Với tuổi 14-15, bị cáo không thể lý giải được sai phạm của mình, càng không biết hành vi ấy là vi phạm pháp luật. Thế nên, 3 năm tù là cái giá đắt cho cú vấp ngã đầu đời của bị cáo
Tôi tình cờ gặp mẹ con em bên hành lang phòng xử án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ em là con em của những người làm việc ở tòa án vì em mặc đồng phục học sinh, gương mặt trẻ thơ, hiền lành, vóc người nhỏ bé. Cho đến khi nghe người cảnh sát hỏi chuyện, tôi mới biết em đến tòa với tư cách là bị cáo, bị xét xử bởi hành vi hiếp dâm trẻ em.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Một lần học làm... người lớn
Không thật dễ dàng để mẹ con em mở lòng tâm sự với một người xa lạ như tôi. Nhưng một khi đã nói ra được những âu lo, phấp phỏng trong lòng, họ lại không giấu giếm điều gì. “Cô ơi, hồi sáng, mẹ dắt con vô đây, con cứ tưởng mẹ đưa con vô... chùa vì ở đây cây cối um tùm, tường sơn vàng lại có nhiều tượng, phù điêu. Sao tòa án lại có nhiều tượng vậy cô? Họ thờ ai?’’. Đưa mắt nhìn quanh một cách lạ lẫm, em hỏi tôi. Câu hỏi ngây thơ của một đứa trẻ thường làm người lớn phì cười vậy mà sao tôi lại thấy xót xa đến lạ. Em là bị cáo. Và chỉ mới gần 15 tuổi, đang học lớp 10. Mấy tháng trước, khi vừa thi xong lớp 9, mẹ cho em ra thị xã Tây Ninh ở trọ cùng chị học hè. Chỉ mới 2 ngày xa nhà, đã xảy ra chuyện...
“Vì sao con làm vậy? Có phải bắt chước phim ảnh hay net “đen” không?” - tôi hỏi. Em cúi đầu, lí nhí: “Con không coi. Nhưng mà... Con cũng không biết vì sao nữa...”. “Cháu nó không biết làm vậy là ở tù đâu cô. Con bé 4 tuổi ở gần nhà trọ, thường hay qua chơi với mấy đứa học sinh. May mà giám định cho thấy con bé không bị gì cả, nếu không thì ân hận cả đời” - mẹ em tiếp lời. Bà có 4 đứa con, em là con trai duy nhất và là con út.
“Vợ chồng tôi quan niệm mình không giàu có nên cố gắng cho con cái chữ để làm vốn. Cũng may, mấy đứa nhỏ đều chịu học, đứa là sinh viên đại học kinh tế, đứa là học sinh giỏi toán lớp 12, còn cháu là học sinh giỏi suốt 9 năm liền. Ngày đi thi học kỳ 2 năm lớp 9, cháu bị đau ruột thừa nhưng giấu ba mẹ, gắng gượng đi thi. Thấy con sốt, tôi hỏi, cháu nói không sao. Đến chiều thi xong, dọc đường đi bộ về nhà, cháu phải ngồi nghỉ nhiều lần vì đau quá. Tôi đưa cháu đi bệnh viện, bác sĩ bắt mổ luôn. Đó, như sáng giờ lên đây, cháu cứ than mất một buổi học...”.
Bà nhìn con âu yếm rồi kể tiếp: “Ở nhà việc gì cũng được mẹ và các chị lo, cơm bưng nước rót. Vậy chớ ra đường, cháu hay giúp đỡ bạn bè và người khác lắm. Có lần đến giờ tan học mà cháu chưa về, cả nhà dáo dác đi tìm, thấy cháu mồ hôi nhễ nhại đi về. Hỏi ra mới biết, cháu thấy một cụ già ngồi xe lăn đẩy đi khó nhọc nên đưa giúp ông cụ về tận nhà”.
Mong được tiếp tục đi học
Ngồi nghe chúng tôi trò chuyện, bỗng em nhìn vào bên trong phiên tòa đang xét xử một vụ án giết người rồi nói: “Mấy người đó giết người, cướp giật không hà. Mai mốt con phải vào đó ở cùng với họ sao mẹ?”. Nụ cười tắt trên môi người mẹ, bà quay đi giấu giọt nước mắt đang chực trào ra. Tôi an ủi: “Con còn nhỏ, có lẽ sẽ vào trường giáo dưỡng hoặc sẽ ở riêng với những người phạm tội trạc tuổi con. Chắc là không sao đâu. Nhưng mà từ bây giờ, con cố gắng ăn uống cho có sức khỏe để vượt qua...”. Nói đến đó, sống mũi tôi tự nhiên cay cay. Thể trạng nhỏ bé, ốm yếu như em, nếu chẳng may phải thi hành án ngay, việc học dang dở đã đành, sức khỏe em liệu có chịu nổi...?
“Hồi nãy vô toa-lét, thấy có chú công an đi vô, cháu sợ bị bắt giam nên chạy ra, không đi nữa. Từ sau khi xảy ra vụ án, cháu ốm hẳn đi vì lo sợ nên ăn ngủ không được. Hôm nay tòa xử, tối qua cháu trằn trọc không ngủ đến 3 giờ sáng hai mẹ con dậy để ra bến xe...” - mẹ em lại thở dài. Sau khi xảy ra vụ án, ba mẹ, bà ngoại em đã đến gia đình người bị hại thăm hỏi, xin lỗi, đặt vấn đề bồi thường đồng thời xin được bãi nại.
Tuy nhiên, gia đình người bị hại nhất quyết không đồng ý. Họ mong muốn tòa xét xử theo pháp luật mới có tác dụng răn đe, giáo dục bị cáo. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt em 3 năm tù. Gia đình người bị hại kháng cáo đòi tăng hình phạt, mẹ em - đại diện hợp pháp của bị cáo - kháng cáo xin được hưởng án treo để em tiếp tục học hành.
“Con tôi làm sai ắt phải bị pháp luật trừng phạt. Chúng tôi nói với cháu, ai cũng có lúc phạm sai lầm và phải trả giá. Quan trọng là biết sai và làm lại cuộc đời. Tuổi của con còn trẻ, tất cả cũng chỉ mới bắt đầu. Đừng vì mặc cảm có tội mà phó mặc đời mình. Vấp ngã thì phải đứng dậy, không được phép lùi bước, nản chí. Cuộc đời khắc nghiệt nhưng không đóng cửa với những ai cố gắng đến cùng. Chúng tôi cố gắng giúp con đối diện với sự thật. Nhưng làm cha mẹ, chúng tôi vẫn mong muốn con được hưởng án treo hoặc hoãn thi hành án để học xong lớp 12, có tấm bằng phổ thông... Nếu bây giờ mà bắt cháu ở tù ngay, kiến thức sẽ bị quên hết...” - mẹ em nói.
HĐXX gọi tên em. Hai mẹ con líu ríu bước vào. Gương mặt tái xanh, mồ hôi lấm tấm trên trán, em run rẩy đứng trước vành móng ngựa. Nhưng phiên tòa hôm đó phải hoãn do đại diện hợp pháp người bị hại vắng mặt. Quay sang nhìn mẹ em và tôi, em nở một nụ cười. Đó là nụ cười của đứa trẻ sắp bị đánh đòn nhưng được cho nợ lại. “Vậy là con còn “sống” thêm mấy ngày nữa” - em mừng rỡ. Chao ôi, niềm vui của trẻ thơ sao làm nhói lòng người lớn đến vậy!
Bắt giam so với cho bị cáo được hưởng án treo cùng những năm thử thách, trong sự quản lý của gia đình, nhà trường và địa phương, biện pháp nào tốt hơn?
Theo Báo CAND
(HBĐT)- Khoảng 13h 30’ ngày 16/4, một nhóm thực khách có mặt tại nhà hàng Biển Bia, đường Trần Hưng Đạo (thành phố Hòa Bình) đã hét lên và bỏ chạy khỏi bàn ăn đang đặt bếp ga mini (dùng cho món lẩu cá) bị cháy bùng. Nghe tiếng nhốn nháo, một nhân viên bảo vệ của nhà hàng đang đứng gần đấy đã lao vào, dùng khăn ướt phủ lên bếp dập tắt ngọn lửa. Nguyên nhân được xác định ngay sau đó là do bộ phận bình của bếp ga bị hở, gây rò rỉ gas.
Trong ngành Cảnh sát Việt Nam, có một Đại tá đã từng trải qua các cương vị: Cục phó Cục Cảnh sát nhân dân trong những năm 60, thế kỷ XX; sau đó là Phó Giám đốc, kiêm chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; rồi Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế trong những năm đầu đất nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới.
Đổi mới mạnh mẽ tác phong làm việc ở các cơ quan Tham mưu An ninh đối ngoại; gắn kết chặt giữa cơ quan tham mưu với bộ máy lãnh đạo chỉ huy và các đơn vị trực tiếp chiến đấu.
Cẩn trọng phân tích từng từ, từng chữ trong cách sử dụng ngôn từ qua các tin nhắn đe dọa các chủ tiệm vàng, các điều tra viên nhận thấy các chữ i đã được thay thế bằng chữ j, đây là cách viết thường thấy của những thanh niên thuộc thế hệ 8X và 9X. Những chữ tiếng Việt viết sai lỗi chính tả như n và l, càng cho thấy tên này có trình độ ở mức bình thường, nếu không nói là thấp.
Theo phân tích của các chuyên gia, thực tế giá bất động sản tại nhiều dự án được cho là vượt rất xa so với giá trị thực bởi chính giới đầu cơ tạo nên sự "khan hàng". Nhóm đầu cơ này có thể là một số đơn vị lớn chung tiền ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư...
(HBĐT) - Mồng 4 Tết, tiết trời ban đêm rét ngọt, trùm trong chăn kín cùng với chút men nồng sau một ngày đi chúc tụng đầu xuân làm cho mỗi người đều say trong nồng nàn xuân tết… Gần 3 giờ sáng, đột nhiên mọi người ở ven quốc lộ 12 B thuộc huyện Yên Thủy, bị đánh thức bởi tiếng hô cháy cháy, bật dậy chạy ra cửa mọi người nhìn thấy chiếc ô tô chở khách loại 29 chỗ ngồi màu xanh lá cây của gia đình anh T để ngay cạnh nhà ven đường đã bị cháy từ lúc nào.