Chiến sỹ Điện Biên năm xưa ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng.

Chiến sỹ Điện Biên năm xưa ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng.

(HBĐT) - Nhớ lại những tháng ngày phục vụ trong quân đội, hồi ức về sự đóng góp của bộ đội và nhân dân Hòa Bình cùng những trận đánh khốc liệt, những hy sinh anh dũng và cả niềm vui ngày chiến thắng lại ùa về trong tâm trí của mỗi người lính Điện Biên năm xưa. Với ông Bùi Quang Thản, Đinh Công Hiển, Nguyễn Văn Phước..., những lúc giáp mặt với quân thù khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc sẽ là ký ức không bao giờ quên.

 

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch tác chiến đông - xuân 1953 - 1954 nhằm phá kế hoạch Na -va của địch. Với phương châm đánh chắc, thắng chắc, lợi dụng điểm yếu của địch, Bộ Chính trị chủ trương đưa bộ đội chủ lực lên giải phóng hoàn toàn Tây Bắc; phối hợp với quân dân Lào tiến công địch ở bắc Lào và nhiều vùng khác, buộc chúng phải tung lực lượng đối phó, từ đó đã phá tan âm mưu tập trung lực lượng cơ động tiến hành bình định từng bước của kế hoạch Na -va. Hòa Bình là cửa ngõ của Tây Bắc nên nhiệm vụ chuẩn bị phục vụ chiến trường rất quan trọng. Để phục vụ cho chiến trường, ngay trong tháng 9/1953, Hòa Bình được giao nhiệm vụ phải gấp rút tu sửa cầu phà trên đường 12, 15, và 16 thuộc địa phận Mai Đà (Mai Châu), mở rộng đường qua Bãi Chạo, vận chuyển lương thực, chuẩn bị thực phẩm... Từ tháng 9 - 11/1953, toàn tỉnh đã huy động 17.200 ngày công lao động, 3.200 dân công, tiếp nhận hàng trăm tấn thóc... Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh tổ chức một đội thanh niên xung phong gồm 449 người phục vụ cho công tác cầu đường. Các huyện luôn dự trữ, chăn nuôi trâu bò và trồng rau xanh sẵn sàng tiếp tế cho bộ đội. Tháng 11/1953, bộ đội chủ lực bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc giải phóng Lai Châu, uy hiếp thượng Lào, đồng thời tiến công và giành thắng lợi ở nhiều nơi buộc thực dân Pháp rơi vào thế bị động. Trên hướng tây bắc, Na - va tập trung quân lập cứ điểm Điện Biên Phủ. Tháng 12/1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu với tinh thần Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Hòa Bình là địa bàn tiếp nhận, tập kết nguồn chi viện sức của, sức người từ đồng bằng liên khu III, IV, qua Sơn La rồi lên mặt trận.

 

        

Cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của quân đội thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, 7/5/1954

 

Từ tháng 1/1954, trước yêu cầu khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Hòa Bình được giao nhiệm vụ tham gia sửa gấp đoạn đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La). Đại đội 55 cùng 3 đại đội thanh niên xung phong và 3.000 dân công được huy động ngày đêm tham gia tu sửa, cạp rộng 70 km đường để các đoàn bộ đội, dân công kịp thời ra trận tuyến. Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tại Điện Biên Phủ. Để đảm bảo giao thông thông suốt lên mặt trận, quân ta đã dùng nhiều biện pháp như ngụy trang các kho tàng, cầu phà, đường vận chuyển, đào hầm hố phòng tránh trên các tuyền đường, thanh niên xung phong ngày đêm thường trực sẵn sàng gỡ phá bom nổ chậm, sửa cầu phà... Phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh đã huy động trên 381.000 lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng từ Hòa Bình lên Yên Mao, 170.000 người ở hậu phương xay, giã được trên 500 tấn thóc cho bộ đội. Cùng với sức người, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cung cấp cho mặt trận 39.517 kg trâu, bò và hàng vạn m3 gỗ, tre, bương...

 

Xúc động nhớ lại ngày gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng đội, ông Bùi Quang Thản, Phường Đồng Tiến (TPHB) không quên được câu nói đầu tiên trong buổi gặp mặt của Đại tướng: “Hôm nay, chúng ta gặp nhau đây là quý lắm rồi. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc đó, ông mới 22 tuổi, trước đó, ông đóng quân ở Yên Bái và phải mất 3 tuần để đi bộ lên Điện Biên. Là chiến sỹ của Đại đoàn bộ binh 312, buổi tối, các ông đào giao thông hào, kéo pháo, ban ngày học tập chiến lược đánh chắc, thắng chắc. Trong cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận của Việt Minh sáng 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công. Trong vòng gần 2 tháng sau, Đại đoàn bộ binh kéo được pháo lên, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp. Là Đại đoàn đóng lên Điện Biên Phủ muộn nhất nhưng Đại đoàn 312 được chọn đánh mở màn tại đồi Him Lam. Ngày 13/3/1954, sau đợt bắn pháo dữ dội, quân ta tiến công vào cứ điểm kiên cố nhất là cụm cứ điểm Him Lam và sau một đêm đã chiếm xong. Sau đó, đến ngày 17/3, tiếp tục chiếm được đồi Độc Lập, bản Kéo và toàn bộ phân khu bắc.

 

Trước khi về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đinh Văn Hiển, phố Ngọc, xã Trung Minh (TPHB) được đào tạo tại một trường quân đội ở nước ngoài. Ngày trở về nhận nhiệm vụ, các ông xúc động trước tình cảm giúp đỡ của dân công, bộ đội bộ binh. ông nói: Trong khi các ông có chế độ ăn đặc biệt, dân công và đơn vị khác đang phải chia nhau từng bát cháo, nắm rau. Các ông đã xin cán bộ chỉ huy sẻ bớt khẩu phần ăn của mình cho mọi người. Nhiệm vụ chính của Tiểu đoàn cao xạ 37 - Trung đoàn cao xạ 367 - Đại đoàn công pháo 351 là bảo vệ bộ binh, dân công bằng cách bắn máy bay địch nhằm làm cho phi cơ địch mất phương hướng và ném bom chệch với mục tiêu ban đầu. Đối với các ông, khi bộ đội, dân công đổ máu cũng chính là bản thân mình đổ máu. So sánh về lực lượng cũng như trang bị vũ khí địch hơn hẳn quân ta nhưng bộ đội ta lúc nào cũng lạc quan về chiến thắng và luôn sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng.

 

Xuất ngũ trở về với cuộc sống thường ngày, các chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã phát huy phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ trong phát triển kinh tế gia đình cũng như tham gia vào công tác cấp ủy, chính quyền địa phương. Năm 1999, Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên phủ TPHB được thành lập. Đây là nơi để những CCB có dịp ôn lại kỷ niệm hào hùng năm xưa cũng như giáo dục cho con cháu biết trân trọng thành quả của cha ông. Hiện nay, Ban liên lạc còn 18 người, cụ lớn tuổi nhất đã 92 tuổi. ông Bùi Quang Thản, Trưởng ban liên lạc cho biết: Tất cả các con, cháu của các cụ đều trưởng thành và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của đời sống xã hội. Sống tại tổ dân phố, các cụ đều là tấm gương sáng về đạo đức, ý chí vượt khó của KDC.

 

Chiến tranh đã đi qua, quê hương, đất nước đang từng ngày thay đổi. Những kí ức về một thời của người lính Điện Biên năm xưa mãi là những dấu ấn không thể nào quên. Đó không chỉ là ký ức, là niềm tự hào mà đó còn là bản hùng ca mãi ngân lên trong mỗi nhịp điệu phát triển của đất nước hôm nay.

 

                                                                                                  

                                                                                   Hồng Nhung

 

 

 

Các tin khác


Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện giai đoạn 2019 - 2024.

Tham ô gần 3 tỷ đồng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lĩnh 15 năm tù

Sau 3 ngày nghị án, sáng 17/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh bước vào phần tuyên án bị cáo Nguyễn Tiến Kính (SN 1964), trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về hành vi "tham ô tài sản”.

Công an huyện Kim Bôi xử phạt người bình luận trên Facebook nội dung kích động bạo lực

Công an huyện Kim Bôi cho biết, ngày 14/5 đã làm việc với B. V. B, trú tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook. Trước đó, ngày 3/5, B. V. B đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận tại Trang "Hoà Bình Đa Chiều" với nội dung kích động bạo lực.

Đoàn luật sư tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở vùng sâu, xa tại các phiên tòa... Từ những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trở thành cầu nối đưa pháp luật đến với người dân.

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Lĩnh 19 năm tù vì giết vợ để níu giữ tình yêu

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Nhuận (SN 1985), trú tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) về tội "giết người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục