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ”.

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng, quét mã QR trên bưu phẩm trúng thưởng

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) vừa phát đi cảnh báo về một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng gần đây như: Lừa đảo tài chính trên không gian mạng; hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo; lừa đảo bằng mã QR trên bưu phẩm có thẻ cào trúng thưởng; chiếm đoạt tiền khi tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục