Chúng tôi mở đầu chuyên mục "Dưới những nếp nhà CAND" bắt đầu từ gia đình đồng chí Trần Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện KSNDTC, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh CANDVT.
Như lúc sinh thời, đồng chí Trần Quyết thường nhiều lần tâm sự với các con, tuy ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng dường như suốt cuộc đời ông gắn bó son sắt với lực lượng CAND và đam mê sáng tạo hiến dâng tình cảm và trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ nền an ninh trật tự của đất nước.
Ông vừa vĩnh biệt chúng ta ngày 1/3/2010, để lại tấm gương sáng của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung với hơn 60 năm đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Chúng tôi vừa đến nhà thắp hương tưởng nhớ Trung tướng Trần Quyết và bỗng nhận ra trong ngôi nhà bình dị của ông trên một con phố nhỏ Hà Nội dường như vẫn còn lưu giữ tình cảm thân thương, những câu chuyện trải dài không dứt quanh những chặng đường lịch sử liên quan mật thiết đến lực lượng CAND. Dường như trong những bữa cơm quần tụ vừa vắng bóng ông, cụ bà Điều Thị Hảo (dân tộc Thái) và những người con, người cháu vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây những câu chuyện, những tâm sự riêng tư, những lời dặn dò về lòng thuỷ chung với cái nghiệp Công an vinh quang và nghiệt ngã…
Rèn nhân cách ngay từ tấm bé
Nhiều cán bộ trong lực lượng Công an thường nói rằng, gia đình Trung tướng Trần Quyết là một gia đình lặng lẽ. Phải chăng sự lặng lẽ đó vốn ảnh hưởng từ bản tính ít nói của ông được rèn luyện từ những ngày hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng Tám, từ thói quen nghề nghiệp Công an vốn bí mật, âm thầm. Nếp nhà lặng lẽ ấy có thể còn mang dáng dấp cách sống giản dị, thân thuộc những ngày gia đình ông sinh sống gần gũi cùng bà con dân tộc thiểu số ở miền núi thời ông làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Phó Bí thư Khu ủy, Giám đốc Khu Công an Tây Bắc… Vì thế mà cũng ít người biết cụ thể về nếp nhà ông, về năm người con của ông bà, một trai, bốn gái, trong đó có hai người hiện tham gia trong lực lượng CAND.
Trước lúc từ giã cõi trần, hẳn Trung tướng Trần Quyết thấy yên lòng vì người con trai cả của ông - cậu thanh niên mà ngay từ lúc 14, 15 tuổi đã được ông xin cho vào rèn luyện trong trường Thiếu sinh quân - vừa được phong quân hàm Trung tướng An ninh nhân dân. Dưới mái nhà lặng lẽ ấy, có hai bố con cùng được đeo quân hàm Trung tướng, không biết giây phút hạnh phúc ấy giữa hai bố con đã diễn ra như thế nào?
Người con trai - vị Trung tướng trẻ khi gặp chúng tôi, anh cũng ít lời, lặng lẽ như những gì chúng tôi cảm nhận từ cha anh. Anh kể rằng, anh sinh ra ở Tuyên Quang, khi đã trưởng thành, càng ngày, anh càng hiểu bố anh đã nghiêm khắc rèn dạy anh bằng sự lặng lẽ, kiệm lời; dường như tất cả dồn lại ở ánh mắt thương yêu và tin cậy, ở những cử chỉ chăm sóc hết sức thường nhật ấm nóng tình phụ tử.
Cũng như bao đứa trẻ khác thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tuổi thơ của vị Trung tướng trẻ này cũng lam lũ và vất vả không kém. Những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi cha anh chuyển từ Tây Bắc về công tác ở Bộ theo sự điều động của trên, anh phải một mình sơ tán khỏi Hà Nội về trọ học ở vùng quê Bắc Ninh. Tự mình nấu ăn, tự mình chăm sóc mình để đi học đúng giờ, tự mình câu cá để thêm thắt thức ăn.
Và gần như chủ nhật nào cũng vậy, bố anh đạp xe từ Hà Nội lên thăm con. Bố cùng nấu cơm với con, ăn cùng con một bữa cơm đạm bạc, xem lại sách vở cho con rồi tất tả đạp xe về thành phố lúc bóng tối chạng vạng ập xuống. Anh thẫn thờ đứng nhìn theo dáng người cha mang chiếc xắc cốt chéo vai xa dần cuối con đường nhỏ…
Đồng chí Trần Quyết và gia đình. |
Sau đó, những năm học cuối cấp ba, có lẽ để rèn người con trai duy nhất, bố anh đã đề nghị Tướng Hoàng Văn Thái cho anh được theo học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Bộ Quốc phòng. Lại những ngày kỷ luật thép như người lính; lại những đêm báo động, cánh học sinh nhỏ tuổi gấp gáp nhảy xuống giường, khoác ba lô tập hợp để hành quân; lại những ngày xếp hàng ăn cơm, thức ngủ theo kẻng, rèn ngoài thao trường vã mồ hôi…
Có lẽ từ thẳm sâu tình cảm, từ kinh nghiệm xương máu của cuộc chiến đấu sinh tử chống tội phạm bảo vệ bình yên cho nhân dân, cha anh hiểu hơn ai hết cần phải rèn nhân cách và bản lĩnh cho người con trai duy nhất thế nào để tiếp nối nghề Công an. "Vì sao anh theo nghề Công an?". “Chính bố tôi đã định hướng tôi như vậy. Khi tốt nghiệp Trường Nguyễn Văn Trỗi, tất cả chúng tôi đều được đưa vào Đại học Quân sự như là sự tất nhiên xưa nay. Nhưng cha tôi đã bảo, bên Công an bây giờ đã có mở lớp sỹ quan đầu tiên rồi. Bố muốn con vào học ở đấy. Bố rất yêu nghề Công an" - vị Trung tướng trả lời rất nhanh như vậy. Dường như cũng vì yêu nghề Công an mà sau này ông gợi ý người con gái là Phạm Nguyệt Ánh thi đỗ Đại học Bách Khoa sang học lớp Đại học An ninh khoá 7.
Đoàn kết, tận tụy và nhân văn
Khi còn là sỹ quan cấp tá, lần đầu tiên người con trai được cử sang công tác ở nước ngoài, anh đã dành thời gian báo cáo, xin ý kiến của bố mình. Thứ trưởng Trần Quyết chúc mừng anh đã phấn đấu để được cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ và căn dặn, dù bất cứ ở đâu, làm nghiệp vụ gì, việc đầu tiên và trên hết là giữ được sự đoàn kết, giữ gìn ý thức kỷ luật và phẩm chất cách mạng của Công an nhân dân.
Anh hiểu cuộc đời cha mình là một tấm gương sáng về giữ gìn sự đoàn kết trong quá trình hoạt động cách mạng của ông. Vì thế mà nhiều năm công tác, chỉ đạo đấu tranh phòng chống tội phạm ở miền Tây Bắc thời kỳ khó khăn những năm 1945-1963, nạn thổ phỉ nổi lên chống đối chính quyền rất phức tạp, dù là một người dân tộc Kinh ở miền xuôi lên miền núi theo chỉ đạo của Đảng, lúc nào ông cũng một lòng giữ gìn sự đoàn kết, coi đó là sức mạnh làm nên thắng lợi. Ngoài những nguyên tắc bất di bất dịch mà lực lượng Công an đã rèn rũa, những lời căn dặn cụ thể của người cha luôn được anh ghi lòng tạc dạ. Đó là tâm huyết của đời ông, như là "của gia bảo" được truyền từ đời này sang đời khác vậy.
Theo vợ chồng người con trai, những bữa cơm gia đình, những phút quây quần trong nếp nhà của Trung tướng Trần Quyết thường là những lúc ông hay giãi bày, tâm sự cùng con cái. Những kinh nghiệm xương máu trong công tác Công an, những bài học nghiệp vụ mà ông tâm đắc, cả những đối nhân xử thế ở đời luôn được ông thủ thỉ kể rất tự nhiên mà hấp dẫn.
Có lần ông kể, khoảng năm 1957-1958, khi bắt một "tướng phỉ" ở vùng Tây Bắc, ông liền về Hà Nội báo cáo Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đồng chí Bộ trưởng nhắc đại ý, trong "Tam quốc diễn nghĩa" có chuyện Khổng Minh 7 lần bắt, 7 lần tha Mạnh Hoạch, chẳng nhẽ Giám đốc Khu Công an Tây Bắc không thể tha một lần sao? Ông thưa: "Tôi cũng định xin ý kiến anh về việc tha đó". Vậy rồi, ông trở lại Tây Bắc dẫn tướng phỉ đi thăm một số đơn vị Công an chính quy của ta với nhiều loại vũ khí, xe cộ hiện đại, đồng thời tổ chức cho biểu diễn võ thuật với lối đánh tinh nhuệ, mời tướng phỉ đến xem. Kết hợp với vận động, thuyết phục, ông chỉ đạo không xử lý hình sự, tha cho "tướng phỉ" được trở về sống an lành ở bản.
Có lẽ cảm tấm lòng của Giám đốc Khu Công an Tây Bắc mà sau này, chính "tướng phỉ" đã sai con trai bí mật chạy liên tục mấy ngày đường đến đòi gặp bằng được ông Giám đốc Công an Khu. Đón chiếc lông gà và hòn than đen của "cố nhân" gửi tới, đồng chí Trần Quyết hiểu được thông điệp ngầm và gấp rút điều quân đi "dẹp loạn" thắng lợi...
"Cũng có lần bố kể về cư xử như thế nào với các bác, các chú trong lãnh đạo Bộ Công an và các cô chú cấp dưới ở những thời điểm nhạy cảm nhất. Ví như chuyện dám chịu trách nhiệm khi ra lệnh cho các đơn vị nghiệp vụ thực hiện đấu tranh chuyên án trong tình huống cấp thiết... Tôi hiểu những câu chuyện như vậy, bố tôi muốn nhắc con cái bài học về tấm lòng nhân văn, ý thức dám làm, dám chịu trách nhiệm - điều không thể thiếu của một chiến sĩ Công an" - người con trai xúc động kể với tôi…
Người bố nào cũng vậy, mỗi sự thành đạt của con cái luôn là niềm hạnh phúc nhất. Trung tướng Trần Quyết cũng là người như thế. Khi đã về hưu, ngày hay tin người con trai được nhận quân hàm Thiếu tướng, ông thao thức không ngủ được. Người nhà thấy ông mặc bộ comple đẹp, đi đi lại lại có ý chờ con trai về sớm để chúc mừng. "Vậy mà - người con trai kể - Tôi cũng vô ý, mải vui quá, anh em đồng đội kéo đi tặng hoa, chúc tụng nên khi về nhà đã rất muộn. Nhưng khi nghe thấy cổng nhà mình có tiếng lạch xạch mở cửa, bố tôi đã đi từ tầng 2 xuống, ra tận cửa đón tôi, bắt tay chúc mừng. Tôi luống cuống, vì thấy ân hận vô cùng". Cũng may là hơn ba năm sau, khi được nhận quân hàm Trung tướng, người con trai có cơ hội chuộc lại "lỗi lầm".
Vợ anh kể lại: "Tháng 10/2009, vừa được nhận quyết định, anh ấy đã gọi điện báo cho tôi biết sẽ về nhà ngay để báo công với bố mẹ. Mặc nguyên quân phục, anh ấy chạy lên tầng hai, tặng bố mẹ bó hoa mà đồng chí Bộ trưởng vừa tặng anh. Anh đề nghị bố thay comple mặc bộ quân phục Trung tướng thuở nào để hai bố con cùng chụp ảnh. Bố chồng tôi có vẻ ngại thay, nhưng nể con, ông đã thay quân phục Trung tướng để chụp. Bức ảnh ấy rất đẹp, nhưng chồng tôi không công bố, chỉ giữ làm kỷ niệm…".
Khi thấy sức khoẻ đã yếu lắm, biết con trai lại hay đi công tác xa, Trung tướng Trần Quyết đã viết thư cho vợ chồng anh. Bức thư ngắn với dòng chữ nắn nót, dễ đọc. Ông dặn còn có mấy triệu bạc để trong góc tủ, bảo anh trích một ít gửi tặng thêm bà ngoại 100 tuổi và người dì ruột trên 70 tuổi đang sống ở Sơn La như lâu nay cả nhà thường chăm sóc, một ít để lại chăm sóc mẹ đang yếu, một ít nữa dành làm phần thưởng cho các cháu học giỏi. Ông còn dặn con dâu mỗi khi Tết đến nên duy trì tặng những người dân buôn bán cạnh nhà mình một gói quà... Vợ chồng anh cầm những đồng bạc nghĩa tình ấy, đọc những dòng chữ ấy như được tiếp thêm những bài học đạo lý từ người cha hiền hậu mà nghiêm khắc…
Bây giờ thì Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quyết đã đi xa. Nhiều bí mật của lực lượng Công an sẽ còn lưu lại ở những tập hồ sơ và rạng ngời trong sử sách, nhưng có nhiều bí mật riêng tư mãi mãi đi theo ông như lời nguyện ước. Nhưng ngôi nhà ông bà đã sống, mãi mãi ấm áp bởi ánh mắt ông bao dung và những kỷ niệm về ông sẽ còn kể mãi không dứt. Ông đã tạo nên một nếp nhà và sẽ cùng với bao nếp nhà khác lưu giữ và lan toả những tinh hoa truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND.
Theo Báo CAND
Sáng 26-3, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tuyên năm án tử hình, 11 án chung thân trong đường dây ma túy lớn của Nguyễn Văn Ðua và đồng bọn.
(HBĐT) - Chiều 25/3, tại Hội trường CA tỉnh, CA tỉnh đã tổ chức họp báo tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống CAND và 5 năm ngày hội toàn dân BVAN Tổ quốc, 60 năm ngày thành lập lực lượng CA xã.
17 năm chung sống, có với nhau hai mặt con, Trần Thị Kim Chi chẳng biết mấy về quá khứ của Đặng Văn Thuận và gia đình chồng. Chị chỉ biết mang máng quê chồng ở Hải Dương… Đến ngày 5/3, khi Đặng Văn Thuận bị Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Hải Dương (PC14) bắt giữ theo lệnh truy nã về hành vi mua bán phụ nữ, chị Chi chết lặng người…
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2010/NĐ-CP về huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông.
Sáng ngày 24-3, TAND TP Hà Tĩnh đã tuyên mức án phạt đối với 25 bị cáo trong vụ án đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự quan tâm của người dân Hà Tĩnh.
Hơn 20 năm nay, Hội Luật gia quận 4 (địa chỉ 65 Nguyễn Tất Thành, phường 13 quận 4) đã trở thành chỗ dựa tin cậy về mặt pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người nghèo.