Tám cô gái Việt bị dụ sang Thái Lan với lời hứa “làm ít, tiền nhiều” để rồi rơi vào bẫy của bọn buôn người. Phóng viên Thanh Niên đã có mặt trong cuộc giải cứu do Cục Điều tra đặc biệt và Liên minh Chống buôn người Thái Lan tổ chức
Chuyến đi bí mật
Giữa tháng 8-2009, cô bạn làm ở Liên minh Chống buôn người (AAT) tại Bangkok gọi điện cho tôi, báo tin có 8 cô gái Việt ở miền Nam Thái Lan đang cầu cứu vì bị lừa sang đây hoạt động mại dâm. AAT sẽ phối hợp cùng Cục Điều tra đặc biệt (DSI) để giải cứu các nạn nhân ngay lập tức.
Điều đầu tiên cô bạn dặn là phải tuyệt đối giữ bí mật bởi những kẻ buôn người thấy động sẽ đưa các cô gái sang biên giới Malaysia thì hỏng bét.
“Cậu có dám đi cùng không?” - cô bạn hỏi.
Tôi đáp: “Sợ gì mà không dám”.
Bản thân cô bạn muốn tôi đi cùng để viết bài, cảnh tỉnh những ai còn đang mơ mộng về “làm ít, tiền nhiều” ở nước ngoài. Tôi cũng nghĩ vậy. Hồ sơ của tôi được chuyển lên DSI xem xét. Sau khi được chấp thuận, tôi báo cáo sếp và lẳng lặng xách ba lô lên đường.
Các cô gái Việt Nam được giải cứu tại trụ sở Liên minh Chống buôn người (AAT). Ảnh: VIỆT PHƯƠNG
Xuyên qua vùng nguy hiểm
Đến sân bay, tôi gia nhập đoàn cùng nhân viên AAT. Nhóm bên DSI đi riêng để dễ hành động. Chuyến bay từ Bangkok xuất phát vào buổi sáng, trưa thì đến sân bay Hat Yai, Nam Thái Lan. Chúng tôi tiếp tục đón xe để đi đến huyện Betong, tỉnh Yala kế cận – nơi các cô gái đang phải làm việc. Con đường từ Hat Yai xuống Betong phải qua một đoạn thường xuyên xảy ra các vụ bắn súng, đánh bom từ năm 2004 đến nay. Anh lái xe là dân địa phương mà còn run nữa là chúng tôi. Kinh nghiệm của anh ta là nếu thấy vật gì lạ lạ hoặc đen đen trên đường thì nhanh mà tránh hoặc phóng xe qua thật nhanh.
Suốt quãng đường đi, các nhân viên AAT liên tục nhận được điện thoại của các cô gái xem họ sắp đến chưa. Mỗi lần gọi họ đều được dặn phải bình tĩnh, không được để lộ việc sắp có người đến cứu. Trong khi đó, DSI tìm cách nhận dạng các cô từ những khu nhà lân cận. Không khí trên đường đi căng thẳng. Ai cũng lo là có gì sơ sẩy, các cô gái sẽ bị nguy hiểm. Rồi đoàn của AAT cũng đến được huyện Betong. Chiếc xe đi một vòng qua khu phố có quán karaoke nơi các cô gái làm việc để những nhân viên AAT biết địa điểm. Chiều tối hôm đó, DSI và AAT họp gấp với nhau, bàn kế hoạch giải cứu.
Giải cứu chớp nhoáng
Màn đêm buông xuống, nhân viên của DSI cầm súng ập vào nơi các cô đang ở. Những kẻ dính dáng trực tiếp vào đường dây buôn người này hình như đã thấy động trước đó nên trốn sạch, để mặc các cô gái muốn làm gì thì làm. Nhìn thấy các nhân viên DSI cầm súng ập vào, các cô mặt mày xanh lét vì sợ, mặc dù biết là người đến cứu mình. “Đi về nhanh lên, có người đến cứu mình nè”, một cô gái gọi điện cho một cô khác đang phải tiếp khách ở khách sạn. Cô gái ấy bỏ khách, chạy vụt ra đường. Ông chủ khách sạn đuổi theo. Cô gái dáng người nhỏ nhắn ấy tháo guốc ra chạy thục mạng về nơi ở an toàn. DSI cũng bắt giữ má mì cùng nhiều cô gái mại dâm người Trung Quốc. Các cô gái được yêu cầu dọn dẹp đồ đạc tư trang trong vòng 5 phút, nhanh chóng rời khỏi chỗ ở để về khách sạn nơi đoàn AAT và DSI ở. DSI lập tức tiến hành việc lấy lời khai của các cô là nạn nhân, bị lừa để có thể đưa các cô để có bằng chứng rằng các cô ra khỏi Yala, về lại Bangkok đúng thủ tục hợp pháp. Bởi lẽ những kẻ buôn người có thể kiếm cớ nói rằng 8 cô gái là người nhà sang chơi và kiện ngược lại DSI vì đưa người của chúng đi không có lý do.
Các cô gái không nói được tiếng Thái, tiếng Anh lại càng không. Lúc đó tôi bị đặt vào tình thế phải làm phiên dịch giúp trong buổi lấy lời khai. Nhờ công việc làm phiên dịch này mà tôi có cơ hội được nói chuyện nhiều hơn với các cô, hiểu hơn về hoàn cảnh từng người và lý do tại sao các cô lại bị lừa dễ dàng như vậy. Bị bó hẹp trong vùng thôn quê ở tỉnh Tây Ninh, học hành không đến nơi đến chốn, tuổi đời chưa nhiều, chưa có mấy va chạm trong xã hội – những thiệt thòi đó đã làm các cô mờ mắt trước những lời dụ dỗ ngọt ngào của những kẻ buôn người xảo quyệt. Nào là được mua cho quần áo, nào là được đi chơi, nào là công việc rất đơn giản, chỉ phải rót bia cho khách trong quán... Đến khi nhận ra sự thật phũ phàng thì đã quá muộn.
Nhân viên Cục Điều tra đặc biệt (DSI) đang hoàn tất hồ sơ sau chuyến giải cứu 8 cô gái Việt Nam Ảnh: VIỆT PHƯƠNG
Cứu xong vẫn hồi hộp
Buổi lấy lời khai kết thúc vào 3 giờ sáng hôm sau. Tôi hỏi: “Mấy em mệt không?”. Các cô đáp: “Mệt, nhưng vui quá anh à. Sắp được về nhà rồi”. Sự hồi hộp chưa dừng lại ở đó. DSI cần phải đưa các cô về lại Bangkok ngay trong ngày, đề phòng những kẻ buôn người tính làm trò gì đó. Tốt nhất là về lại Bangkok trước buổi tối vì sẽ an toàn hơn. Buổi sáng sớm, các nhân viên AAT và DSI liên tục gọi điện đặt chỗ chuyến bay đủ để 8 cô gái, mười mấy nhân viên AAT và DSI có thể về lại Bangkok. Do lấy vé quá sát giờ nên không còn hãng nào chấp nhận cho đặt chỗ một lúc nhiều ghế như vậy. Sau một hồi chạy vạy, cuối cùng cả đoàn hơn 20 người cũng mua được vé. Vấn đề giờ đây là phải chạy từ huyện Betong sao cho kịp đến sân bay Hat Yai để đáp chuyến bay. Đi vòng qua Malaysia thì không kịp, phải đi thẳng thôi. Nhưng đi đường thẳng phải qua khu vực “nóng”, tức vùng nguy hiểm nhất, bom đạn có thể nổ bất cứ lúc nào.
Một lần nữa, không khí căng thẳng lại xuất hiện. Riêng tôi cảm thấy an tâm hơn một chút khi anh nhân viên DSI ngồi cạnh rút súng ra để sẵn trước mặt, đề phòng bất trắc. Đoàn xe chạy tốc độ cực cao, đi qua nhiều vùng đồi núi của miền cực Nam Thái Lan. Khi anh nhân viên DSI tháo đạn, thu lại súng vào túi thì tôi mới yên tâm là mình đã qua được vùng “nóng”. Cuối cùng thì cũng kịp chuyến bay.
Các cô gái được đưa về Bangkok an toàn. Ở sân bay Don Muang, đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã đứng sẵn để đón các cô. Trong chuyến giải cứu này, Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan cũng đóng một vai trò cầu nối rất hoàn hảo để Công an Việt Nam và DSI, AAT phối hợp hành động.
Theo NLĐ
Sau vụ việc Công an Hà Nội bắt quả tang đối với Đoàn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đòi và nhận 1 tỷ đồng hối lộ cho vay vốn ưu đãi của Công ty cổ phần Dệt may xuất khẩu Hải Phòng, DN gặp rất nhiều bất lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quan hệ với khách hàng.
Nhân dịp Tết Canh dần 2010, ngày 10-2 , tại trại tạm giam của Công an Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đã trao quyết định tha, giảm án phạt tù trước thời hạn cho 65 phạm nhân, thể hiện chính sách nhân đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương đối với những phạm nhân có nhiều cố gắng trong rèn luyện, cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của trại.
Hiện tại, các loại phí bảo vệ môi trường ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải chứ chưa đặt mục tiêu bảo vệ môi trường làm trọng. Dự thảo Luật bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính soạn thảo dẫu đã đặt tiêu chí đánh thuế vì một môi trường xanh, sạch nhưng xem ra vẫn thiếu những quy định “sắc nét”.
Trong lúc mọi người tất bật lo trang trí, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết thì bà Hồ Thị Lệ Hằng (68 tuổi, ngụ số 311, Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM), lại phải "chạy đôn, chạy đáo", gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi lại nhà mình. Phía thuê nhà không những không trả lại nhà cho bà Hằng mà còn tự ý khóa trái cửa, thuê các đối tượng có "máu mặt" canh giữ và "dằn mặt" gia đình bà Hằng.
Ngày người đàn ông vũ phu nhận án vì tội giết vợ cũng là ngày cậu con trai cả của ông làm lễ 100 ngày mẹ mất. Cha ở tù chung thân, mẹ chết gia đình này chỉ còn 3 đứa trẻ đang tuổi đi học phải vất vả xoay sở kiếm sống.
Ngày 9-2, tại thị trấn Ðồng Ðăng, Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, (Lạng Sơn), tổ chức phiên tòa lưu động, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ba bị cáo phạm tội buôn lậu pháo nổ gồm: Nguyễn Thụ Quang, (SN 1987), trú tại Vinh Quang, Tiên Lãng (TP Hải Phòng); Nguyễn Văn Ninh, (SN 1990), trú tại Thái Hưng, Ðông Hưng, Tiên Lãng, (TP Hải Phòng) và Vũ Quang Công, (SN 1986), trú tại Thụy Trường, Thái Thụy (Thái Bình).