Xã Nam Sơn (Tân Lạc) duy trì hòm thư góp ý xây dựng lực lượng công an nhân dân, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn.ảnh: B.M
(HBĐT) - Từ trung tâm xã Nam Sơn (Tân Lạc) đến địa bàn xóm Tớn chừng hơn 2 km, đường sá còn khó đi. Với 42 hộ, 186 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm đa số, thu nhập chính từ trồng trọt, chăn nuôi, đời sống vật chất, tinh thần của bà con xóm Tớn đang từng bước được cải thiện, tình hình an ninh nông thôn luôn ổn định và giữ vững.
Vốn có địa hình đặc thù phức tạp, tiếp giáp với nhiều xóm, xã trong tỉnh và tỉnh bạn lại có hang động được xếp hàng di tích quốc gia, tua du lịch sinh thái Mai Châu - Thanh Hóa, tuyến tỉnh lộ từ xã Lũng Cao của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đi qua... xóm Tớn được xem là địa bàn thuận lợi cho các loại tội phạm ẩn náu để hoạt động, tai, tệ nạn xã hội du nhập. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xóm đã thực hiện tự quản về ANTT, thành lập 5 tổ tự quản liên kết, phối hợp giữa các hộ gia đình. Trưởng xóm Hà Văn Phiết cho biết: Với sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND xã, trong 2 năm (2012 - 2013), mô hình xóm “5 không” (không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật, không có tranh chấp, không tuyên truyền đạo trái phép) đã được xây dựng, củng cố với các hình thức, biện pháp triển khai quyết liệt. Theo ông trưởng xóm Tớn Hà Văn Phiết, tự quản về ANTT ở địa bàn đã có từ lâu thông qua các phong trào bảo vệ ANTQ như: hòm thư tố giác tội phạm, hoạt động tuần tra, bảo vệ trị an, tổ hoà giải, tổ an ninh nhân dân... Để mô hình “5 không” đi vào cuộc sống, tạo sự đồng tình, ủng hộ của toàn thể bà con trong xóm, chi bộ xóm Tớn đã ban hành nghị quyết chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xóm tổ chức thực hiện, tiến hành họp dân cùng thảo luận, đóng góp ý kiến cho nội dung hoạt động của mô hình và quy chế hoạt động cho phù hợp điều kiện thực tế, hương ước xóm. Đồng thời, kiện toàn tiểu ban chỉ đạo mô hình, duy trì hoạt động tổ tự quản, tổ tuần tra, tổ hòa giải.
Hiện, tham gia hoạt động của mô hình có 1 chi bộ Đảng gồm 9 đồng chí, 58 ĐV-TN, 52 hội viên phụ nữ, 20 hội viên CCB, 42 hội viên nông dân, 22 hội viên NCT, 2 đồng chí trong tổ ANTT, 8 đồng chí tổ an ninh, 7 đồng chí tổ hòa giải. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quy ước, hương ước thôn, xóm thường xuyên được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy ý thức tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tại tệ nạn xã hội của nhân dân. Đến nay, xóm không có người mắc các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc... Vào các ngày, giờ cao điểm, dịp lễ, Tết, hoạt động của các tổ an ninh, tự quản được phát huy, hòm thư tố giác tội phạm được duy trì, từ đó nắm bắt tình hình, phát hiện và giải quyết triệt để các mâu mắc trong nội bộ nhân dân. Năm 2013, thông qua nguồn tin quần chúng cung cấp đã phát hiện 3 trường hợp đến xóm lưu trú làm ăn có biểu hiện vi phạm, sớm chuyển lên Công an xã xem xét. Một số vụ xích mích, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân cũng được giải quyết kịp thời.
Mô hình xóm 5 không còn được gắn kết chặt chẽ với phong trào khác như giảm nghèo, toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH ở KDC, thanh niên lập nghiệp, phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà... thúc đẩy các phong trào khác cùng phát triển. Xóm đã vận động 100% hộ ký cam kết không có người vi phạm pháp luật. Số hộ được công nhận gia đình văn hóa hàng năm chiếm tỷ lệ trên 70%, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, 100% hộ tự nguyện đóng góp các loại quỹ phòng - chống lũ bão, vì người nghèo, khuyến học... Nhân dân trong xóm còn đóng góp hàng trăm ngày công trị giá 70 triệu đồng tu sửa đường làng, ngõ xóm. Với hoạt động của mô hình, tình hình ANTT cơ sở trên địa bàn xóm Tớn được củng cố vững chắc, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Hồng Ngọc
(HBĐT) - Chuyện ở nông thôn xảy ra những việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa mọi người trong gia đình, làng, xóm do thiếu hiểu biết pháp luật là việc vẫn thường thấy. Do trình độ nhận thức, điều kiện tìm hiểu pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế nên nhu cầu được trợ giúp pháp lý (TGPL) cao. Thông qua hoạt động TGPL, tư vấn pháp luật đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn.
(HBĐT) - Năm 2013, 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương) trên địa bàn tỉnh giảm. TNGT giảm 7 vụ, số người chết giảm 13 người, bị thương giảm 11 người. Thành tích trên có đóng góp không nhỏ của lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh).
(HBĐT) - Ngày 30/12, tại Sân vận động huyện Mai Châu, TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn Minh (sinh năm 1962) trú tại thị trấn Mai Châu (Mai Châu) là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xây dựng Văn Minh có trụ sở tại thị trấn Mai Châu về tội giết người và hủy hoại tài sản.
(HBĐT) - Nằm cách thị trấn huyện Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) khoảng 10 km, có tuyến quốc lộ 6 đi qua, xã Mông Hoá đã có thời nổi lên là địa bàn có người hành nghề gái mại dâm và nghiện ma tuý. Trước tình hình đó, năm 2003, Hội LHPN tỉnh, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp thành lập điểm mô hình CLB phụ nữ phòng- chống TNXH của xã. Sau 10 năm đi vào hoạt động, hiệu quả rõ ràng nhất mà mô hình này đem lại là trên địa bàn xã đã “trắng” đối tượng hành nghề mại dâm, nghiện ma tuý.
(HBĐT) - Theo thông tin từ lực lượng chức năng thành phố Hòa Bình, vào hồi 14h30’ ngày 29/12 tại điểm giữa cầu Hòa Bình thuộc địa phận tổ 4 phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ô tô tải chở xi măng BKS 28H - 6035 do Lưu Văn Dũng (sinh năm 1970) trú tại tổ 18, phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) điều khiển với xe máy mang BKS 28H1 - 001.12 do Lê Đức Tuấn (sinh năm 1984) trú tại xóm 1, xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình điều khiển. Hậu quả làm nạn nhân là anh Lê Đức Tuấn chết ngay tại chỗ.
(HBĐT) - Ngày 28/12, tại Trung tâm hoạt động TTN, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức đối thoại chính sách về di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người. Tham gia đối thoại có đại diện lãnh đạo T.Ư Hội LHPN Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Công an tỉnh và trên 200 phụ nữ đến từ các cơ sở Hội trên địa bàn TP Hòa Bình.