Cẩn trọng phân tích từng từ, từng chữ trong cách sử dụng ngôn từ qua các tin nhắn đe dọa các chủ tiệm vàng, các điều tra viên nhận thấy các chữ i đã được thay thế bằng chữ j, đây là cách viết thường thấy của những thanh niên thuộc thế hệ 8X và 9X. Những chữ tiếng Việt viết sai lỗi chính tả như n và l, càng cho thấy tên này có trình độ ở mức bình thường, nếu không nói là thấp.

 

Khi điều tra các vụ đe dọa cưỡng đoạt tài sản, điều tra viên cần đặc biệt chú ý đến nội dung các đoạn tin nhắn gửi đến, Trung tá Đỗ Tuấn Anh, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Yên Bái (Yên Bái) chia sẻ: Các tin nhắn này thường tồn tại dưới nhiều dạng, được chuyển đến người bị hại bằng nhiều con đường khác nhau như gửi qua điện thoại, qua email (thư điện tử); qua bưu điện hoặc bằng các cuộc điện thoại trực tiếp… Những đoạn tin nhắn đó luôn chứa đựng rất nhiều thông tin, phục vụ đắc lực cho việc phá án. Đơn cử như ở vụ dùng mìn tống tiền 5 chủ tiệm vàng xảy ra tại TP Yên Bái, từ việc nghiên cứu nội dung các đoạn tin nhắn và hiện trường vụ án, chúng tôi đã sớm đưa ra các nhận định và đánh giá đúng về đối tượng, từ đó có thể khoanh vùng và cuối cùng là áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phá án.


Từ nội dung tin nhắn, khoanh vùng đối tượng gây án

Vụ nổ mìn, đe dọa tống tiền 500 triệu đồng, xảy ra lúc 7h ngày 22/3, tại tiệm vàng Hùng Tâm, ở tổ 42 phường Minh Tân, TP Yên Bái. Ngay khi nhận tin báo của gia đình người bị hại, Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an thành phố đã có mặt tại hiện trường, khẩn trương thu thập các dấu vết.

Đây là bước đầu tiên, đặc biệt quan trọng trong quá trình phá án, Trung tá Tuấn Anh chia sẻ: Nếu việc khám nghiệm hiện trường càng sớm, tiến hành tỷ mỷ bao nhiêu thì các dấu vết thu được càng có giá trị bấy nhiêu.

Tại nơi xảy ra vụ án, Đội CSĐT tội phạm về TTXH thu giữ được toàn bộ tang vật, đối tượng dùng để gây nổ, đây là vật chứng giúp họ có những nhận định ban đầu về đối tượng gây án. Đi sâu nghiên cứu các thiết bị nổ, các điều tra viên đã có những nhận định chính xác và điều này được chứng minh khi vụ án được làm sáng tỏ: Kẻ dùng mìn đe dọa tống tiền 5 chủ tiệm vàng có sự hiểu biết về kỹ thuật điện, tên này đã được đào tạo cơ bản ở các trường dạy nghề.

Thông đang khai nhận với cơ quan điều tra.

Thủ đoạn của hắn là dùng một quả trứng, bỏ lòng đỏ, phơi khô để lấy phần vỏ trứng. Tiếp đó, đối tượng đổ bê tông bao quanh bên ngoài vỏ trứng và đặt nó vào trong lòng một lon bia Heniken. Bộ phận kích nổ được đấu nối với dây tóc của bóng đèn gắn với các cục pin khô, cơ chế nổ được đấu nối như dạng công tắc của một chiếc bút bi… Sự kỳ công này cho thấy đối tượng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và rắp tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng.

Cùng với việc nghiên cứu hiện trường, các điều tra viên cũng đặc biệt chú ý đến nội dung các đoạn tin nhắn gửi đến đe dọa tống tiền các chủ cửa hàng vàng. Các tin nhắn này được gửi vào điện thoại của 4 chủ cửa kinh doanh vàng bạc, sử dụng máy di động. Riêng trường hợp của tiệm vàng Hùng Tâm, đối tượng đã gọi điện thoại trực tiếp đến nhà đe dọa…

Từ những căn cứ thu thập được, điều tra viên Tuấn Anh và các cộng sự đi đến một nhận định rất quan trọng, góp phần khoanh vùng đối tượng gây án: Kẻ thủ ác không có mối quan hệ quen biết với chủ các tiệm vàng, đối tượng này căn cứ vào các số điện thoại ghi trên các biển hiệu để nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa, gây tâm lý hoang mang cho các chủ cửa hàng, buộc họ phải đáp ứng yêu cầu của bọn chúng.

Cẩn trọng phân tích từng từ, từng chữ trong cách sử dụng ngôn từ qua các tin nhắn đe dọa, các điều tra viên nhận thấy các chữ i đã được thay thế bằng chữ J, đây là cách viết thường thấy của những thanh niên có tuổi đời còn trẻ, thuộc thế hệ 8X và 9X. Những chữ tiếng Việt viết sai lỗi chính tả như n và l, càng cho thấy tên này có trình độ văn hóa ở mức bình thường, nếu không nói là thấp.

Công cụ gây án của đối tượng Thông.

Một điểm đặc biệt quan trọng mà các điều tra viên cũng đặc biệt lưu tâm, đó là tâm lý của người bị hại. Trong khi tổ chức phá án, cần phải làm tốt công tác tâm lý với nạn nhân và gia đình họ. Thông thường ở các vụ án có thủ đoạn tương tự như trên, các nạn nhân đều rơi vào trạng thái hoảng loạn và sợ hãi cực độ. Vì thế, điều tra viên bên cạnh việc động viên người bị hại và các thành viên trong gia đình còn phải làm tốt công tác tâm lý, có những hoạt động nghiệp vụ, giúp người bị hại cảm thấy họ và gia đình đang được bảo vệ an toàn. Khi đó, họ sẽ phối hợp với cơ quan điều tra tích cực hơn, trong việc phá án.

Trong vụ đe dọa tống tiền tại các cửa hiệu vàng, với sự vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, chiều 27/3, Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Yên Bái (Yên Bái) đã bắt Đinh Đăng Thông (27 tuổi, trú tại thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), kẻ gây ra hàng loạt vụ dùng mìn, tống tiền các chủ tiệm vàng trên địa bàn. Trước đây, Thông từng theo học chuyên ngành điện tại trường trung cấp nghề của tỉnh Yên Bái. Thời gian gần đây vì túng tiền tiêu xài, Thông đã nghĩ đến thủ đoạn tống tiền chủ các cửa hàng vàng…

Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, Thông đã dùng các sim điện thoại khuyến mại, không đăng ký với các cơ sở bán hàng, sau đó liên tục nhắn tin, đe dọa người bị hại. Trong các lần gọi điện thoại cố định tống tiền chủ tiệm vàng Hùng Tâm, Thông đã dùng bộ chuyển giọng, biến thành giọng con gái để đe dọa gia đình nạn nhân. Theo lời khai của Thông thì hắn nghĩ rằng các chủ tiệm vàng có điều kiện về kinh tế, có thể đòi được tiền…

Khoảng 23h ngày 22/3, Thông đi xe đạp đến cửa hàng vàng Hùng Tâm, sau đó lấy các công cụ nổ mìn đã chuẩn bị trước đó đặt trước cửa hiệu vàng và kích hoạt cho nổ, nhằm đe dọa gây tâm lý hoang mang, hoảng loạn, buộc người bị hại phải đưa tiền…

Sự an nguy của người bị hại cần phải đặt lên hàng đầu

Đây là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất các điều tra viên phải thực hiện, khi tiến hành điều tra các vụ đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, Đại tá Đỗ Văn Khách, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) - Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Thực tế hiện nay cho thấy, thủ đoạn tống tiền của đối tượng gây án rất đa dạng: dùng bom thư, dùng video clip hoặc các bí mật đời tư để khống chế… Trong các vụ án này, giữa người bị hại và đối tượng thường có sự quen biết nhau từ trước.

Nhiều vụ án diễn ra trong thời gian dài, nhưng người bị hại vì lo sợ bị lộ bí mật đời tư hoặc ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp, tính mạng đã buộc phải làm theo yêu cầu của những kẻ đe dọa tống tiền. Khi đã được một lần thì các đối tượng lại tiếp tục bòn rút…chỉ khi không đáp ứng được yêu cầu của bọn chúng, người bị hại mới đến cơ quan Công an trình báo. Vì thế, ngoài nội dung đơn tố cáo của các nạn nhân, các trinh sát cũng phải chủ động nắm chắc địa bàn, nhân thân của đối tượng nghi vấn, di biến động, thói quen của hắn để lựa chọn thời điểm phá án thích hợp.

Trở lại vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra ngày 18/1 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Đối tượng gây án là Bùi Văn Minh (24 tuổi, hiện đang tạm trú tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội), từng có quan hệ tình cảm với nạn nhân H.. Quê gốc ở Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa nhưng tên này đã bỏ nhà ra Hà Nội sinh sống từ nhiều năm nay, có thời gian làm thuê tại xưởng sản xuất của gia đình chị H. Vụ đe dọa cưỡng đoạt tiền này bắt nguồn từ mối quan hệ tình cảm giữa Minh với bà chủ H..

Trong quá trình làm việc và sinh sống giữa Minh và chị H. đã nảy sinh những tình cảm trên mức bình thường. Mặc dù biết mối quan hệ này thật đáng chê trách nhưng Minh vẫn không kiềm chế được tình cảm của anh ta và một phần khác là vì Minh cũng muốn lợi dụng chị H. để có tiền chi tiêu. Mối quan hệ đó được cả hai giữ kín cho đến khi Minh bị chồng chị H. đuổi ra khỏi nhà. Thế nhưng, cả hai vẫn lén nhắn tin qua lại với nhau. Chị H. đã nhiều lần gửi cho Minh vay tổng cộng 10 triệu đồng. Vì túng tiền tiêu xài, Minh vốn là kẻ lười lao động, lại quen tiêu xài nên nảy ý định "tống tình" chị H.… Minh đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện thoại cho chị H., yêu cầu chị phải cho "vay" tiền nhưng chị H. đã tìm cách khất lần.

Để chiếm đoạt tiền của người bị hại, tên này gửi tin nhắn đe dọa sẽ sát hại những người thân trong gia đình chị H., nếu yêu cầu không được đáp ứng. Khi tiếp nhận tin trình báo của người bị hại, Công an quận Hoàng Mai đã tính toán, cân nhắc, lựa chọn thời điểm bắt, địa điểm bắt, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ công tác, nhằm đảm bảo bắt đúng, bắt trúng đối tượng mà vẫn đảm bảo an toàn tính mạng của người bị hại. Nhờ sự vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, họ đã phá án thành công…

Thực tế cho thấy, khi thực hiện các vụ đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, đối tượng gây án luôn ở trong tình trạng "cố cùng liều thân" vì thế chúng vô cùng liều lĩnh. Chỉ một chút sai lầm của lực lượng nghiệp vụ cũng có thể phải trả một cái giá rất đắt. Trong khi đó, đối tượng ở trong bóng tối, ta ở ngoài sáng… vì thế việc giữ bí mật quá trình điều tra cũng cần đặc biệt lưu tâm. Đặc biệt là với các trường hợp, người bị hại đã xác định được đối tượng tống tiền. Ở những trường hợp này các đối tượng đã có quan hệ quen biết với nạn nhân, chúng nắm được điểm yếu của họ để dễ dàng lợi dụng tống tiền.

Trong các vụ việc này, cơ quan điều tra có thể gặp trở ngại ngay từ phía người bị hại. Rất nhiều người khi bị đối tượng đe dọa, khống chế thì có tâm lý hoang mang vội vã đến cơ quan Công an trình báo, nhưng khi phải tường thuật lại đời tư, thì có phần e ngại, không khai toàn bộ sự thật. Vì thế, điều tra viên nếu gặp các trường hợp tương tự, cần phải đảm bảo giữ bí mật thông tin đời tư cho nạn nhân, giúp họ tĩnh tâm từ đó có thể bình tĩnh làm theo các yêu cầu của cơ quan điều tra. Chính sự phối hợp nhịp nhàng của họ là điều kiện quan trọng giúp cơ quan Công an dễ dàng thực hiện các "trò chơi nghiệp vụ" phá án thành công.

 

                                                                          Theo Báo CAND


 

Các tin khác


Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xử phạt hành chính nhóm người tập yoga, chụp ảnh giữa đường

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 18/5, UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Công an xã Kim Bôi: Bám địa bàn, giữ ổn định an ninh trật tự ở cơ sở

Xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, dân số đông, trước đây xã nổi lên các vấn đề liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT). Để làm tốt công tác ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, UBND xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Xã Đồng Tân: Vững vàng thế trận an ninh

Xã Đồng Tân (Mai Châu) nằm trên quốc lộ 6, tiếp giáp với 5 xã của huyện Mai Châu và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xã có tổng diện tích 39,09km2, 2.694 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm, dân cư phân bố rải rác, không tập trung. Nhờ lợi thế địa hình, Đồng Tân có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, kết nối khu vực hình thành các chuỗi liên kết, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng đã tạo ổn định chính trị và tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục