Không chỉ dạy chữ để biết cái chữ góp phần nâng cao kiến thức, dạy luật để hiểu biết pháp luật, giảm tình trạng phạm tội, các cán bộ Trại giam Thanh Phong cũng đặc biệt chú ý đến việc dạy kỹ năng sống và tình hình đổi mới của đất nước.
Trại giam Thanh Phong đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã có 32 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Suốt những năm qua, Trại đã mở nhiều lớp học xóa mù chữ cho hàng trăm phạm nhân, đồng thời tổ chức phổ biến, giáo dục luật và làm lại giấy CMND cho các phạm nhân chuẩn bị mãn hạn tù. Việc làm đầy tính nhân văn đó khiến các phạm nhân rất biết ơn.
Phạm nhân tích cực lao động, học tập để hoàn lương.
Đồng chí Trương Văn Khải, Phó giám thị Trại giam Thanh Phong thật có lý khi cho rằng: "Phạm nhân là những người phạm tội trước pháp luật, còn chúng tôi được Nhà nước giao cho nhiệm vụ quản lý, cải tạo những tù nhân. Chúng tôi mong muốn môi trường nơi đây trở nên gần gũi, thân thiện. Cũng mong rằng các phạm nhân hợp tác với chúng tôi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, và làm tốt công tác cảm hóa đối với phạm nhân để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng".
Các cán bộ Trại giam Thanh Phong luôn tâm niệm rằng, muốn cải biến tư tưởng của phạm nhân, làm cho họ an tâm cải tạo, có niềm tin và hy vọng vào tương lai, trở thành người lao động lương thiện, có ích cho xã hội, vấn đề rất cơ bản, mang tính chất quyết định là phải ra sức làm tốt công tác giáo dục cải tạo. Giáo dục cải tạo là công việc mang tính khoa học và nghệ thuật, có nội dung rộng lớn, không chỉ đơn thuần là công việc lên lớp giảng giải, các hoạt động tuyên truyền, tác động giáo dục cá biệt... mà phải tạo nên môi trường mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó con người, sự vật và hiện tượng, tất cả đều tham gia giáo dục, trước hết là con người.
Cũng nhờ những biện pháp quản lý nhân văn, thân thiện nên đã tạo được không khí thi đua giữa các phạm nhân với nhau. Ai cải tạo tốt sẽ được đề nghị khoan hồng, xét đặc xá. Tất cả vườn tượng, cây cảnh, môi trường xanh-sạch-đẹp ở Trại giam Thanh Phong đều do phạm nhân được tổ chức làm. Thường ngày họ được hưởng môi trường đẹp và thân thiện đó.
Rất nhiều phạm nhân lớn tuổi, khi ở ngoài đời không được học hoặc học hành rất ít. Nhiều người mù chữ, ngay cả tên mình cũng không biết viết. Có một chuyện rất thú vị về một phạm nhân rằng, khi cậu ta phạm tội bị bắt và đưa vào Trại, cậu ta chẳng biết đọc, biết viết. Đến khi mãn hạn tù, trở về gia đình thì cha mẹ cậu ngạc nhiên, thấy cậu có khả năng đọc thông viết thạo. Họ mừng lắm. Đó là kết quả của sự nỗ lực bản thân phạm nhân và tâm huyết của những người thầy giáo trong lao tù. Phạm nhân đó chỉ là một ví dụ trong các lớp học của trại giam.
Cán bộ Trại giam Thanh Phong còn dạy luật và kỹ năng sống cho phạm nhân. Thầy giáo Nguyễn Văn Nhung - Đội trưởng Đội giáo dục cho biết: "Vào đây, nhiều người chưa hiểu gì về luật pháp. Chúng tôi dạy luật cho họ, để sau này khi mãn hạn tù, họ biết mà không phạm tội nữa. Chúng tôi làm về giáo dục, nên biết rằng rất nhiều người phạm tội rất... hồn nhiên. Đó là cứ tưởng làm như thế là không sai. Sự ngộ nhận đó khiến không ít người phải vào tù vì mù mờ luật pháp. Cho nên, dạy và học luật trong Trại giam là cực kỳ cần thiết".
Không chỉ dạy chữ để biết cái chữ góp phần nâng cao kiến thức, dạy luật để hiểu biết pháp luật, giảm tình trạng phạm tội, các cán bộ Trại giam Thanh Phong cũng đặc biệt chú ý đến việc dạy kỹ năng sống và tình hình đổi mới của đất nước. Đây là những bài học rất quan trọng đối với họ, bởi nhiều người sống trong trại giam đã lâu, không được trực tiếp tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không hiểu được những diễn biến của xã hội ngoài cánh cổng sắt. Cho nên, khi giảng viên lên lớp, tất cả phạm nhân chăm chú lắng nghe. Học kỹ năng sống, là để hiểu hơn về xã hội và để những người sắp mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng có thể hòa nhập tốt hơn.
Thượng tá Lê Văn Lưu, Giám thị Trại giam Thanh Phong - người trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trại, bệnh xá, nhà bếp của Trại diễn giải: "Để giúp các phạm nhân sắp mãn hạn tù và các phạm nhân được đặc xá tái hòa nhập với cộng đồng, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa mời các phòng chức năng tham gia giảng dạy, phối hợp với chính quyền địa phương các huyện - nơi có phạm nhân đến dự lễ khai giảng, bế giảng để họ gặp gỡ, động viên phạm nhân trước khi trở về địa phương".
Thực tế nhiều phạm nhân mãn hạn tù trở về đời thường, họ vừa mặc cảm vừa bị gây khó khăn. Việc mở các lớp kỹ năng sống, tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành hình phạt tù là việc làm nhân văn, cần thiết. Khi tham gia lớp học, phạm nhân có thêm nhiều kỹ năng để ứng xử, họ tự tin hơn khi làm việc và đứng trước người khác. Họ cũng có thêm kiến thức để tìm việc làm và phát huy thế mạnh của bản thân.
Từ năm 2008-2009, mỗi năm, Trại giam Thanh Phong tổ chức được 4 đến 6 lớp đầu ra cho hơn 1.000 phạm nhân sắp mãn hạn tù ở Trại Thanh Phong và 2 trại khác đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là Trại số 5 và Trại Thanh Lâm. Trong 12 ngày, các phạm nhân được học những bài hết sức cần thiết như: Những nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự; quyền lợi và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù; Luật Cư trú, Luật Phòng chống ma túy và tác hại của ma túy...
Ngoài ra, cán bộ Trại Thanh Phong còn tổ chức cấp lại giấy CMND cho phạm nhân bị hỏng hoặc thất lạc. Việc cấp lại giấy CMND cho phạm nhân không khác gì việc trả cho họ một cái tên trước khi vào đời. Ai cũng biết CMND là một loại giấy tờ rất quan trọng đối với mỗi người. Với các phạm nhân, trước khi phạm tội, tất cả đã có giấy tờ tùy thân này nhưng hầu hết đã thất lạc hoặc hư hỏng.
Sau khi được các cán bộ ở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính làm thủ tục cấp CMND, phạm nhân Phạm Thị Mạo hồ hởi: "Cháu vui vì xã hội còn nhiều người nghĩ cho bọn cháu. Được nghe các Ban giảng dạy, nói chuyện, đầu óc thấy sáng sủa ra. Và nếu mất CMND thì được cấp lại. Cháu thấy tự tin hơn rất nhiều và sẽ thực hiện tốt để sang năm ra tù, trở về làm lại cuộc đời".
Các phạm nhân đang được cải hóa trong môi trường nhân văn, họ có điều kiện để tiếp tục hành trang trong đời. Và trong hành trang đó (tất nhiên của những người có ý thức làm lại), họ có kỹ năng, có lưng vốn kiến thức, nên tự tin và nghĩ rằng, mình cần phải sống để chuộc lại những lỗi lầm khi hòa nhập cộng đồng
Theo Báo CAND
Hoàng Công Thìn, học sinh lớp 8B lấy trộm điện thoại và tiền của cô giáo, bị nhà trường bắt làm bản kiểm điểm và cho hạnh kiểm yếu. Để "trả đũa", chiều 3/4, lợi dụng lúc nhà trường vắng người, Thìn đã chui qua cửa sổ vào phòng thư viện và dùng xăng đốt rồi bỏ chạy.
Nguyễn Đình Thâu lập công ty từ năm 2008. Công việc chủ yếu của y khi lập công ty là vay người này rồi trả cho người kia cứ thế xoay vòng, tiêu xài hoang phí trong khi không thu được lãi từ việc kinh doanh nên nợ mẹ đẻ ra nợ con.
Nhận được đơn trình báo việc con gái mất tích của chị H., các trinh sát đã tổ chức rà soát, lên kế hoạch giải cứu cô bé tận Trùng Khánh (Trung Quốc). Nhưng khi sự việc sáng tỏ thì đó chỉ đơn thuần là do muốn gặp người yêu nên cô nữ sinh này đã tự bỏ nhà đi.
Lực lượng CAND quyết tâm đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện trong năm ASEAN 2010 ở Việt Nam, góp phần vào thành công chung, khẳng định sức mạnh và niềm tin mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó, qua đó tạo dấu ấn đậm nét về một nước Việt Nam đang lớn mạnh, năng động, thông thoáng, cởi mở nhưng chặt chẽ về an ninh, trật tự…
Bất ngờ được “đồng nghiệp cũ” liên lạc và cho xem “Biên bản bản bàn giao quản lý đất dự án" có con dấu và chữ ký của Phó Chủ tịch TP Hà Nội, anh Chí chuyển ngay cho Minh 200 triệu đồng để được thuê đất. Cho đến khi cơ quan Công an lật tẩy kịch bản lừa của Trần Văn Minh, ngoài số tiền trên, anh Chí còn "mất oan" khoảng 100 triệu đồng để chi cho việc thuê 2 máy ủi ngày đêm san đất tại khu đất của gã "chăn vịt trời" ấy...
Những vụ rò rỉ điện làm chết các học sinh tại TP HCM vừa qua, người dân chờ đợi một phản ứng tích cực từ phía các ngành có liên quan nhưng tất cả chỉ được đáp lại bằng những hành động nhằm "xoa dịu" và đùn đẩy trách nhiệm. Thời gian trôi qua, gia đình các nạn nhân đã vơi đi nỗi buồn nhưng trong tâm khảm của họ nỗi đau vẫn còn đó. Họ chờ tiếng nói "lương tâm, trách nhiệm" của những người có liên quan đến những cái chết của con cháu họ.