Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng (bên cạnh là phóng viên B.Gallasch - người Đức đang bật máy ghi âm).
Nhân kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4, Báo CAND xin trân trọng giới thiệu về diễn biến sự kiện Quân giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập bắt sống toàn bộ nội các Sài Gòn và chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Đây là tư liệu lịch sử đã được thẩm định trong cuốn "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1954 - 1975" do NXB Chính trị Quốc gia vừa ấn hành.
10h (sáng 30/4) đội hình thọc sâu đã tới cầu Thị Nghè. Bốn chiếc xe tăng quân Sài Gòn phục kích ở đây, chưa kịp hành động ngăn chặn đã bị các chiến sĩ Quân Giải phóng dùng súng chống tăng bắn cháy.
Đội hình hàng trăm xe các loại của lực lượng thọc sâu ầm ầm tiến theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Lính Sài Gòn vội vã vứt súng, cởi bỏ quân phục tháo chạy.
Nhân dân lúc đầu có vài người lấp ló ở vỉa hè, rồi sau đó lần lượt chạy ào ra hoan hô Quân Giải phóng. Người người lớp lớp như những đợt sóng tràn ngập mặt đường, bám sát thành xe, bắt tay các anh bộ đội. Sĩ quan, chiến sĩ Quân Giải phóng đưa tay ra nắm lấy hàng nghìn, hàng vạn bàn tay của đồng bào Sài Gòn. Vui mừng sung sướng, nhiều người nước mắt trào ra ướt đầm trên má. (Hồi ký Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 trong "Đại thắng mùa Xuân 1975 qua những trang hồi ký"; NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.455).
Lực lượng Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập theo hai ngả: Hồng Thập Tự và đại lộ Thống Nhất (nay là các đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Lê Duẩn).
Mũi dẫn đầu tiến vào Dinh Độc Lập gồm những chiếc xe tăng của Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, tiếp sau đó là một bộ phận của Trung đoàn bộ binh 66.
Chiếc xe tăng 843 dẫn đầu Đại đội 4 xe tăng do Trung úy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào, húc cánh trái cổng Dinh Độc Lập, nhưng đột nhiên chết máy phải tạm dừng; chiếc xe 390 do Trung úy Chính trị viên Đại đội 4 Vũ Đăng Toàn chỉ huy tiến lên húc đổ cánh cổng chính, tiến trước vào sân Dinh Độc Lập. (Nhà báo người Pháp De Mulder chụp được bức ảnh xe 390 húc cổng Dinh Độc Lập và xe 843 kẹt ở cổng phụ bên trái), sau đó là xe 843. Một chiếc xe Jeep của biệt động trương cờ Mặt trận dân tộc giải phóng cũng tiến qua cổng. Nhiều xe tăng khác của Quân đoàn 2 tiếp tục tiến vào triển khai đội hình xung quanh dinh.
Tổng thống, nội các Sài Gòn đều đang ở tư thế chờ quân cách mạng vào sẵn sàng chấp nhận đầu hàng. Tổng trưởng Thương mại và kỹ nghệ Nguyễn Văn Diệp (cơ sở cách mạng) với băng vải trắng đón Quân Giải phóng ở dưới lầu (Borries Gallasch: Ho Tschi-Minh Stadt (TP HCM) NXB. Rowhlt Verlag, 1975: Nhà báo người Đức Borries Gallasch là phóng viên nước ngoài duy nhất có mặt ở Dinh Độc Lập (một số phóng viên nước ngoài cũng có mặt nhưng còn ở phía ngoài), chứng kiến cảnh quân Giải phóng mặt giáp mặt Dương Văn Minh. Anh thuật lại:.... "Khi tôi tiến vào đến giữa sảnh của dinh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là Tổng thống Minh, Thủ tướng Mẫu và một vài người đi từ dưới hầm lên". Dương Văn Minh nói với Gallasch: "Thật tốt cho anh có mặt ở đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn". Gallasch mô tả tiếp: .... "Trong lúc những nhân viên của Tổng thống Dương Văn Minh đi đi lại lại đầy lo âu thì ông vẫn đứng im lặng giữa sảnh và phóng tia mắt nhìn qua cửa sổ phía trước của dinh... Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng máy vang lên. Tôi nằm rạp xuống sàn... không có tấm kính nào bị vỡ... Minh "lớn" vẫn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn như một bức tượng bên cạnh ông Thủ tướng thấp bé... Rồi trước mắt chúng tôi xuất hiện cảnh tượng không thể tin được: ba chiếc xe tăng treo những lá cờ của Mặt trận giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước dinh. Súng bắn loạn xạ trên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang... thật là một cảnh ngoạn mục. Và rồi một người lính giải phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang...".
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh hướng dẫn các chỉ huy Quân Giải phóng vào phòng họp, nơi Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Sài Gòn đang chờ "bàn giao", gồm các Trung tá Nguyễn Tấn Tài, Bùi Văn Tùng, Lữ đoàn trưởng và Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2; Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và một số cán bộ, chiến sĩ khác.
Tại phòng họp Dinh Độc Lập lúc bấy giờ có đủ mặt Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng và các Bộ trưởng trong nội các Sài Gòn. Tiếp sau mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, lần lượt có mặt các cán bộ tình báo: Đại tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí), Tô Văn Cang (đang mang danh nghĩa "lực lượng thứ ba" để tiếp cận Dương Văn Minh). Trong dinh có mặt một số chiến sĩ biệt động, an ninh T4, sinh viên học sinh. Các phóng viên có mặt trong, ngoài dinh có phóng viên người Đức Borries Gallasch, nhà báo Pháp De Mulder (người chụp ảnh các xe tăng húc cổng), phóng viên hãng Reuters...
Trước đó, lúc 9h30' các chiến sĩ Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ huy của Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc) đã xuất hiện trên tầng 2 Dinh Độc Lập. (Theo Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc), phụ trách Ban An ninh của khu Sài Gòn - Gia Định, sự kiện này xảy ra trước khi xe tăng Quân Giải phóng vào khuôn viên Dinh Độc Lập, cụ thể là lúc 9h ngày 30/4). Chánh văn phòng của Phủ Tổng thống, hướng dẫn Bùi Quang Thận (cùng Tiểu đội phó Trần Đức Tình) lên nóc dinh, hạ cờ ba sọc, trương cờ đỏ sao vàng. Lúc đó là 11h30' ngày 30/4/1975.
Trả lời đề nghị của Dương Văn Minh "Chúng tôi xin bàn giao chính quyền cho cách mạng", Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng nói: "Các ông không còn gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng vô điều kiện".
Trong giờ phút lịch sử này, đối với mọi chiến sĩ cách mạng, dân sự hay quân sự, tại chỗ hay từ xa vào, mệnh lệnh của Tổ quốc, của nhân dân, cũng như tâm huyết của mỗi người là giải quyết triệt để một chính quyền do Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng đã hơn 20 năm, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trên tinh thần như vậy, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc lập đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo tường thuật của nhà báo Borries Gallasch và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng thống Dương Văn Minh tỏ ra bình tĩnh và giữ tư thế đúng mực (Borries Gallasch: Ho - Tschi-Minh stadt (TP HCM) bản dịch của Báo Tuổi trẻ, số ngày 30/4/2007).
Trung tá Bùi Văn Tùng đưa tay ra bắt tay Dương Văn Minh và nói: "Ông Minh, chúng tôi muốn ông cùng chúng tôi đến ngay Đài Phát thanh kêu gọi quân đội đầu hàng hoàn toàn để không còn đổ máu nữa". Dương Văn Minh nói: "Tôi đã tuyên bố đầu hàng rồi". Tô Văn Cang thuyết phục: "Lúc nãy tuyên bố hàng mà chưa tiếp xúc với Quân Giải phóng, còn bây giờ thì gặp nhau rồi nên tuyên bố lại". Dương Văn Minh đồng ý. (Xem thêm tường trình của Tô Văn Cang (lưu tại Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến).
Hai chiếc xe Jeep lần lượt rời Dinh Độc Lập để đến Đài Phát thanh ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 đang chiếm giữ. Trên xe đi trước (do chiến sĩ lái xe Đào Ngọc Vân lái) có Đại úy Phạm Xuân Thệ, Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu. Trên xe đi sau (do nhà báo Hà Huy Đỉnh lái) có Bùi Văn Tùng, nhà báo Đức Gallasch, một luật sư.
Borries Gallasch tường thuật giai đoạn này như sau: "Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một... Chúng tôi ngồi bất động một lát, Tổng thống Dương Văn Minh và Chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên 2 chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh...". (Sau này còn có ý kiến khác về người phác thảo văn kiện đầu hàng đầu tiên cho Dương Văn Minh; nhưng tường thuật của nhà báo người Đức Borries Gallasch là có cơ sở hơn cả (xem thêm Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 30/4/2007).
Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh đã phát trên Đài Phát thanh là bản viết tay của Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, được chỉnh sửa vài lần và đã được Dương Văn Minh đọc để ghi vào băng:
"Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chánh quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chánh quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn".
Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp tiếp theo: "Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của Chính phủ cách mạng".
Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố TP Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn"...
Các lời tuyên bố ấy được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là những tiếng nhạc, tiếng người nói chuyện, có cả tiếng người nước ngoài góp vào không khí bình ổn của Sài Gòn.
* Kể từ khi Chiến dịch Hồ Chí Minh phát pháo lệnh, quần chúng Sài Gòn - Gia Định đã nổi dậy ở 107 khu vực, trong đó có 31 khu vực ngoại thành, 76 khu vực nội thành; 32 khu vực từ ngày 29 đến rạng sáng 30/4; 34 khu vực trước khi Dương Văn Minh đầu hàng, 41 khu vực sau đó, lúc quân chủ lực chưa tới. Hình thức, nội dung nổi dậy đa dạng nhưng chủ yếu là dẫn đường quân chủ lực, tác động cho quân Sài Gòn tan rã, giành chính quyền, thượng cờ đỏ sao vàng, cờ xanh đỏ sao vàng, phá hệ thống kềm kẹp ở cơ sở, bảo vệ các cơ sở kinh tế, kỹ thuật điện, nước, liên lạc bưu chính viễn thông... các cơ sở vật chất chính quyền, hỗ trợ các lực lượng an ninh truy quét tàn quân, giữ an ninh trật tự khu vực mới giải phóng... Thực tế, sau tuyên bố "bàn giao" của Dương Văn Minh lúc 9h30' sáng 30/4/1975, quân Sài Gòn ở ven và trong Sài Gòn, trừ một số ngoan cố, hầu hết tan rã hoặc chống cự một cách tuyệt vọng. Theo báo cáo lúc bấy giờ, trong nổi dậy khởi nghĩa ở nội thành, chỉ có một người (ở ấp Tái Thiết, xã Tân Sơn Hòa) hy sinh khi treo cờ (anh Nguyễn Tấn Thành).
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng quân dân Sài Gòn - Gia Định đã diệt và làm tan rã 31.000 tên, bắt 12.619 tù binh, chiếm 9 căn cứ quân sự, 5 chi khu, 21 phân chi khu và trụ sở tề... thu 12.275 súng và gần như toàn bộ hồ sơ các cơ quan chế độ Sài Gòn từ Phủ Tổng thống trở xuống. Sau giải phóng số quân Sài Gòn lần lượt ra trình diện hơn 400.000 và số công an, cảnh sát hơn 100.000.
Nói về cuộc tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh Văn Tiến Dũng nhận xét: "Quần chúng đã vào trận chiến đúng lúc, không sớm quá cũng không muộn quá. Hành động yêu nước tạo ra khí thế cách mạng tràn ngập đường phố, là sức mạnh to lớn. Đây là cái quý nhất của Sài Gòn - Gia Định và đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm của Đảng bộ thành phố" (Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân 1975, NXB Quân đội nhân dân, 1976, tr.299).
Theo Báo CAND
(HBĐT) - Ngày 25/4, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác QP - QSĐP trong những tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2011.
Chiều 22/4, tại Hà Nội, Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình nhân dịp Đoàn đến thăm Bộ Công an và đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tham dự buổi gặp mặt có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Công an.
Nhiều tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng từ các tỉnh, thành khác khi về Tiền Giang gây án đã phải tra tay vào còng bởi tài nghệ và sự mưu trí của các chiến sĩ Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45)
Đối tượng trộm bị chủ nhà phát hiện bắt quả tang, trong tình thế khó thoát, đối tượng đã nổ súng để uy hiếp chủ nhà rồi thoát thân.
Kế hoạch chuốc thuốc mê người tình “đại gia” đồng tính để cướp tiền bị “phá sản”, nhóm thanh niên phân công nhau sát hại dã man nạn nhân nhưng chỉ lấy được số bạc ít ỏi.
(HBĐT) - Đề án số 03 ngày 14/1/2010 của Tỉnh ủy về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Phương án số 592/C11 (C17) ngày 5/3/2010 của Bộ Công an về giải quyết triệt để tình hình phức tạp về tội phạm và TTATXH tại địa bàn 3 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Loóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã được Ban Chỉ đạo của tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng các kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn của đề án, phương án.