Ông Nguyễn Văn Bằng bên lô đất bị người khác giả mạo chữ ký làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
(HBĐT) - Cùng thời điểm với việc mua bán, chuyển nhượng không thành thửa đất số 154 thuộc tờ bản đồ số 25 với diện tích 3.888,9 m2 giữa chủ đất là ông Nguyễn Văn Bằng ở xóm Mè, xã Yên Quang (Kỳ Sơn) với người môi giới là Nguyễn Văn Thường cư trú cùng xóm, ông Bằng cùng 13 hộ khác trong xóm nhận được thông báo của Trưởng xóm lên xã làm thủ tục để cấp giấy CNQSD thửa đất trên. Nhưng khi mua hồ sơ là làm thủ tục, ông Bằng thực sự sửng sốt khi được cán bộ tư pháp xã thông báo đã có người làm hồ sơ xin cấp giấy CNQSD lô đất của gia đình ông. Bức xúc và bất bình, ông Bằng đã làm đơn khiếu nại gửi các cấp, ngành của huyện. Các ngành chức năng của huyện Kỳ Sơn đã vào cuộc và sự việc đã hé mở.
Người giả mạo chữ ký anh Nguyễn Văn Thân (con trai ông Bằng) cùng chữ ký ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng xóm Mè và lo thủ tục để làm giấy CNQSD lô đất của gia đình ông Bằng là Nguyễn Văn Thường, bí thư chi đoàn xóm Mè và Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Đoàn xã Yên Quang.
Qua tài liệu do phóng viên Báo Hòa Bình và cơ quan CSĐT CA huyện Kỳ Sơn thu thập, nội dung vụ việc như sau: Ngày 21/12/2010, thông qua số đối tượng môi giới là Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Hoa, đều sinh 1986 và cùng trú tại xóm Mè, ông Nguyễn Văn Bằng có thỏa thuận chuyển nhượng mảnh đất trồng cây lâu năm thuộc thửa đất số 154 thuộc tờ bản đồ số 25 với diện tích 3.888,9 m2 (chưa được cấp giấy CNQSDĐ) tại xóm Mè cho ông Nguyễn Viết Đảm, sinh năm 1973 ở khu tập thể Công ty tư vấn đầu tư và phát triển xây dựng Trung Văn (Từ Liêm - Hà Nội) với số tiền 640 triệu đồng. ông Bằng đã nhận tiền đặt cọc 90 triệu đồng từ Nguyễn Văn Thường, 2 bên làm cam kết sau 30 ngày, nếu Nguyễn Văn Thường không hoàn tất thủ tục giấy tờ theo quy định của pháp luật sẽ phải mất 50% tiền đặt cọc và chấm dứt việc mua bán. Do Nguyễn Văn Thường vi phạm hợp đồng, để quá thời gian ấn định làm thủ tục nên ông Bằng đã từ chối giao dịch mua bán và trả lại 1/2 số tiền đặt cọc.
Do đã nhận tiền và hứa hẹn với ông Nguyễn Viết Đảm về việc sẽ mua được mảnh đất của ông Nguyễn Văn Bằng có đầy đủ giấy tờ (giấy CNQSDĐ) nên Nguyễn Văn Thường đã giả mạo chữ ký của anh Nguyễn Văn Thân và ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng xóm Mè trong hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ. Sau đó, Nguyễn Văn Hoa lợi dụng sơ hở của cán bộ chuyên môn khi thẩm định thực tế để hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục. Về nguyên tắc, toàn bộ hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ đều phải thông qua cán bộ tư pháp xã thẩm định và ký nháy thì Chủ tịch UBND xã mới tiếp tục xem xét ký trình các cấp có thẩm quyền của huyện phê duyệt và ra quyết định. Sau đó, Tư pháp xã sẽ giữ lại một bộ hồ sơ để lưu trữ, nhưng riêng hồ sơ đứng tên anh Nguyễn Văn Thân, chính quyền xã bỏ qua quy trình này và hiện tại Tư pháp xã không có hồ sơ lưu.
Ngày 20/1/1011, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn căn cứ vào tờ trình số 19 ngày 14/1/2011 của Phòng TN-MT huyện Kỳ Sơn ra quyết định cấp giấy CNQSDĐ cho hộ ông Nguyễn Văn Thân. Khi có giấy CNQSDĐ, Nguyễn Văn Thường cùng một số đối tượng đã giao giấy CNQSDĐ cho ông Nguyễn Viết Đảm để nhận 380 triệu đồng. Sau khi sự việc bị phát giác, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Văn Hoa đã mang tiền trả lại cho ông Nguyễn Viết Đảm nhằm che giấu những sai phạm của mình. Nhưng cơ quan CSĐT đã thu giữ toàn bộ hồ sơ và giấy CNQSDĐ mang tên Nguyễn Văn Thân được làm theo chữ ký giả của anh Thân và Trưởng xóm Nguyễn Văn Toàn.
Như vậy, hồ sơ và giấy CNQSDĐ mang tên anh Nguyễn Văn Thân đã vi phạm trình tự, thủ tục được quy định tại điểm a, b, d, khoản 3, điều 14, Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, cơ quan CSĐT CA Kỳ Sơn đã kiến nghị UBND huyện Kỳ Sơn thu hồi giấy CNQSDĐ thửa số 154, tờ bản đồ số 25, diện tích 3.888,9 m2 mang tên Nguyễn Văn Thân, trú tại xóm Mè, Yên Quang.
Từ việc môi giới, Nguyễn Văn Thường và Nguyễn Văn Hoa đã lấn sâu thêm bằng cách giả mạo chữ ký chủ đất và Trưởng thôn rồi lợi dụng sơ hở của cán bộ chuyên môn khi thẩm định thực tế để hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục cấp giấy CNQSDĐ để kiếm lời. Vụ việc đã được làm rõ, dư luận mong muốn cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng xã Yên Quang và huyện Kỳ Sơn cần sớm có hình thức xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, những người có liên quan để giữ vững kỷ cương, phép nước.
Đức Phượng
(HBĐT) - Ngày 21/11, TAND tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự tàng trữ trái phép chất ma túy theo đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của bị cáo Quách Văn Lân (sinh năm 1974) trú tại xóm Vó, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh hiện có hai tuyến Sông Đà và sông Bôi có khả năng khai thác vận tải thủy nội địa. Trong đó, tuyến Sông Đà dài 103 km do TW quản lý và tuyến Sông Bôi dài khoảng 60 km do địa phương quản lý.
(HBĐT) - Thành phố Hòa Bình đang mở đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự đô thị (TTĐT) và vệ sinh môi trường (VSMT). Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập là các lãnh đạo phòng QLĐT, đội quản lý trật đô thị thị Thành phố và cán bộ UBND các phường trên địa bàn, thực hiện nhiệm vụ.
(HBĐT) - Một xã vẫn luôn được xem là địa bàn trong sạch về tệ nạn xã hội của huyện Mai Châu. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, Pù Bin phát hiện có tới 21 đối tượng sử dụng ma túy trong sự ngỡ ngàng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã. Bản làng không còn bình yên, lòng người bất an khi “cơn bão” ma túy ập đến bản.
(HBĐT) - Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh lần thứ ba năm 2012 đã khép lại với những giải thưởng được trao. Với mỗi hòa giải viên, đây là sân chơi pháp lý bổ ích và lý thú, giúp họ có điều kiện giao lưu gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác hòa giải ở đơn vị bạn, từ đó vận dụng giải quyết những vụ việc xảy ra tại địa bàn mình nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm huyện Mai Châu đã phát hiện và xử lý tổng số 18 vụ vi phạm, bao gồm 3 vụ khai thác lâm sản trái phép, 11 vận chuyển lâm sản trái pháp, 2 vụ mua bán, cất giữ, chế biến kinh doanh lâm sản trái phép và 2 vụ vi phạm thủ tục hành chính.