Lực lượng Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần tấn công trấn áp tội phạm

Lực lượng Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần tấn công trấn áp tội phạm

(HBĐT) - Được xác định là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn ANTT và đảm bảo ANNT. Do vậy, mỗi CBCS thuộc Đội công an phụ trách xã (CAPTX) của huyện Đà Bắc luôn xác định khó khăn nào cũng phải vượt qua, nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành.

 

“Để làm được điều đó, chúng tôi phải dựa vào dân, sống trong lòng dân. Trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân”, Thượng tá Nguyễn Thiên Lý, Phó Trưởng Công an huyện Đà Bắc nhấn mạnh.

 

Đội quân “5 cùng”

 

Thượng tá Nguyễn Thiên Lý, Phó Trưởng Công an huyện Đà Bắc cho biết: Đà Bắc chủ yếu là vùng núi khó khăn, giao thông đi lại phức tạp cộng với trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên việc thực hiện nhiệm vụ của anh em CBCS lực lượng CAPTX cũng vì thế mà khó khăn theo.

 

Là địa bàn vùng núi, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng trên thực tế tình hình ANTT, ANNT vẫn còn nhiều phức tạp. Với tình trạng tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư, chặt phá rừng trái phép, trộm cắp trâu bò, uống rượu say gây gổ đánh nhau gây mất ANTT… còn khá phổ biến ở các xã vùng cao, vùng giáp gianh. Trước đây, với cách quản lý chung, lực lượng CAPTX phụ trách cả 21 (nay còn 20) xã, thị trấn trong toàn huyện. “Điều này đã gây nhiều khó khăn và áp lực rất lớn cho việc thưc hiện nhiệm vụ của anh em CBCS. Do đường xá đi lại khó khăn, tính ra có xã phải đi mất cả ngày đường mới tới nơi. Trong điều kiện đó, công việc cần giải quyết thì nhiều không xuể. Chưa giải quyết xong ở xã này, xã khác đã gọi. Anh em trong đội cứ chạy đi chạy lại như con thoi nhưng công việc thì vẫn ngập đầu, ngập cổ”, Thiếu tá Hà Văn Mừng, Đội Trưởng Đội CAPTX Công an huyện Đà Bắc nhớ lại. Trong điều kiện đó, thấy rõ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, điều hành công tác của lực lượng CAPTX, lãnh đạo Công an huyện Đà Bắc đã linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương khi đưa CBCS CAPTX về “cắm bản”. “Thực tế đã chứng minh, đây là cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng CAPTX. Việc đưa lực lượng này về “nằm” tại các cụm an ninh đã phát huy hiệu quả rất cao trong việc giữ gìn ANTT, giải quyết những vấn đề phức tạp về ANNT. Qua đây cũng là để anh em giúp đỡ, hỗ trợ nghiệp vụ cho lực lượng công an xã. Đồng thời tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân các xã vùng cao. Tuy vậy, mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi đạt được khi đưa lực lượng CAPTX về địa bàn đó là để lực lượng công an luôn gần dân và lắng nghe dân nói và nói cho dân hiểu về những chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước”, Thượng tá Nguyễn Thiên Lý khẳng định.

 

Căn cứ vào điều kiện địa hình và để phù hợp với điều kiện công tác của CBCS lực lượng CAPTX, công an huyện Đà Bắc đã tổ chức thành 3 cụm an ninh. Theo đó, cụm 1 bao gồm 8 xã vùng thấp xung quanh huyện lỵ; cụm 2 phụ trách 6 xã thuộc vùng Yên Hòa, Trung Thành; cụm 3 gồm 7 xã còn lại thuộc vùng cao xa nhất của huyện. “Dù ở cụm an ninh nào thì khó khăn lớn nhất đối với anh em CBCS vẫn là đường giao thông”, Thiếu tá Hà Văn Mừng cho biết. Được coi là thuận lợi nhất nhưng anh em CBCS ở cụm 1 cũng luôn vất vả khi xuống địa bàn. Bởi không phải xã nào cũng có đường giao thông thuận lợi. Còn ở vùng cao thì điều đó dường như vẫn chỉ là mong ước. Nếu ở các xã vùng thấp khó khăn một thì anh em CBCS ở cụm 2, cụm 3 khó khăn gấp hàng chục lần. Bởi lẽ, các xã vùng cao của huyện Đà Bắc cho đến giờ vẫn là địa bàn khó khăn nhất về đường giao thông, đời sống kinh tế và trình độ dân trí, nhận thức người dân chưa đồng đều. Vì điều kiện đường xá giao thông đi lại khó khăn, lại xa trung tâm  nên mỗi tháng anh em CBCS đội CAPTX ở cụm 2, cụm 3 phải “cắm bản” 2/3 thời gian. Tuy vậy, theo Thiếu tá Hà Văn Mừng thì: “theo chương trình công tác, 10 ngày cuối tháng anh em trong đội mới được gặp nhau đông đủ để giao ban, báo cáo tổng hợp tình hình ANNT ở các địa bàn và sinh hoạt đoàn thể. Nói vậy, cũng chẳng mấy khi 14 anh em CBCS trong toàn đội được họp mặt đông đủ. Bởi khi có vụ việc xảy ra, anh em lại phải lên đường, có mặt tại địa bàn để phối hợp với lực lượng công an xã, chính quyền địa phương giải quyết bất kể đó là đêm hôm hay lúc mưa bão”. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về kinh phí, phương tiện nên để hoàn thành nhiệm vụ được giao mỗi CBCS đội CAPTX của huyện Đà Bắc luôn xác định phải dựa vào dân, sống trong lòng dân và trở thành điểm tựa của nhân dân. Cho đến giờ, CBCS của đội CAPTX đều trở thành những người con của dân bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng chung một tiếng nói và cùng gánh vác chia sẻ những khó khăn với nhân dân.

 

Vững vàng điểm tựa của dân

 

Không nói, nhưng cả 14 CBCS đội CAPTX cũng như toàn bộ CBCS lực lượng Công an huyện Đà Bắc cũng đều hiểu rằng điểm tựa của họ chính là nhân dân. Dựa vào dân, sống trong lòng dân để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giữ vững ANTT. Và cũng dựa vào dân để vượt qua mọi khó khăn thách thức. Đồng thời, họ cũng đã trở thành điểm tựa vững vàng của nhân dân để giữ gìn cuộc sống bình yên. Nhờ vậy, mà trong những năm qua “lực lượng CAPTX đã phát huy tốt vai trò và có đóng góp không nhỏ vào việc giữ vững ANCT, ốn định tình tình ANTT, giải quyết tốt những vướng mắc, phức tạp về tình hình ANNT trên địa bàn huyện. Kiềm chế, ngăn chặn và phòng ngừa có hiệu quả phát sinh tội phạm và TNXH trên địa bàn huyện”, Thượng tá Nguyễn Thiên Lý nhấn mạnh. Còn đối với Thiếu tá Hà Văn Mừng thì: Nhiệm vụ phía trước của anh em chúng tôi vẫn còn nặng nề, nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng trong điều kiện nào anh em chúng tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Nói về những khó khăn, vất vả của lực lượng CAPTX thì chẳng ai có thể kể hết được. Nhưng bản thân mỗi CBCS luôn ý thức được trách nhiệm và nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, trong điều kiện dân trí, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Thiếu tá Hà Văn Mừng kể: Ở các xã vùng cao dù chỉ là những việc nhỏ như cãi vã, mất con gà quả trứng người ta cũng đều gọi Công an. Để giải quyết những vụ việc đó không phải lúc nào cũng mang luật pháp ra được. Mà phải giải quyết trên cơ sở cái lý, cái tình. Muốn được vậy thì phải làm cho dân tin. Niềm tin đó đã được xây dựng trên cơ sở gần dân, lắng nghe dân nói và trở thành điểm tựa của dân. Bây giờ ở các xã vùng cao Mường Chiềng, Suối Nánh, Đồng Nghê, Mường Tuổng người dân đã quá quen với hình ảnh chiến sỹ công an lội ruộng cấy lúa, làm nương với dân. Và người dân Tân Pheo, Yên Hòa, Trung Thành, Đồng Ruộng cũng đã quen với hình ảnh CBCS công an trong bộ quân phục giúp dân tăng gia sản xuất, trồng ngô, thu hái chè. Trong lũ bão, các anh cũng đã quên mình, kiên cường bám trụ cứu, giúp dân. Dù ở đâu, hoàn cảnh nào các anh cũng luôn có mặt đề chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân. “Chúng tôi xây dựng và tạo được niềm tin trong nhân dân bằng chính sự chân tình và cởi mở. Chính từ đó mà chúng tôi được nhận lại từ phía người dân là sự tin cậy”, Thiếu tá Hà Văn Mừng nói. Ngoài việc góp sức giữ gìn ANTT, đảm bảo ổn định tình hình ANNT, các CBCS đội CAPTX còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, từng bước xóa đói giảm nghèo. Như ở xóm Nhạp (Đồng Chum) trước đây người dân bỏ cả ruộng để đi chặt phá rừng. Dù vậy, cũng chưa khi nào thoát được đói nghèo. Trước tình hình đó, đội CAPTX đã cùng với chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển kinh tế. Bằng sự kiên trì, các anh đã kéo người dân từ rừng quay trở lại ruộng với các loại giống lúa, ngô mới năng suất cao. Chấm dứt hẳn tình trạng chặt phá rừng. Đến giờ, xóm Nhạp đã trở thành một điển hình về phát triển kinh tế và bảo vệ rừng của huyện.

 

Không thể kể hết được những vụ việc mà CBCS đội CAPTX đã giải quyết và càng không thể đong đếm được những khó khăn, thách thức mà họ đã trải qua. Nhưng trong ánh mắt, nụ cười của họ, chúng tôi thấy có niềm tin. Niềm tin của những người biết vượt lên khó khăn để trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân. 

 

                                                                                      Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Vàng Mí Pó.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Hiệu quả từ mô hình "Làng Mán tự quản" ở xã Hưng Thi 

(HBĐT) - Mô hình “Làng mán tự quản về ANTT” tại xã Hưng Thi, huyện Lạc Thuỷ tiền thân là các phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ như: hòm thư tố giác tội phạm, tổ tuần tra, tổ bảo vệ trị an .v.v.. Đúc rút kinh nghiệm thức tế từ các mô hình đó, cấp uỷ, chính quyền xã nhận thấy cần có mô hình tự quản, trong đó, người dân trực tiếp đứng ra tổ chức, chỉ đạo và thực hiện phong trào. Đến tháng 8/2008, mô hình “làng Mán tự quản về ANTT” chính thức ra mắt.

Nạn chiếm đoạt trẻ em ở khu vực biên giới

Trong một thời gian, trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu) liên tiếp xảy ra nhiều vụ chiếm đoạt trẻ em, chủ yếu là những bé trai vài ngày tuổi cho đến nhiều tháng tuổi, khiến người dân hết sức lo lắng. Hầu hết những vụ này xảy ra giữa ban ngày, rất trắng trợn…

Đưa phụ nữ sang Thái... bán dâm

Lao Banh thu giữ hộ chiếu và nhốt các cô gái vào trong một căn phòng, còn Hồng thu giữ giấy chứng minh nhân dân của các cô. Hằng ngày Lao Banh đi tìm và đưa đàn ông Thái Lan đến phòng, ép buộc các cô phải bán dâm.

Suýt mất mạng vì nghe “báo mộng” đi đào vàng

Nghe theo lời báo mộng của một người “Tàu” trong giấc mơ, anh Đào Quang Văn mời thêm một số người đi đào vàng. Khi mọi người đang hành sự thì một đối tượng tên Quynh do biết chuyện đã tò mò mang súng đi theo, làm súng nổ khiến anh Văn bị thương.

May rủi "nghề" đổi tiền ở cửa khẩu

"Có lần tôi "ôm" sang bên kia hơn 700 triệu, gặp mấy thằng "đầu gấu" ở bờ sông, cũng may trước đó gần chục phút, linh cảm thế nào, tôi lại chuyển cho bà chị đi trước mang giúp nên chỉ bị chúng cướp mất gần 15 ngàn nhân dân tệ" - một phụ nữ làm nghề đổi tiền ở cửa khẩu Lào Cai tâm sự.

Cổ phiếu đang ở vùng hấp dẫn?

Nếu lạm phát ở mức vừa phải, tiền tệ ổn định, khi nút thắt tín dụng được tháo gỡ, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào chứng khoán và lúc đó thị trường sẽ có sóng

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục