Vợ chồng ông Cẩn, bà Tính (bên phải) cùng các cựu sỹ quan bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí Bộ Chính trị tiền bối.

Vợ chồng ông Cẩn, bà Tính (bên phải) cùng các cựu sỹ quan bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí Bộ Chính trị tiền bối.

Từ năm 1967, sức khoẻ Bác Hồ đã giảm nhiều, bước chân đi không còn nhanh nhẹn như xưa; một lần cùng Bác Tôn xuất hiện trước đông đảo đồng bào, Bác Hồ bảo: "Để tôi nắm tay Cụ đi cho đỡ run, đồng bào khỏi thấy!". Câu nói ấy của Bác Hồ đã khiến anh em Cảnh vệ và những người chứng kiến trào nước mắt, một sĩ quan Cảnh vệ nhớ lại.

 

Sáng tháng Năm rộn rã nắng đẹp. Ông Nguyễn Ngọc Cẩn và bà Lưu Thị Tính lại cùng các cựu sĩ quan Cảnh vệ vào Lăng viếng Bác, thăm lại Nhà sàn và Khu Di tích Phủ Chủ tịch, nơi họ đã có những năm tháng được bảo vệ Bác Hồ. Ông Cẩn và bà Tính có lẽ là đôi vợ chồng duy nhất cùng là Cảnh vệ, cùng được bảo vệ, phục vụ Bác Hồ và các đồng chí Bộ Chính trị tiền bối.

Ông Nguyễn Ngọc Cẩn có thời gian 20 năm làm công tác Cảnh vệ, từng được bảo vệ, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sinh năm 1933 tại Mê Linh (Hà Nội), ông Cẩn tham gia cách mạng từ sớm rồi đi thanh niên xung phong lên Việt Bắc. Sau khi về tiếp quản Thủ đô, ông được tuyển vào Cảnh vệ từ năm 1955. Xúc động nhớ lại lần đầu được gặp Bác, ông kể: Hôm ấy, tôi cùng anh Hoàng Hữu Kháng (Cục trưởng Cục Cảnh vệ) đi vào Nhà sàn. Bên bờ ao cá, chúng tôi thấy Bác đang nói chuyện với các đồng chí Phan Mỹ (Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng) và Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị. Anh Kháng lên tiếng chào Bác và hai đồng chí lãnh đạo, tôi thì quá xúc động cứ đứng ngây người mất một lát mới cất được lời chào. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác, nhìn thấy Bác gần như vậy. Bác mặc bộ quần áo bà ba giản dị, chân đi đôi dép cao su quen thuộc từ những năm kháng chiến ở Việt Bắc. Bác hỏi anh Kháng: "Chú này là ai?”. Sau khi nghe anh Kháng báo cáo, Bác nhìn tôi tỏ ý hài lòng: "Trông chú nhanh nhẹn, hoạt bát. Chú cố gắng phấn đấu, làm việc cho tốt!". 

Ngày ấy, mỗi lần Bác đi công tác nước ngoài, anh em Cảnh vệ tiễn Bác ngay tại Nhà sàn, chỉ một số ít được tháp tùng Bác sang sân bay Gia Lâm. Chúng tôi thường đứng thành hàng bên Nhà sàn, bịn rịn từ biệt và chúc Bác thượng lộ bình an. Bác lần lượt bắt tay từng người. Bác luôn nhắc nhở những anh em trẻ phải học tập nâng cao trình độ... Tôi nhớ một lần Bác đi công tác ở Liên Xô; khi Bác trở về, chúng tôi tổ chức đón Bác tại Nhà sàn. Bác ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình của chúng tôi. Rồi Bác quay sang đồng chí lãnh đạo phòng là anh Nguyễn Tất Liêm, hỏi: Năm nay, chú có bố trí cho anh em nghỉ mát không? Anh Liêm báo cáo cụ thể với Bác, đơn vị đã bố trí cho anh em đi nghỉ mát, ai quê ở xa còn được kết hợp nghỉ phép... Bác tỏ ý hài lòng, rồi lấy quà chia cho chúng tôi.

Bảo vệ Bác Hồ thăm Đền Hùng năm 1962 (Ông Nguyễn Ngọc Cẩn ngồi thứ tư từ trái sang). Ảnh do ông Nguyễn Ngọc Cẩn cung cấp.

Một vinh dự lớn lao với ông Cẩn và bà Tính. Năm 1961, ông bà lập gia đình với nhau. Trong đám cưới của đôi trẻ, Hồ Chủ tịch do bận công tác đã ủy nhiệm người thư kí của mình là đồng chí Vũ Kỳ đến mừng. Ông Cẩn nhớ lại: Trước ngày làm đám cưới, tôi suy nghĩ mãi rồi quyết định mời Bác đến dự, chúc phúc cho chúng tôi. Hôm ấy, trên đường đưa Bác từ Phủ Chủ tịch về Nhà sàn, khi đi bộ tới ao cá, tôi mạnh dạn: "Thưa Bác, cháu sắp lập gia đình. Hai vợ chồng cháu kính mời Bác đến dự đám cưới ạ!". Bác nhìn tôi, đôi mắt Bác thật vui, rồi hỏi: "Vậy vợ chú là ai?”. Tôi trả lời: "Thưa Bác, vợ cháu là cô Tính, cũng là quân của anh Kháng ạ"...

Món quà cưới Bác Hồ dành cho vợ chồng ông Cẩn là một đôi hài nhung, mà mãi sau này hai ông bà mới biết đó chính là quà của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tặng Hồ Chủ tịch, để dùng giữ ấm đôi chân trong mùa đông.

Kỷ niệm khó phai mờ trong kí ức của vợ chồng ông Cẩn là tình cảm giữa Bác Hồ với Bác Tôn, hai vị lãnh tụ tiêu biểu cho đại đoàn kết dân tộc. Năm 1968, Bác Tôn tròn 80 tuổi, Bác Hồ đã đến chúc thọ người bạn già, ôm hôn thắm thiết và tặng Bác Tôn hai câu thơ:  "Càng già, chí khí càng dai/ Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn Già".

Những lần tiếp khách, đặc biệt là tiếp cán bộ, chiến sĩ Nam Bộ hay các cháu nhi đồng miền Nam, Bác Hồ đều nhắc bộ phận Văn phòng, Thư ký nhớ mời Bác Tôn cùng dự. Hình ảnh Bác Hồ, Bác Tôn tiếp và ôm hôn các đại biểu, dũng sĩ, các cháu nhi đồng là những thông điệp ấm áp, tràn đầy niềm tin vào khối đại đoàn kết dân tộc, vào thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Từ năm 1967, sức khoẻ Bác Hồ đã giảm nhiều, bước chân đi không còn nhanh nhẹn như xưa; một lần cùng Bác Tôn xuất hiện trước đông đảo đồng bào, Bác Hồ bảo: "Để tôi nắm tay Cụ đi cho đỡ run, đồng bào khỏi thấy!". Câu nói ấy của Bác Hồ đã khiến anh em Cảnh vệ và những người chứng kiến trào nước mắt, thương hai Bác vô cùng.

Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ (Xuân Quý Mão 1963). Ảnh: Tư liệu.

Ông Cẩn còn nhớ, Bác Tôn là người năng hoạt động, tập luyện thể thao, Bác rất thích đi xe đạp ra ngoại thành vào buổi sáng sớm. Về sau, anh em Cảnh vệ, bác sĩ lo ngại Bác Tôn tuổi đã cao, lỡ đi xe đạp mà bị ngã thì hậu quả khó lường. Anh em đề nghị Bác Tôn không đi xe đạp nữa, nhưng Bác cười hồn hậu: "Đạp xe để rèn luyện sức khỏe, đến ngày thống nhất đất nước còn có sức đi thăm đồng chí, đồng bào!". Nghe Bác Tôn nói vậy, anh em Cảnh vệ hiểu lòng Bác, nhưng vẫn rất lo lắng, bèn báo cáo với đồng chí Lê Hữu Lập, người phụ trách bộ phận thư ký văn phòng của Bác Hồ và Bác Tôn.

Ngày 2/9/1969, ông Cẩn đón Bác Tôn từ nhà riêng ở 35 Trần Phú (Hà Nội) vào nơi Bác Hồ nằm nghỉ trong một căn nhà phía sau Nhà sàn. Ông cũng là người chứng kiến giờ phút Bác Hồ lâm chung, có Bác Tôn và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đứng quanh giường bệnh. Những dòng nước mắt chảy dài và tiếng khóc thổn thức của những người đồng chí, người học trò xuất sắc của Bác; không ai kìm nén được lòng mình trước tổn thất lớn lao của cả dân tộc... Ngay trong ngày hôm ấy, ông Cẩn đã ghi lại những dòng cảm xúc của mình vào một cuốn sổ: "Bác ơi, Bác đi xa thật rồi ư? Nỗi đau này quá lớn với chúng con, những người lính Cảnh vệ từng được bảo vệ, phục vụ Bác"...

Trước lúc tạm biệt tôi, ông Cẩn lại tỉ mỉ gói ghém cẩn thận những cuốn sổ của mình và những bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ, vốn đã trở thành tài sản vô giá với gia đình ông. Tôi bắt chặt tay ông, đôi bàn tay ấm áp của người sĩ quan Cận vệ của Bác Hồ và Bác Tôn. Trong nắng tháng Năm rạng rỡ, mái tóc trắng như cước của ông bồng bềnh trên đôi mắt chứa đầy kỷ niệm.

                                                                                      Theo Báo CAND

Các tin khác


Tuyên án hàng loạt bị cáo mua bán người dưới 16 tuổi

Ngày 21/5, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án mua bán người dưới 16 tuổi, làm giả tài liệu của cơ quan và sử dụng tài liệu giả của cơ quan.

Huyện Lạc Thủy quyết liệt phòng, chống ma túy

Trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do đó, Công an huyện Lạc Thuỷ đã làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường tuần tra kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần thực hiện mục tiêu vì một cộng đồng sạch ma túy.

Tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng và an ninh

Thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 5/9/2019 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH), đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định về an ninh chính trị (ANCT), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn tỉnh.

Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục