Tuổi trẻ Công an tỉnh Sơn La giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: Duy Hiển.

Tuổi trẻ Công an tỉnh Sơn La giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: Duy Hiển.

“Thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, TTATXH…” - Trung tướng, GS.TS. Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

 

Sau khi thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, chúng ta luôn kiên trì giữ vững và ổn định đất nước để phát triển. Có được sự ổn định quý báu đó, Công an nhân dân đã không quản khó khăn, hy sinh quên mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều kỳ tích, không ngừng bồi đắp và xây dựng nên truyền thống vẻ vang của lực lượng mình.

I. Những năm qua, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới, trong khu vực diễn biến rất phức tạp, bất trắc và khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo, nhưng chiến tranh cục bộ, hoạt động khủng bố, xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ vẫn xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng phức tạp hơn, xuất hiện thêm nhiều “điểm nóng” mới. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, chính sách theo xu hướng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Bức tranh toàn cảnh của tình hình thế giới cho thấy, quan hệ quốc tế đan xen giữa hợp tác và đấu tranh, nhưng có những diễn biến phức tạp hơn, tranh giành ảnh hưởng và lợi ích chiến lược quyết liệt hơn. Chạy đua vũ trang gia tăng trong bối cảnh đang hình thành một trật tự “thế giới đa cực”. Các mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn tồn tại, biểu hiện dưới nhiều hình thức mới và ở các cấp độ, mức độ khác nhau, có mặt sâu sắc hơn.

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển, vừa tạo ra thời cơ, vừa đặt ra những thách thức lớn cho quá trình phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh của các quốc gia. Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, tình trạng nợ công gia tăng, vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ô nhiễm và suy thoái môi trường, dịch bệnh, hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia… đang đe dọa sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khu vực Đông Nam Á phát triển năng động, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn tăng cường can dự, mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Do có những khác biệt về chế độ chính trị, truyền thống văn hóa, tổ chức xã hội và do tác động của một số nước lớn nên sự liên kết và phát triển hướng tới một Cộng đồng ASEAN đang gặp những khó khăn, trở ngại nhất định.

Nằm trong khu vực nhạy cảm, với vị trí địa - chính trị quan trọng, những biến động trên của tình hình thế giới và khu vực đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam.

Những thành tựu của 25 năm đổi mới đã tạo cho Việt Nam thế và lực mới. Chính trị - xã hội ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, đối ngoại mở rộng, vị thế của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình an ninh - trật tự có những diễn biến phức tạp mới. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình”; tác động chuyển hoá nội bộ; cổ vũ, tiếp tay cho các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước công khai chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các thế lực thù địch và các đối tượng phản động ráo riết tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở vùng dân tộc thiểu số; gây nghi ngờ, chia rẽ trong nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng; truyền bá tư tưởng phản động; kích động tập hợp lực lượng, tìm cách thành lập các tổ chức chính trị đối lập, chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc “cách mạng màu” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Một số phần tử cơ hội trong nước đã công khai phê phán đường lối, quan điểm của Đảng, đòi thay đổi chế độ chính trị, phụ họa với các luận điệu và âm mưu của các thế lực thù địch. Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra ở một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Tham nhũng, tiêu cực chưa giảm, có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc và làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Tình trạng mất đoàn kết nội bộ xảy ra ở không ít nơi. An ninh xã hội có những diễn biến phức tạp mới, nhất là các vụ khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài liên quan đến đất đai, tôn giáo; tình trạng đình công, lãn công trong công nhân, biểu tình tự phát trong học sinh, sinh viên; nguy cơ xảy ra biểu tình, gây rối, gây bạo loạn ở vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa bị đẩy lùi. Các hoạt động này được các thế lực thù địch bên ngoài, các đối tượng phản động và các phần tử chống đối trong nước theo sát, lợi dụng và kích động. An ninh văn hóa - tư tưởng có nhiều diễn biến đáng lo ngại do sự xâm nhập, phổ biến các sản phẩm văn hóa nước ngoài thiếu chọn lọc đã và đang tác động tiêu cực đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh.

Hoạt động của các loại tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán người diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn. Tai nạn giao thông tuy đã được kiềm chế, nhưng vẫn ở mức cao, nhiều vụ nghiêm trọng; thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh đó, quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã kịp thời đổi mới tư duy, nhận thức về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập; đổi mới quan điểm, chủ trương, đối sách; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Lực lượng Công an đã chủ động nắm và kiểm soát được tình hình; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, quyết sách phù hợp trong nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại; phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, không để xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại, tập hợp lực lượng thành lập tổ chức chính trị đối lập; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc, các hội nghị quan trọng của khu vực và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin được thực hiện có hiệu quả. Phát hiện, đấu tranh ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch thông qua hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, cải cách tư pháp... để tác động chuyển hoá chính trị; ngăn ngừa nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đáng chú ý là công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có bước phát triển mới với nhiều mô hình tiên tiến được nhân rộng. Lực lượng Công an đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh - trật tự, qua đó góp phần củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, các lĩnh vực trọng điểm, tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh - trật tự trong tình hình mới. Mặt khác, lực lượng Công an đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; khám phá nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng; mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy; bài trừ tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ.

Công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Lực lượng Công an nhân dân ngày một trưởng thành về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thật sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Công tác xây dựng cơ sở pháp lý về bảo vệ an ninh - trật tự được chú trọng. Đã hình thành được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ về bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác bảo vệ an ninh - trật tự trong những năm qua cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia mà Đại hội X của Đảng đã đề ra chưa kịp thời; công tác nghiên cứu, phân tích dự báo chiến lược có bước tiến lớn, nhưng vẫn còn hạn chế; xử lý tình hình phức tạp về an ninh ở một số nơi, trong một số thời điểm còn bị động; công tác bảo vệ an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước còn sơ hở. Quản lý nhà nước về an ninh - trật tự còn hạn chế, bất cập so với đòi hỏi của tình hình. Công tác phát hiện, đấu tranh với một số loại tội phạm mới, tội phạm kinh tế, tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao. Công tác tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng và phát triển lý luận bảo vệ an ninh - trật tự chưa theo kịp tình hình. Lực lượng Công an nhân dân chưa được trang bị đủ mạnh để đáp ứng tốt yêu cầu công tác, chiến đấu trong tình hình mới. Cơ sở pháp lý cho các hoạt động bảo đảm an ninh - trật tự chưa đồng bộ. Vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ Công an mắc sai phạm, có trường hợp phải xử lý kỷ luật làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

II. Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, nhưng thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới, khó lường tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là xung đột sắc tộc, ly khai, các hoạt động khủng bố, bạo loạn, can thiệp lật đổ, tranh chấp tài nguyên, lãnh thổ… Ngày nay, mặc dù thế giới hòa bình không còn “chiến tranh lạnh”, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, đó lại là một nền “hòa bình nóng”.

Các nước lớn sẽ tiếp tục điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng cường vai trò, ảnh hưởng trên thế giới, tìm cách chi phối những khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược quan trọng. Tình hình tranh chấp trên biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Các mối đe dọa an ninh quốc gia đối với nước ta những năm tới sẽ là: sự gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và dấu hiệu chệch hướng xã hội chủ nghĩa cùng với những vấn đề phức tạp về an ninh xã hội; vấn đề chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới; sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khu vực và thế giới. Trong khi những thách thức an ninh truyền thống vẫn tồn tại thì chúng ta đã và đang phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, phạm vi đe dọa ngày càng rộng và mức độ thiệt hại ngày càng lớn, nhất là các vấn đề an ninh tài chính, ngân hàng; an ninh năng lượng, an ninh lương thực; biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh…

Quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, là một cơ hội cho Việt Nam “đi tắt đón đầu”, song các thế lực thù địch và các loại tội phạm cũng sẽ triệt để lợi dụng để hoạt động xâm phạm an ninh, gây rối trật tự xã hội, chống phá Việt Nam với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đa dạng và phức tạp hơn.

Trong tình hình mới, lực lượng Công an nhân dân phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Theo tinh thần đó, lực lượng Công an nhân dân cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, công tác trọng tâm sau:

Một là, nhận thức sâu sắc về con đường, bước đi của cách mạng nước ta được Đảng đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); quán triệt mục tiêu bao trùm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; bảo đảm vị thế của Việt Nam được nâng cao hơn trên trường quốc tế. Thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch; sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống; không để đột xuất, bất ngờ; vô hiệu hóa âm mưu phát động cuộc “cách mạng màu” ở Việt Nam; góp phần bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác nắm và dự báo tình hình, nhất là công tác dự báo chiến lược; đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các phương châm, nguyên tắc nhằm phát huy mọi tiềm lực, khả năng và sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh - trật tự. Tiếp tục đổi mới nhận thức về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế và trong xu thế toàn cầu hóa; xác định tầm nhìn chiến lược về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia; về vai trò của quốc phòng và an ninh, đối ngoại để vừa phát huy sức mạnh của từng lĩnh vực, vừa phối hợp có hiệu quả các nguồn sức mạnh này, tạo thế trận hiệp đồng tổng lực, thống nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, khai thác hợp lý sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bất cứ tình huống nào cũng phải giành thế chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về an ninh - trật tự. Tiếp tục triển khai có hiệu quả những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra; khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về an ninh - trật tự. Phát huy tốt nhất sự phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đặc biệt là với lực lượng Quân đội nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình, lực lượng Công an sẽ tập trung triển khai đồng bộ các mặt công tác Công an để bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin…, chủ động đấu tranh chống địch phá hoại tư tưởng, lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam. Tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, không để các thế lực thù địch và các đối tượng tác động chuyển hóa, từ kinh tế chuyển hóa chính trị. Chủ động phát hiện, ngăn chặn ý đồ của các thế lực thù địch tác động nhằm làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bảo vệ lợi ích hợp pháp của các thành phần kinh tế, ngăn ngừa âm mưu, hoạt động phá hoại kinh tế của các loại đối tượng. Củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân trên từng địa phương và trong cả nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng - an ninh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự ở từng địa bàn, trước hết là ở các vùng chiến lược, các thành phố lớn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của toàn dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Chủ động ngăn chặn và có phương án đối phó với các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, kiên quyết trấn áp tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu; tập trung giải quyết các tệ nạn xã hội, làm giảm tai nạn giao thông, phòng, chống cháy nổ có hiệu quả.

Bốn là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đấu tranh phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm nguy hiểm. Phát triển quan hệ đối ngoại an ninh gắn với các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với ngoại giao an ninh - quốc phòng, góp phần hình thành “mặt trận” quốc tế ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia. Tiếp tục thực hiện sáng kiến hợp tác những người đứng đầu cơ quan an ninh các nước ASEAN. Hợp tác chặt chẽ với các nước, nhất là các nước láng giềng trong đấu tranh, ngăn chặn ý đồ phá hoại của các đối tượng phản động lưu vong; phòng, chống tội phạm, khủng bố, bảo đảm an ninh biên giới, biển đảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích chung và của mỗi quốc gia trong khu vực. Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án, hợp tác phòng, chống tội phạm với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Năm là, tăng cường công tác nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu khoa học; từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận khoa học an ninh đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức lại các đơn vị làm công tác tham mưu chiến lược theo hướng tập trung, chuyên sâu với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn hóa cao. Phát huy vai trò của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức Công an nhân dân. Đầu tư trang bị phương tiện, điều kiện làm việc để làm tốt hơn công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.

Sáu là, nâng cao tiềm lực và sức chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo trực tiếp và toàn diện các mặt công tác của Đảng ủy Công an Trung ương; năng lực quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp trong lực lượng Công an nhân dân. Tập trung xây dựng các tổ chức Đảng, cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, gắn với thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đưa phong trào phát triển sâu rộng, phát huy hiệu quả cao. Xây dựng tác phong văn hóa ứng xử, ý thức tu dưỡng rèn luyện, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên; đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Huy động tối đa tiềm lực khoa học - công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công an. Tăng cường đầu tư và ưu tiên tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện để xây dựng đội ngũ cán bộ Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất cách mạng trong sáng, sắc sảo về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, giỏi ngoại ngữ, tin học, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ nặng nề, nhưng vô cùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân. Phát huy truyền thống vẻ vang, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, lực lượng Công an nhân dân nguyện chung sức, chung lòng, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tăng cường sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước

                                 

                                 Trung tướng, GS.TS. Trần Đại Quang

                            (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an)

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Tường bảo vệ của Nhà máy nằm trong diện tích có giấy CNQSDĐ nhưng vẫn bị ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ.
Không có hình ảnh

Máu các anh đã đổ trong “cuộc chiến” chống đua xe

Bộ phận điều tra tai nạn của Phòng CSGT đã phối hợp với cơ quan điều tra Công an quận 1 nắm lại toàn bộ vụ tai nạn liên quan đến Thượng sỹ Việt. Phòng CSGT đường bộ - đường sắt sẽ báo cáo toàn bộ vụ việc lên Ban Giám đốc Công an TP HCM đề xuất Bộ Công an công nhận liệt sĩ cho Thượng sỹ Việt.

Đánh án phải bảo đảm an toàn cho mình, an toàn cho dân

Khi May kẹp cổ hai đứa con, tay cầm lựu đạn, bụng quấn đầy mìn, kèm vợ đi sát đằng sau và ra yêu sách để y trốn vào rừng rồi sẽ thả con tin về, nếu không y sẽ cho nổ mìn, lựu đạn, Trung tá Toàn đã đề xuất cho được tiếp cận đối tượng để vận động. Sau 36 giờ đấu lý, đấu trí rất căng thẳng, cuối cùng May đã giơ tay đầu hàng, xin giao nộp vũ khí.

Hành trình bắt nguyên cán bộ ngân hàng lừa hơn 21 tỷ đồng

Xác định Sơn, cán bộ ngân hàng chiếm đoạt hơn 21,668 tỷ đồng, trốn ở nhà một người Việt Nam, định cư bên Campuchia ở quận Chomkmon, TP Phnompenh, hai đồng chí Hùng và Thưởng (Công an Thanh Hoá) cùng các cán bộ Công an Tây Ninh lên đường sang nước bạn, bắt giữ được Sơn khi hắn đang ẩn náu ở phường Doncau, TP Chomkmon.

"Hàng kích” - lợi bất cập hại

Những lời quảng cáo "bốc trời" về một loại mặt hàng nhạy cảm - "hàng kích" (cái tên thường áp cho các dụng cụ kích dục, sex toy…) đang được nhiều "đầu nậu" chào hàng trên thị trường thời gian gần đây. Nhiều dân chơi bị mờ mắt trước những lời quảng cáo hấp dẫn mà không lường được hết những hậu quả khôn lường khi sử dụng những sản phẩm này.

Cảnh báo tội phạm trộm xe gắn máy gia tăng

(HBĐT) - Trong tuần đầu tháng 9 này, bất chấp sự đồng loạt ra quân tấn công của các lực lượng chức năng, bọn tội phạm ráo riết hoạt động liều lĩnh hơn. Trong tuần xảy ra 22 vụ, tăng 10 vụ so với tuần trước, trong đó có 11 vụ trộm tài sản và có đến 9 vụ trộm cắp xe máy, các nơi sẩy ra là: TP Hòa Bình 5 vụ, Yên Thủy 3 vụ , Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Mai Châu mỗi nơi 1 vụ, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 285 triệu đồng.

Vì sao nhiều nhà băng bị “rút ruột”?

Phần lớn các vụ tham ô tài sản trong ngân hàng xảy ra ở chi nhánh cấp 2 (thực chất là các phòng giao dịch nhỏ). Tại những chi nhánh này do cán bộ ít (một người phải kiêm nhiệm nhiều việc) nên việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý tài sản có nhiều sơ hở... Công tác tổ chức cán bộ tại nhiều ngân hàng cũng có vấn đề khi nhiều nhân viên có tiền sự về kinh tế, bất minh về lối sống vẫn được trọng dụng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục