Với việc phân công, phân tuyến, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hòa Bình khép kín tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Thực hiện Quyết định số 161/QĐ-CAT-PC08 về phân công, phân cấp tuyến, địa bàn TTKS, xử lý VPHC về giao thông đường bộ của Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, ngoài việc bố trí lực lượng, tổ chức TTKS đảm bảo TTATGT trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính huyện theo thẩm quyền, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Lương Sơn còn trực tiếp thực hiện TTKS, xử lý VPHC trên tuyến quốc lộ 6 qua thị trấn Lương Sơn và đoạn đường Hồ Chí Minh (từ km417 - km419) thuộc xã Hòa Sơn. Trung tá Nguyễn Hữu Thuần, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Lương Sơn cho biết: Việc phân công, phân cấp tuyến, địa bàn TTKS, xử lý VPHC về giao thông đường bộ theo Quyết định số 161 rất cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo. Công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đã được phân công, phân cấp cho CSGT-TT Công an cấp huyện được thực hiện thông suốt; trách nhiệm của lực lượng CSGT cấp huyện trong bảo đảm TTATGT được nâng lên; công tác TTKS, xử lý VPHC được thực hiện đồng bộ, quyết liệt.
Cùng chung quan điểm, Thiếu tá Trần Tuấn Anh, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Cao Phong cho biết: Việc phân công, phân cấp tuyến giao thông đường bộ cho Công an cấp huyện trực tiếp hoặc phối hợp lực lượng CSGT, Công an tỉnh TTKS, xử lý VPHC về cơ bản phù hợp, đáp ứng yêu cầu khép kín về thời gian, địa bàn. Tuy vậy, để công tác này tiếp tục đạt hiệu quả cao, việc bổ sung các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng CSGT cấp huyện là rất cần thiết. Hầu hết phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSGT-TT Công an các huyện, thành phố được trang cấp đã lâu, thường xuyên hỏng, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.100km đường bộ. Tổng chiều dài các tuyến giao thông đường bộ do Công an cấp huyện quản lý khoảng 4.901km. Trong đó, 7 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 327,5km; 31 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 619,22km; 74 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 770,26km; 113 tuyến đường đô thị với tổng chiều dài 338,3km; 241,26km đường nội thị tại 9 thị trấn các huyện; 2.803,46km đường xã, đường nông thôn. Thời gian qua, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã chủ động bám sát thực tiễn để tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong đảm bảo TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, tình hình TTATGT tiếp tục được giữ vững, ổn định, không xảy ra các vấn đề phức tạp.
Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Việc thực hiện phân công, phân cấp tuyến, địa bàn TTKS xử lý VPHC về giao thông đường bộ đem lại hiệu quả rõ rệt; lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm quy định về TTATGT. Từ việc khép kín địa bàn TTKS, ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT của người dân được nâng cao. Nhiều vi phạm phổ biến trước đây được kiềm chế, từng bước giảm như vi phạm về nồng độ cồn, tải trọng, cơi nới thùng xe...
Trong quý I/2024, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 6.151 trường hợp; xử phạt 5.466 trường hợp trên 17,2 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước; tạm giữ 3.360 phương tiện, tước giấy phép lái xe 1.379 trường hợp. Trong đó, xử lý VPHC chuyên đề nồng độ cồn, ma túy phát hiện, lập biên bản 2.026 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 75 trường hợp; xử lý VPHC về chuyên đề tải trọng, cơi nới thùng xe phát hiện, lập biên bản 132 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 28 trường hợp. Thông qua TTKS khép kín địa bàn, các tuyến giao thông, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 2.080 trường hợp vi phạm về tốc độ, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 1.124 trường hợp. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã tập trung phát hiện, xử lý nhiều trường hợp điều khiển phương tiện xe mô tô phân khối lớn với tốc độ cao trên các tuyến đường giao thông nguy hiểm cho người đi đường và bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là cơ sở quan trọng để công tác quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT trên địa bàn ngày càng hiệu quả, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí.
Mạnh Hùng
Ngày 29/5, tại xã Thạch Yên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cao Phong phối hợp Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động, công khai các bị cáo: Bùi Hải Long, Bùi Văn Thanh, Bùi Văn Sự, Bùi Trung Dũng về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 244, Bộ luật Hình sự.