Mấy ngày qua, vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng ở Đan Phượng, Hà Đông (Hà Nội) bung ra khiến dư luận thêm một phen bàng hoàng trước số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: làm cách nào mà các chủ nợ huy động được nhiều tiền thế; tại sao lại có nhiều người tin tưởng, gửi gắm tiền bạc cho họ; khi những vụ vỡ nợ bung ra, người cho vay liệu có đòi được tiền; dựa vào đâu vẫn có những người tham gia hoạt động "tín dụng đen"...
“Tín dụng đen” vẫn lén lút hoạt động Không phải tới tận bây giờ, khi vụ vỡ nợ của vợ chồng chủ tiệm vàng Bùi Thị Quyên, Tạ Việt Quang ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng và bà Nguyễn Thị Dậu, ở quận Hà Đông (Hà Nội)... nở bung mới lộ ra hoạt động tín dụng đen. Với dân "làm ăn", việc "vay nóng" với lãi suất tính theo ngày, nhẹ thì 2.000đ/1.000.000đ/ngày, nặng thì 10.000đ/1.000.000đ/ngày không phải hiếm gặp. Với người bình thường, để tìm được người cho vay lãi "nóng" không phải dễ. Nhưng với dân kinh doanh thì chuyện này dễ như trở bàn tay. Bản thân tôi sau một thời gian dài quen biết với anh T., ở phố cổ Hà Nội cũng không hề biết, nghề chính của anh này là cho vay nóng. Trong một lần thấy tôi thắc mắc, sao anh lúc nào cũng đeo dây chuyền, lắc vàng nặng trĩu trên cổ, trên tay, T. giải thích rằng, "nghề của tôi nó vậy". Hỏi ra tôi mới biết, nghề chính của anh là tín dụng đen. Ai cần, cứ gọi điện, thỏa thuận lãi suất hợp lý là anh xuất tiền. "Tôi chỉ chọn những chỗ thật chắc mới cho vay thôi", T. nói. Khách hàng của T. là những người kinh doanh, buôn bán. Đôi lúc cần tiền nhập hàng, họ ới là T. mang đến. "Giấy tờ chỉ viết tay thôi. Nhưng quan trọng là phải biết nhà, biết cửa, biết nơi làm ăn buôn bán là ổn", T. nói. Một lần, tôi gặp em gái T. và được chị này cho biết, trong nghề tín dụng đen được cũng nhiều mà mất cũng lắm. Bản thân chị dù đã biến cái nhà mặt tiền có chiều dài 5m để mở cửa hàng kinh doanh nhưng vẫn "không nỡ" bỏ cái nghề cũ. Nghĩa là những mối quen trước đây, nếu cần chị vẫn xuất hàng trăm triệu cho vay nóng. Vay nóng nên lãi cũng nóng. Vay càng ngắn ngày, lãi suất càng cao.
Cửa hàng vàng bạc của vợ chồng Quang Quyên - Một chủ nợ ôm 400 tỷ đồng.
Đợt lãi suất ngân hàng cao ngất vừa qua lên tới hơn 20%/năm, lãi suất của dân tín dụng đen lên gấp 2-3 lần.
Vay 300.000.000đ trong 10 ngày, cắt lãi ngay 30.000.000đ. Viết giấy vay nợ 300.000.000đ nhưng người vay thực cầm về chỉ 270.000.000đ. Khác với tính chất vay nóng kiểu xã hội đen này, những người cho bà Dậu, ở quận Hà Đông, vay không được "cầm đằng cán" như trường hợp nêu trên mà sau khi trao tiền chỉ nhận được tờ giấy viết tay có nội dung vay nợ, số tiền, tên người vay, người cho vay, còn thời hạn trả nợ là bao giờ, lãi suất bao nhiêu đều không thể hiện.
Người cho vay trao cho người vay số tiền ít thì vài triệu, nhiều thì hàng tỷ đồng nhưng chỉ cầm về mảnh giấy vay nợ có ghi ngày, tháng. Sự việc tưởng như phi lý nhưng là thực tế diễn ra trong hoạt động tín dụng đen, chỉ đến khi một số vụ việc vỡ lở, một phần sự thật của hoạt động này mới lộ ra.
Dùng hình thức phô trương, bẫy người cho vay
Theo Thượng tá Tào Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội, một trong những thủ đoạn để các cá nhân, doanh nghiệp huy động được số tiền hàng chục, hàng trăm tỷ đồng qua hình thức vay lãi suất cao là tạo ra vẻ bề ngoài "hoành tráng". Điển hình trong việc này phải kể đến vụ việc vỡ nợ gần 400 tỷ đồng của Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên, trụ sở tại 36, phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội do Tạ Việt Quang (36 tuổi) và vợ là Bùi Thị Quyên (35 tuổi) làm chủ.
Năm 2003, khi mới thành lập, Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành trong nội địa, mua bán xe ôtô và xe máy nguyên chiếc. Nhiều năm liên tiếp, Quang là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đan Phượng. Vợ chồng họ tham gia rất nhiều hoạt động xã hội như làm từ thiện, tổ chức tài trợ cho nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật ở địa phương.
Quy mô hoạt động của doanh nghiệp này ngày càng mở rộng, điều này thể hiện rõ nhất khi mở thêm 2 salon bán xe ôtô ở phố Tây Sơn và phố Nguyễn Thái Học (Có thời điểm 2 salon trên có trên dưới 30 xe ôtô con và xe ôtô du lịch) cùng một cửa hàng đại lý bán xe ôtô tải ở khu vực Cầu Gáo, Đan Phượng. Công ty này cũng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước và là đơn vị có biểu hiện kinh doanh có uy tín trên địa bàn. Chính với vỏ bọc bề ngoài "hoành tráng" đó, từ năm 2010-2011, Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên đã thu hút vốn bằng cách vay tiền các ngân hàng và các cá nhân…
Trong khi đang đi vay tiền khắp nơi, doanh nghiệp này còn mở thêm một cửa hàng kinh doanh vàng bạc và đá quý. Điều này càng làm tôn lên vẻ bề ngoài giàu có của họ nhưng ít ai biết rằng, cửa hàng vàng bạc này mở ra để che đậy sự khó khăn trong vấn đề tài chính.
Bên cạnh đó, rất nhiều trong số các xe ôtô đang trưng bày tại các salon của doanh nghiệp này là tài sản của các doanh nghiệp và cá nhân ký gửi. Song việc "che đậy" kín đáo khiến vợ chồng họ dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Thế nên họ mới có thể "mượn" hàng chục bộ "sổ đỏ" để thế chấp ngân hàng vay 30 tỷ đồng dù giấy tờ đứng tên người khác.
Theo tài liệu thu thập được thì Công ty Quang Quyên vay lãi của rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài huyện Đan Phượng. Trong đó có nhiều đối tượng là chủ thu gom tiền của nhiều cá nhân, hộ gia đình khác. Trường hợp của Lê Thị Th. (trú tại phố Thụy Ứng, thị trấn Phùng, đã cho Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên vay 27 tỷ đồng. Trước đó, Th. đã được trả nợ bằng một chiếc xe ôtô trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng. Theo thông tin chúng tôi nắm bắt được, để có số tiền 27 tỷ đồng cho Quang Quyên vay, chị Th. đã huy động của rất nhiều người thân, bạn bè.
Không chỉ người dưng mà còn có nhiều người thân trong gia đình Quang cũng trở thành nạn nhân của vợ chồng anh ta như Lê Thị Q., em vợ của Quang. Qua nguồn tin của quần chúng thì số tiền lớn mà Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên vay trong 2 năm qua đều do Q. cùng chồng nhận.
Trong số các nạn nhân của cặp vợ chồng này còn có anh Nguyễn Tiến N. còn đưa "sổ đỏ" cho họ để nhờ vay hộ tiền ngân hàng…, đến khi vụ việc vỡ lở thì giấy tờ nhà đất của anh đang thế chấp tại ngân hàng để vay số tiền không nhỏ.
Tránh xa cái "bẫy" lãi suất cao, thiếu cơ sở tin cậy
Hoạt động tín dụng đen thường trở nên sôi động khi có khó khăn trong nguồn vốn sản xuất kinh doanh, ngân hàng thắt chặt tín dụng, hạn chế cho vay vào lĩnh vực phi sản xuất… Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đang hoạt động, cá nhân đang sản xuất kinh doanh phải tìm đến nguồn vốn khác. Nguồn vốn này được xác định là của các cá nhân, doanh nghiệp có tiền dư thừa. Để vay được nguồn vốn này, đương nhiên lãi suất phải cao hơn lãi suất ngân hàng.
Trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận trên vốn tự có của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình từ 10 - 15%, việc vay vốn ngân hàng với lãi suất 20%/năm hoặc vay cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài với lãi suất còn cao hơn nữa thì số lượng người vay có phương án kinh doanh để bù đắp cho khản vay tình thế (còn gọi là vay nóng) rất ít. Từ đó dễ dẫn đến việc doanh nghiệp phá sản, cá nhân vỡ nợ.
Theo Thượng tá Tào Ngọc Hải, đối tượng huy động tín dụng đen đều có chung một hình thức "câu khách" là dùng lãi suất cao. Để thu hút được nhiều người cho vay, những đối tượng này thường làm vỏ bọc thành lập doanh nghiệp, làm ăn phát đạt có nhiều nhà đất, xe cộ, cửa hàng kinh doanh. Ngoài ra, để thu hút được nguồn vốn lớn, đối tượng thường dùng "mồi nhử" dạng như đang có dự án lớn, đang có chỗ đầu tư bất động sản hời… nên cần huy động vốn dù với lãi suất cao…
Một trong những vấn đề mà nhiều người dân, đặc biệt là chủ nợ trong các vụ vỡ nợ quan tâm là họ có đòi được nợ, xử lý các đối tượng vay nợ như thế nào. Về vấn đề này, đồng chí Hải viện dẫn ngay trường hợp của doanh nghiệp Quang Quyên.
Cơ quan Công an xác định, doanh nghiệp này có các khoản vay ở: ngân hàng; cá nhân. Với các khoản vay ở ngân hàng, doanh nghiệp này đều có thế chấp như "sổ đỏ", giấy tờ xe… Nhưng đáng chú ý là trong các khoản vay, có cả khoản vay thế chấp ôtô hình thành từ vốn vay và giấy tờ ôtô thế chấp lại là giấy tờ làm giả trên cơ sở giấy tờ thật. Nghĩa là, giấy tờ đăng ký ôtô giả vợ chồng Quang Quyên thế chấp tại ngân hàng, còn giấy tờ thật đã giao cho người mua ôtô.
Ngoài ra, cặp vợ chồng này còn thế chấp "sổ đỏ" mang tên người khác để vay tiền ngân hàng… Với các khoản vay ngân hàng mà vợ chồng này thế chấp bằng tài sản của mình, ngân hàng thanh lý để thu hồi nợ, nếu còn thừa cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh để trả cho các cá nhân. Tuy nhiên đến nay, chưa có gì chắc chắn rằng, tài sản của doanh nghiệp Quang Quyên đủ để trả nợ.
Vấn đề mà dư luận cũng đặc biệt quan tâm là những cá nhân cho vợ chồng Quang Quyên vay tiền có bị khép vào tội cho vay nặng lãi? Theo đồng chí Hải, quy định tại Điều 63 Bộ luật Hình sự, lãi suất cho vay phải gấp 10 lần lãi suất cơ bản mới khép vào tội cho vay nặng lãi. Theo những thông tin thu thập được, vụ vỡ nợ mà vợ chồng Quang Quyên gây ra đang trong quá trình điều tra.
Không nên tham lãi suất cao, cần xác minh tính hợp pháp của các dự án kêu gọi đầu tư, xem xét đến căn cứ để trả nợ (ví dụ tài sản)… đó là cách để các doanh nghiệp, cá nhân tránh được cái bẫy của tín dụng đen
Theo Báo CAND
(HBĐT) - Tính ra, trận đánh Tu Vũ (Thanh Thủy - Phú Thọ) mở đầu chiến dịch Hòa Bình 1951 - 1952 đã qua 60 năm. Thời gian trôi qua, người xưa không còn, cảnh cũ đã đổi thay quá nhiều nhưng vẫn còn lại đài bia ghi công chiến thắng lịch sử ấy bên dòng sông Đà. Từ nơi khởi đầu ấy đã mở ra và nối tiếp những chiến công của quân và dân tỉnh ta trong chiến dịch Hòa Bình năm 1952 cũng như những bước phát triển mới trong đấu tranh, phát triển KT-XH ở Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 29/9, Công an tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ban hành Pháp lệnh PCCC (4/10/1961 - 4/10/2011).
(HBĐT) - Trong hai ngày 28 và 29/9, TAND tỉnh đã tổ chức phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Văn Việt và đồng bọn mua bán trái phép chất ma tuý với tính chất đặc biệt hi hữu: nguồn gốc số ma tuý có được là do bị cáo nhặt được sau một vụ tai nạn giao thông và 4/8 bị cáo trong vụ án có quan hệ ruột thịt, vợ chồng.
(HBĐT) - Ngày 28/9, Ban chỉ đạo diễn tập huyện Yên Thủy đã tổ chức diễn tập chiến đấu trị an cụm xã Bảo Hiệu – Lạc Hưng.
(HBĐT) - Ngày 29/9, UBND thành phố Hoà Bình đã tổ chức Đại hội TĐQT giai đoạn 2008 - 2011.
(HBĐT) - Hòa Bình là địa bàn có vị trí chiến lược án ngữ phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng. Do vậy, trong thời kỳ chiến tranh luôn là mục tiêu tấn công của cả Pháp, Nhật và đế quốc Mỹ.