Mặc dù đã được cảnh báo nhưng hiện nay, việc sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trở nên tràn lan, đặc biệt trong giới trẻ. Chính phủ đã có quy định về việc kinh doanh thuốc lá nói chung và TLĐT nói riêng. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động kinh doanh, mua bán TLĐT vẫn là bài toán khó.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, việc sử dụng TLĐT cũng gây nghiện tương tự thuốc lá điếu. Hút TLĐT lâu dài còn dẫn đến loạn thần, hoang tưởng, gây ảo giác. Thậm chí, việc sử dụng lượng lớn TLĐT gây nhiễm độc nặng, có thể dẫn đến tử vong. Có 3 loại TLĐT thông dụng trên thị trường hiện nay là vape, pod system, iqos. Trong đó, vape là loại có khả năng kích thích hệ thần kinh ngang với thuốc lá truyền thống; pod system mang hàm lượng nicotine thấp hơn và lượng khói cũng ít hơn vape, đây cũng là loại nhiều học sinh sử dụng do nhẹ hơn vape; iqos là dòng đúng nghĩa TLĐT và nhẹ nhất trong 3 loại.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng việc sử dụng TLĐT hiện khá phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Thậm chí trong các trường THCS, nhiều học sinh đã lén lút sử dụng TLĐT. Thầy giáo Bùi Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS Quang Tiến, TP Hòa Bình cho biết: Hiện tượng học sinh THCS lén lút sử dụng TLĐT đã xuất hiện trong những năm gần đây. Để ngăn chặn tình trạng này, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với gia đình cho học sinh ký cam kết về việc không sử dụng thuốc lá nói chung, TLĐT nói riêng. Điều quan ngại là có một số học sinh vẫn cố tình sử dụng lén lút bên ngoài nhà trường và lôi kéo nhiều bạn tham gia.
"Thực tế khi xử lý các vụ việc học sinh lén lút sử dụng TLĐT, chúng tôi nhận thấy hầu hết loại thuốc lá này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không rõ thành phần. Qua trao đổi các em cho biết đặt mua trên mạng xã hội về sử dụng”, thầy Bùi Hữu Phước cho biết thêm.
Đó cũng là một trong những khó khăn trong việc quản lý TLĐT hiện nay, bởi hầu hết TLĐT đều được mua bán qua mạng và hình thức ship hàng. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng nghiệp vụ - tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Qua đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cơ sở bán TLĐT. TLĐT chủ yếu được bán trên mạng xã hội, các hội nhóm kín. Đây là một trong những khó khăn khiến lực lượng quản lý thị trường chưa thể đấu tranh phát hiện các hiện tượng vi phạm pháp luật về buôn bán TLĐT. Bởi theo quy định, muốn xử phạt phải bắt được hàng hóa trực tiếp, tuy nhiên, TLĐT chủ yếu được mua qua hình thức đặt trên mạng và ship hàng nên việc phát hiện hàng hóa rất khó khăn.
Sản phẩm TLĐT cũng được coi là thuốc lá. Vì vậy, việc kinh doanh, buôn bán hay sản xuất đều phải đáp ứng quy định, điều kiện kinh doanh của pháp luật. Trong đó, Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 106/2017/NĐ-CP đã quy định đầy đủ điều kiện cấp phép buôn bán sản phẩm TLĐT và điều kiện cấp phép bán lẻ TLĐT. Dù vậy, lực lượng quản lý thị trường chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào liên quan đến buôn bán TLĐT.
Từ thực tế đó, mới đây, để thắt chặt quản lý TLĐT, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tập trung vào các đối tượng: học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi. Trong đó, chú ý tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, hậu quả của việc sử sụng chất kích thích, gây nghiện (bao gồm TLĐT). Các trường học phối hợp với gia đình, đoàn thể và người dân theo dõi, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý việc sử dụng TLĐT đối với học sinh, sinh viên. Qua đó kéo giảm tình trạng sử dụng TLĐT, cũng như tác hại khôn lường của TLĐT đến sức khỏe của người sử dụng, nhất là giới trẻ. Các Đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển TLĐT, thuốc lá nung nóng có hành vi vi phạm, kịp thời kiểm tra, ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Phương Linh