Đồng chí Nguyễn Thanh tại một Hội nghị quốc tế ở Pháp (1996).
Cùng với học tập văn hóa, đồng chí Nguyễn Thanh còn hăng hái phát động phong trào "Tiến quân vào khoa học kỹ thuật" trong thanh niên Công an. Rồi phong trào viết đơn tình nguyện đi B, đoàn viên tập đeo gạch, đeo đá, tập leo rừng, leo núi, tập bơi cứ lan rộng trong thanh niên Công an.
Bác Nguyễn Thanh đi bộ ra tận con ngõ lầy lội chờ đón tôi, những hạt mưa li ti đậu trắng trên chiếc mũ len và trên mái tóc của bác. Thấy tôi rét mướt, bác cứ xuýt xoa. Bác Nguyễn Thanh năm nay đã bước sang tuổi 81 nhưng trí tuệ vẫn mẫn tiệp và cách trò chuyện của bác thật sôi nổi, trẻ trung. Bác bảo tôi, dù cuộc đời bác đã trải qua nhiều cương vị, làm những công việc khác nhau nhưng cái chất trẻ trung thanh niên thì vẫn như "thuở ban đầu" đầy lưu luyến, như một chất men thăng hoa làm thăng bằng cuộc sống vốn đầy lo toan. Mà tội gì không trẻ trung, sôi nổi. Nói rồi bác rộn ràng đọc hai câu thơ: "Soi gương thì thấy mình già. Soi lòng vẫn cảm thấy là thanh niên". 1. Cái "thuở ban đầu" của bác Nguyễn Thanh (tên thật là Trương Văn Hợp) chính là những năm tháng bác làm Bí thư đầu tiên của Đoàn Thanh niên Bộ Công an (1956 - 1959), Ủy viên Thường vụ Đoàn thanh niên cơ quan dân chính đảng, kiêm Bí thư Ban Cán sự đoàn các trường chuyên nghiệp thuộc đoàn cơ quan TW. Không phải ai sinh ra cũng làm được công tác đoàn, vì thật ra công việc này chẳng dễ chút nào, vừa đòi hỏi phải "thanh niên tính", lại vừa phải có nhiệt huyết, say mê, có óc sáng tạo, có khả năng quy tụ đoàn viên. Giờ nhớ lại những tối sinh hoạt đoàn với anh em, cùng anh em đoàn viên đi phong trào, bác Nguyễn Thanh vẫn thấy lòng dâng lên những cảm xúc thật trong trẻo.
Đồng chí Nguyễn Thanh đã trải qua nhiều cương vị trong lực lượng CAND: Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Bí thư Đảng ủy Bộ Công an. Năm 1987, đồng chí chuyển sang công tác tại Tổng cục Hải quan, giữ chức Phó Tổng cục trưởng Thường trực, Bí thư Đảng uỷ, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan. Đồng chí đã vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Bác xúc động kể: "Ngày đó chúng tôi đều còn trẻ, là thế hệ thanh niên được rèn luyện trưởng thành trong Cách mạng Tháng 8, đã hiểu thế nào là kháng chiến gian khó, có anh còn tham gia cách mạng từ thời kỳ bí mật khi mới 14, 15 tuổi. Chúng tôi ở tập thể và hầu hết đều là lính phòng không nên cuộc sống cứ nhẹ tênh, không ràng buộc. Cơ quan Bộ Công an hồi đó không đông, số lượng thanh niên đoàn viên không nhiều nhưng hoạt động của thanh niên rất hăng hái, thiết thực. Chúng tôi tham gia hầu hết các lĩnh vực công tác của cơ quan, từ hành chính, hậu cần đến nghiệp vụ trinh sát, khoa học kỹ thuật. Hồi đó cũng chưa có cán bộ đoàn chuyên trách, chúng tôi đều phải kiêm nhiệm, các hoạt động đoàn đều tranh thủ vào buổi tối. Tất cả chúng tôi đều làm tự nguyện, không có chế độ bồi dưỡng gì. Anh em hoạt động đoàn như một nhu cầu tự thân, thiếu vắng là không thể được".
Cũng theo lời tâm sự của bác Nguyễn Thanh, ngày đó đời sống vật chất tuy khó khăn nhưng phong trào thanh niên thì sôi nổi vô cùng. Đó là các phong trào đấu tranh chống tư tưởng "hòa bình nghỉ ngơi", chống biểu hiện "suy tính cá nhân", rồi phong trào "cảnh giác đề phòng đạn bọc đường".
Ngày nghỉ, Bí thư đoàn Nguyễn Thanh cùng với anh em đoàn viên xuống đường làm sạch đường phố, rồi về nông thôn đắp đê làm thủy lợi cho bà con. Một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an thời bấy giờ cũng xuống cùng tham gia phong trào với tuổi trẻ. Đồng chí Bí thư đoàn Nguyễn Thanh còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tọa đàm về lý tưởng thanh niên, về truyền thống cách mạng, về tấm gương của các đơn vị cá nhân điển hình. Nhiều hội nghị thanh niên tiên tiến do Bí thư Nguyễn Thanh tổ chức đã biểu dương những gương người tốt, việc tốt, có tác dụng động viên cổ vũ rất lớn.
Rồi bằng nhiều hình thức, Đoàn thanh niên Bộ Công an ngày đó đã vận động được phong trào học tập rất rầm rộ, đặc biệt là học tập văn hóa và ngoại ngữ. Số đông đoàn viên đều thoát ly đi kháng chiến, ít được học tập, nay đều khát khao học tập, tích cực tham gia các lớp bổ túc văn hóa vào các buổi tối và ngày chủ nhật. Bản thân đồng chí Nguyễn Thanh cũng miệt mài học tập, truyền say mê sang anh em đoàn viên.
Cùng với học tập văn hóa, đồng chí Nguyễn Thanh còn hăng hái phát động phong trào "Tiến quân vào khoa học kỹ thuật" trong thanh niên Công an để hưởng ứng phong trào này do Đoàn thanh niên cơ quan TW phát động. Rồi phong trào viết đơn tình nguyện đi B, đoàn viên tập đeo gạch, đeo đá, tập leo rừng, leo núi, tập bơi cứ lan rộng trong thanh niên Công an.
Bác Nguyễn Thanh kể, thời kỳ đó, Đoàn Bộ Công an là một đoàn mạnh của Đoàn Thanh niên các cơ quan TW, tham gia đóng góp nhiều vào hoạt động Đoàn cơ quan TW. Là một Bí thư, lúc nào bác cũng cảm thấy mình cần phải cống hiến không ngừng nghỉ, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Là con chim chiếc lá thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh".
Nhiều lần Đoàn được Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Bộ Công an đến thăm, nói chuyện và động viên. Đó mãi mãi là những kỷ niệm tuyệt đẹp trong cuộc đời của vị Bí thư đoàn đầu tiên của Đoàn Thanh niên, Bộ Công an…
2. Ngừng câu chuyện, bác Nguyễn Thanh rót cho tôi một chén nước trà ngọt dịu. Lúc này tôi mới để ý gian phòng làm việc của bác, để ý khung cảnh quanh ngôi nhà nhỏ có cái gì đó thật ấm cúng. Ngoài ô cửa sổ kia, hoa lan, hoa quế leo lên tường um tùm xanh mướt, những chậu hoa cảnh chen chúc, lá hoa ríu rít trên khoảng sân bé nhỏ đầy sức sống của thiên nhiên. Còn trong này, sách vở, câu đối cũng đầy chật gian phòng nhỏ.
Bác Nguyễn Thanh sôi nổi: "Bác làm việc một ngày không có giờ, một tuần không có chủ nhật nhưng nếu cần thì ngày nào cũng có thể nghỉ ngơi". Cái chất trẻ trung, lạc quan sôi nổi tràn trề ở một người đã ngoài 80 tuổi như ở bác Nguyễn Thanh có lẽ là hiếm gặp. Sôi nổi nhưng tôi cảm nhận ở bác lại là một đời sống nội tâm phong phú, giàu ý tưởng, sống giản dị, chân thành, bằng lòng với những gì mình có, không quan trọng tiền bạc nhưng lại hào sảng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trong thẳm sâu con người này còn là một tình yêu tha thiết dành cho công việc, luôn sáng tạo, khát khao cái mới.
Những năm tháng phục vụ trong lực lượng CAND, bác Nguyễn Thanh được cấp trên tin tưởng giao làm thư ký cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, sau đó phụ trách Văn phòng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Bác là lão thành cách mạng, với huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, là những "thế hệ vàng" đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho Đảng, cho ngành Công an và cách mạng không đòi quyền lợi cho riêng mình.
Bác Nguyễn Thanh tâm sự tiếp: "Được giao công việc gì tôi cũng làm với trách nhiệm cao nhất, bởi lẽ tôi và các thế hệ cùng thời đều trưởng thành và được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 16 tuổi tôi đã vào ngành Công an. Người đưa tôi vào ngành Công an chính là đồng chí Trần Đăng Ninh. Những năm 1943 đến sau Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, gia đình tôi ở Cổ Loa (Đông Anh) là cơ sở che giấu và nuôi dưỡng một số đồng chí cán bộ của TW và Xứ ủy Bắc Kỳ. Thời kỳ này anh Ninh ốm nặng, thương lắm, trên người đủ thứ bệnh, có lần anh ốm nặng đến mức tưởng không qua khỏi. Bọn lính tuần tra, lính dõng sinh nghi hay cử mật thám đến nhà tôi dò la. Tôi và em ruột của mình là Trương Văn Hòa lúc đó mới 9, 10 tuổi đã có ý thức giữ bí mật. Nhà tôi nghèo, chắt chiu từng quả trứng gà để cho anh Ninh tẩm bổ. Cái chái phía sau nhà tôi là nơi anh hay ra đó làm việc, cũng là nơi anh cùng các anh khác nói chuyện và bàn bạc công việc. Anh đã giảng giải cho chúng tôi hiểu thế nào là dân tộc, là độc lập, là nô lệ, thế nào là nhân dân, là kẻ thù, là cách mạng. 15 tuổi đầu, tôi đã được anh giảng giải những bước của công tác điều tra cách mạng gồm: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh và dặn dò nhiều về cách giữ bí mật. Như một ngọn lửa nhỏ âm ỉ cháy, tất cả những "bài học đầu tiên" đó đã thấm sâu vào máu của tôi và biến thành lẽ sống lúc nào không hay. Vì thế khi được anh Ninh giới thiệu sang công tác, giúp việc cho đồng chí Trần Quốc Hoàn ở 16 Nguyễn Thượng Hiền (lúc đó Bộ trưởng là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ), tôi đã đinh ninh sắt son một điều rằng, sẽ hết lòng vì công việc, mang hết sức mình phụng sự lý tưởng của Đảng, của cách mạng. Sau này, trở thành CBCS Công an, rồi cán bộ của lực lượng Hải quan, tôi vẫn vẹn nguyên một niềm tin từ những ngày đầu được giác ngộ đó".
Nói câu chuyện đến đây, đôi mắt bác Nguyễn Thanh bỗng rưng rưng lệ, giọng nói trầm lại như một thanh âm ùa về từ ký ức xa vắng. Bác lấy một chiếc hộp giấy đã cũ, giở cho tôi xem những tấm ảnh bác chụp chung với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, rồi cả những bức ảnh Bộ trưởng chụp với đồng nghiệp, với các đồng chí lãnh đạo, Bộ trưởng tặng bác. Nhìn những kỷ vật của vị Bộ trưởng thân thương đó, tôi thấy xúc động vô cùng.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và đồng chí Nguyễn Thanh (người cầm hoa) đến thăm và chúc mừng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (1985). |
Có lẽ trong số những thư ký riêng của mình thì bác Nguyễn Thanh được Bộ trưởng dành cho tình cảm mến thương nhất. Bác bảo tôi, cuộc đời Bộ trưởng đã thắp ngọn lửa nhiệt huyết vốn âm ỉ cháy trong Nguyễn Thanh từ ngày bác còn thanh niên. Trong những ngày làm công tác đoàn, bác Nguyễn Thanh luôn nhớ đến những "bài học nho nhỏ" của Bộ trưởng. Đó là bài học "học tập, rèn luyện để làm mọi việc mà cách mạng yêu cầu", học mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách, học ở mọi người. Bộ trưởng rất tâm đắc một câu nói của Các Mác: "Sự dốt nát không có tội, đó là bi kịch của lịch sử, quyền lực cũng không có tội mà còn là cần thiết, nhưng nếu dốt nát cộng với quyền lực thì như thuốc súng cộng với lửa, sẽ rất tai hại, sẽ cực kỳ nguy hiểm".
Là bài học "coi trọng cải tiến cách làm việc, đề cao sáng tạo, chống bảo thủ, giáo điều" của Bộ trưởng. Bộ trưởng nhiều lần nói với đồng chí thư ký riêng của mình rằng, làm công tác đoàn hay làm bất cứ công việc gì cũng cần phải có phương pháp làm việc, phương pháp công tác và phương pháp lãnh đạo. Bộ trưởng còn thường nói với bác Nguyễn Thanh rằng, "Công an phải là người thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi"… Câu nói như một sự chiêm nghiệm, triết lý sâu sắc đó của Bộ trưởng trong nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống đã trở thành triết lý sống đối với đồng chí Nguyễn Thanh…
Rồi vẫn chất lạc quan sôi nổi, bác Nguyễn Thanh thủng thẳng ngâm câu thơ trong bài thơ Vườn nhỏ của người bạn đời: "Góc sân nhà là mảnh vườn bé nhỏ. Thư giãn mùa hè ngồi đó ngắm cây. Hoa ngọc lan trinh trắng tỏa ngất ngây. Thơm dịu dàng từng chùm dây thiên lý…". Ngoài ô cửa kia, hoa lá vẫn ríu ran đan vào nhau dưới trời mưa…
Theo Báo CAND
Theo đó, mức độ nguy hiểm được tăng từ mức 4 lên mức 5 trên thang cảnh báo từ 1 tới 8.
Lợi dụng lúc đoạn đường vắng, 2 vị khách ngồi ghế sau chồm lên kẹp cổ rút hung khí khống chế và đâm vào vai trái anh Tiến - lái xe taxi. Trong lúc nguy cấp, anh Tiến liều mình, đạp bung cửa xe lao ra ngoài và tri hô rồi cùng người dân truy đuổi, bắt gọn một trong hai đối tượng nói trên.
(HBĐT) - Theo kế hoạch, bầu cử Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp sẽ diễn ra vào ngày chủ nhật 22/5/2011. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn của đất nước, diễn ra trong bối cảnh cả nước đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Nguyễn Quốc Hưng với danh nghĩa cán bộ phòng tài nguyên môi trường, cùng vợ dùng các “sổ đỏ” giả để bán đất ảo lừa gần chục tỉ đồng của bị hại.
Chiều 17-3, lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung đã công bố và tiến hành kỷ luật hàng loạt lãnh đạo của Công ty khai thác Khu bay Đà Nẵng (CTKTKBĐN) vì sai phạm trong quá trình quản lý nhà nước, gây thất thoát tài sản của đơn vị hàng trăm triệu đồng.
Cảnh sát đang truy tìm Lê Thị Huệ - ôsin ôm 300 triệu đồng bỏ trốn sau khi làm giả giấy tờ bán căn nhà hơn 70m2 của gia chủ.