Cây xăng Hoàng Xuân Lộc.

Cây xăng Hoàng Xuân Lộc.

Tập hợp ý kiến phản hồi từ bạn đọc, Báo Công an nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tố giác hành vi gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và quy định niêm yết công khai tại tất cả các cây xăng.

 

Việc Công an Hà Nội vừa khám phá, bắt quả tang cây xăng của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Xuân Lộc (47 Phạm Văn Đồng, Từ Liêm) gian lận với số lượng lớn đã thổi bùng lên bức xúc của người dân trước hiện tượng móc túi khách hàng trắng trợn của cây xăng này nói riêng và các cây xăng "chưa bị lộ" khác. Hành vi gian lận trên đã đặt ra câu hỏi, liệu sau đợt tổng kiểm tra cây xăng trên toàn quốc năm 2008, các chủ cây xăng đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định của cơ quan chức năng?

Điểm danh các thủ đoạn gian lận

Trước khi có công nghệ cấy chíp điện tử để gian lận thì hành vi gian lận tại các cây xăng được áp dụng bằng phương pháp thủ công khá đơn giản. Khi bóp cò bơm xăng cho khách, nhân viên bán xăng cố tình để lại một lượng xăng thừa trong vòi; hoặc bán nối, nghĩa là nhân viên bán xăng không về "mo" trước khi bơm xăng cho khách mà bơm xăng liên tục từ khách hàng này sang khách hàng khác khiến người mua không kiểm soát được. Một số cây xăng gian lận kiểu này thường đặt xô ở ngay chân cột bơm xăng để nhân viên bán hàng tiện tay nhả lượng xăng thừa từ vòi bơm vào.

Tại địa bàn Hà Nội, thủ đoạn gian lận, cấy chíp điện tử  để ăn bớt xăng của khách hàng được phát hiện lần đầu tiên từ năm 2004, chủ yếu xảy ra tại các cây xăng ở khu vực ngoại thành. Khi bán hàng, nhân viên chạm vào công tắc tắt - bật được đặt ở vị trí trên nóc cột bơm xăng. Đây chính là bộ phận điều khiển chíp điện tử đã được cấy vào bộ vi mạch nhằm điều chỉnh đồng hồ đo xăng sao cho các thông số trên mặt đồng hồ hiển thị đúng với số lượng xăng mà khách mua.

Vào thời điểm này, người tiêu dùng vốn chỉ biết đến thủ đoạn bớt xén thủ công như trên đã nêu. Vì vậy, đối với cây xăng có gắn chíp điện tử, khách hàng có cảm giác thiêu thiếu khi mua xăng nhưng không lý giải được vì đồng hồ luôn hiển thị khớp với số tiền mua.

Sau đợt kiểm tra này, hiện tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu những tưởng sẽ chấm dứt nhưng trái lại, "rút kinh nghiệm" việc lắp đặt, cấy chíp điện tử thô sơ và dễ bị phát hiện, các đối tượng đã có sự nghiên cứu và thay đổi thủ đoạn gian lận với hình thức ngày càng tinh vi hơn, tiếp tục gây ra bức xúc đối với người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2008 Bộ KH&CN đã chủ trì, hướng dẫn các địa phương trên toàn quốc tiến hành đợt thanh tra chuyên đề trên diện rộng để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu và gas.

Sau 4 tháng thanh tra, toàn quốc đã thanh tra được 4.441 cơ sở  kinh doanh xăng dầu và gas, trong đó có 3.890 cơ sở xăng dầu. Phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 797 cơ sở (trong đó có 643 cơ sở kinh doanh xăng dầu), chiếm tỷ lệ 17,9% với số tiền phạt trên 3,8 tỷ đồng. Kết quả thanh tra cho thấy, hình thức và hành vi vi phạm pháp luật về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu rất đa dạng, có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp và dai dẳng, việc vi phạm diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng về vi phạm đo lường, đã phát hiện và xử lý 560 lượt cơ sở vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Hành vi vi phạm chủ yếu là: Phương tiện đo chưa được kiểm định ban đầu đã đưa vào sử dụng; sử dụng phương tiện đo đã quá thời hạn kiểm định, có chứng chỉ rách nát, không có nguồn gốc rõ ràng dẫn đến phương tiện không đảm bảo về đo lường; tự ý phá niêm phong kẹp chì để hiệu chỉnh phương tiện đo lường theo hướng có lợi cho người bán; sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường do có sai số vượt quá cho phép.

Đặc biệt, đã phát hiện nhiều hành vi sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường do lắp thêm các thiết bị điều chỉnh sai số của phương tiện đo có lợi cho người bán. Điển hình như Gia Lai phát hiện 7 cơ sở gắn thêm bảng mạch điện tử, trong đó có trường hợp gây sai số tới 9,3%. Tại Đắk Lắk phát hiện được 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gian lận bằng cách sử dụng IC với mã số bí mật được cài đặt có thể điều khiển qua bàn phím cột bơm hoặc bằng cách đóng, ngắt công tắc điện gây sai số tới 5,6%. Cơ quan chức năng đã đề nghị rút giấy phép kinh doanh đối với 45 cây xăng có vi phạm, trong đó nhiều nhất là các địa phương Gia Lai (10 cây xăng), Nghệ An (9 cây xăng).

Phải ghi nhận sau đợt tổng kiểm tra trên, hành vi gian lận của các cây xăng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, vi phạm này chưa chấm dứt mà ngày càng tinh vi hơn. Vi phạm gian lận của các cây xăng không chỉ xảy ra đối với cây xăng tư nhân mà còn xảy ra ở cả cây xăng của các doanh nghiệp Nhà nước hoặc các doanh nghiệp Nhà nước đã chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Điển hình như ngày 23/10/2009, tại cây xăng số 7 ngõ 64 Kim Giang, Thanh Xuân do bà Nguyễn Thị Nga, nhân viên Công ty CP Chất đốt Hà Nội đang bán hàng, lực lượng QLTT Hà Nội đã bắt quả tang việc gắn chíp điện tử tại cột bơm xăng, làm sai số tới 5,5%.

Bảng mạch điện tử đã bị tác động, gắn chíp để gian lận.

Những bất cập trong xử lý vi phạm

Cũng sau đợt thanh tra trên, Tổng cục Đo lường chất lượng đã có Công văn số 1446/TĐC-ĐL hướng dẫn, nêu rõ các thủ đoạn trộm cắp xăng và yêu cầu các Chi cục Đo lường chất lượng, các tổ chức kiểm định phải hướng dẫn các cây xăng trên địa bàn của mình tiến hành niêm phong những điểm nhạy yếu cần thiết trên cột bơm xăng.

Thống kê của Thanh tra Bộ KH&CN, trong 6 tháng đầu năm 2010, đã thanh tra 1.068 cơ sở, phát hiện xử lý 66 cơ sở có vi phạm (chiếm 6,17%), chủ yếu là sử dụng cột đo nhiên liệu quá hạn kiểm định hoặc không đạt yêu cầu về đo lường. Duy nhất phát hiện 1 trường hợp tại Long An đã thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường để làm sai số phương tiện đo.

Đây là tín hiệu mừng, song dư luận đặt ra dấu hỏi qua các đợt kiểm tra, liệu cơ quan chức năng  đã phát hiện được hết những thủ đoạn gian lận hay chưa? Bằng chứng là vụ việc cây xăng DNTN Hoàng Xuân Lộc. Người dân sống xung quanh cây xăng này vô cùng bức xúc trước hiện tượng "móc túi" của chủ cây xăng, song không có bằng chứng cụ thể. Trong khi đó, rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã vào cây xăng này kiểm tra nhưng đều ra về tay không.

Trước khi vụ việc bị phanh phui, cuối tháng 5, đầu tháng 6/2010, cũng đã có một đoàn kiểm tra liên ngành vào làm việc. Theo lời khai nhận của nhân viên cây xăng tại cơ quan điều tra thì đoàn kiểm tra không hề mở buồng máy ra kiểm tra mà chỉ dùng phương pháp đo định lượng.

Đương nhiên thủ đoạn của chủ cây xăng rất tinh vi, khi có đoàn kiểm tra sẽ kéo tụt dây dẫn đấu nối từ cột bơm xăng xuống ống ngầm chôn dưới đất, chuyện gian lận tạm thời dừng, lúc bấy giờ cột xăng ấy lại đo đủ. Nhưng nếu đoàn kiểm tra này làm hết trách nhiệm và đúng quy trình hướng dẫn của Tổng cục Đo lường chất lượng, chắc chắn sẽ phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của cột bơm xăng gian lận này. Cơ quan Công an vốn không có chuyên môn vẫn phát hiện được, còn chính cơ quan có chuyên môn lại "không thấy gì"?!

Kiểm tra, xác định lượng xăng gian lận bằng dụng cụ chuẩn.

Dư luận nhân dân cũng rất bức xúc khi đến nay, ngoài vụ việc cây xăng Hoàng Xuân Lộc bị xử lý hình sự, còn lại những vi phạm khác chỉ xử lý hành chính, trong khi việc thu lợi bất chính là rất lớn. Hiện các cơ quan thực thi pháp luật vẫn đang lúng túng trong việc định tội danh, xác định thiệt hại, người bị hại... để làm căn cứ xử lý trong các vụ cây xăng gian lận.

Người thì cho rằng đây là tội lừa đảo, người cho rằng đây là tội trộm cắp tài sản của khách hàng hoặc lừa dối khách hàng; người lại cho rằng đây là tội tham ô tài sản.

Theo tìm hiểu của PV Báo Công an nhân dân, đối với tội lừa dối khách hàng (Điều 162 BLHS) quy định  xử lý hình sự nếu hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy thế nào là nghiêm trọng? Việc gây ra bức xúc dư luận xã hội đã đủ là nghiêm trọng hay chưa? Hay căn cứ trên quy định chung của BLHS, trị giá kinh tế đạt đến mức độ nào là nghiêm trọng, thì chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan làm luật.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu của Bộ Thương mại thì các đơn vị đầu mối xăng dầu phải có trách nhiệm đối với các đại lý của mình. Trên thực tế, việc này có được các doanh nghiệp, đại lý thực hiện hay không, hay doanh nghiệp chỉ mải thu lợi nhuận, còn việc bán hàng thế nào phó mặc cho đại lý?

Mặt khác, theo phản ánh từ một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối, việc kiểm tra và yêu cầu các đại lý thực hiện theo đúng yêu cầu của pháp luật, đặc biệt đối với các công ty và doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu cũng có những khó khăn. Đối với các đại lý (cây xăng) tư nhân, do không phải là cơ quan chủ quản mà chỉ là quan hệ khách hàng nên quy định của Chính phủ về quản lý các đại lý khó thực hiện được.

Tập hợp ý kiến phản hồi từ bạn đọc, Báo Công an nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tố giác hành vi gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và quy định niêm yết công khai tại tất cả các cây xăng. Trên mỗi cột bơm xăng dầu cần ghi rõ đường dây nóng để khách hàng tiện sử dụng khi cần.

Đồng tình với quan điểm này của Báo Công an nhân dân, Chánh Thanh tra Trần Minh Dũng nhận định: "Cây xăng nào làm ăn chân chính thì không ngại việc niêm yết này, còn cây xăng có hành vi gian lận thì chắc chắn cũng phải chột dạ".

                                                                                  Theo Báo CAND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Ảnh minh họa

Điều trần thất bại tại Hội đồng cạnh tranh: 19 doanh nghiệp bảo hiểm chịu phạt

Sau hai ngày làm việc, ngày 29-7, Hội đồng cạnh tranh đã công bố quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh mã số KNCT-HCCT-0009, liên quan đến 19 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tham gia ký thỏa thuận và điều khoản về biểu phí BH vật chất xe ô-tô.

Lò sản xuất huân huy chương giả bị triệt phá

Sau khi nhận lời chạy huân huy chương cho những nông dân nhẹ dạ, 4 người đàn ông đã tự làm giả hồ sơ, in giả huân huy chương để thu tiền.

Kho thuốc lá lậu cao cấp ở khu phố cổ

Ập vào kho hàng của bà Nga trên phố Hàng Mành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cảnh sát phát hiện hàng nghìn bao thuốc lá lậu cao cấp ngụy trang trong gian bếp 3m2.

Một việt kiều bị đánh dã man trước quán cơm Minh Đức

Lúc 19 giờ 30 ngày 30-7, ông Lê Văn Ngai (60 tuồi là việt kiều Hà Lan về đầu tư kinh doanh tại Việt nam) bị một nhóm bảo vệ đánh dã man trước quán cơm Minh Đức số 35 Tôn Thất Tùng phường Phạm Ngũ Lão quận 1 TPHCM.

Đánh giá kết quả hoạt động chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận - Công an tỉnh

(HBĐT) - Ngày 30/7, tại Công an tỉnh, BCĐ chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh uỷ và Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động chương trình phối hợp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm.

TP Hòa Bình: Trộm đột nhập lấy 30 cây vàng

(HBĐT) - Vào hồi 2h sáng ngày 30/7, tại tiệm vàng Nga Công (số nhà 170 Cù Chính Lan, TP Hòa Bình) đã bị kẻ trộm đột nhập lấy đi khoảng 30 lượng vàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục