Mô hình sản xuất nấm sò của CCB Phạm Xuân Toàn, khu 2, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn).
(HBĐT) - Với tinh thần “Xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo”, CCB tỉnh ta luôn là đội ngũ tiên phong trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Tính đến đầu năm 2016, tỷ lệ hộ CCB nghèo chỉ còn hơn 8% (giảm gần 4%) so với năm 2015. Đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, điển hình CCB xuất sắc trên “mặt trận” xóa đói - giảm nghèo.
Theo lời giới thiệu của Hội CCB tỉnh, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là gia đình CCB Bùi Văn Đủi (xóm Mè, xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn). Năm 1982, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi của đất nước, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm phục vụ chiến đấu, ông trở về địa phương và tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế. Phát huy vai trò của người CCB tiên phong trên mọi lĩnh vực, ông đã được nhân dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng chi hội CCB từ năm 1993 đến nay. Năm 2000, giông bão kéo đến với gia đình khi vợ ông không may mắc bệnh hiểm nghèo và ốm liệt gần chục năm trời. Khi vợ ông qua đời, 5 bố con ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Năm 2009, chủ trương giao đất giao rừng được triển khai, nhân dân không ai mặn mà, phát huy vai trò tiên phong của CCB, ông Đủi đã nhận 7 ha đất đồi cằn hoang hóa. ông tâm sự: “Nhìn đất hoang, cằn cỗi, tôi cũng phân vân nhiều lắm nhưng mình là CCB mà còn ngại khó, ngại khổ thì nhân dân làm sao dám làm. Khó thì phải kiên trì, làm dần vậy!” Nghĩ là làm, sau khi nhận đất, ông chuyển nhà về đất mới. ông cùng các con ngày ngày trồng tre làm hàng rào, đào hào dẫn nước trồng keo, trồng mía tím, sắn và nuôi thả lợn, ngan, gà. Đến nay, mô hình trang trại của ông đã ổn định, mỗi năm cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Hiện mô hình đang được CCB trong huyện học tập và nhân rộng.
ông Đủi tiên phong nhận khoán đất rừng thì ông Phạm Xuân Toàn (khu 2, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn) lại là người đi đầu trong tìm tòi, phát triển sản phẩm nông nghiệp mới là nấm sò. Từng có 8 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, ông Toàn trở về địa phương với chất độc hóa học trong người. 3 người con lần lượt được sinh ra thì 2 người con bị nhiễm chất độc hóa học. Cuộc sống kinh tế của gia đình vì thế mà ngày càng khó khăn, chật vật. ông Toàn trăn trở: “Vấn đề đặt ra là gia đình tôi không có đất, vốn cũng hạn chế, vậy phải làm gì để vừa giải quyết việc làm cho các con, vừa phù hợp với điều kiện thực tế gia đình mình. Qua tìm hiểu, tôi quyết định thử nghiệm sản xuất nấm sò. Sở dĩ tôi lựa chọn sản xuất nấm sò vì ở đây nguồn phụ phẩm rơm, rạ, gỗ, mùn cưa có sẵn rất nhiều; nhu cầu của thị trường cao mà lại ít cơ sở sản xuất. Vậy là tôi quyết định thử nghiệm”. Đây là mô hình hoàn toàn mới trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, không có ai để học hỏi kinh nghiệm nên ông Toàn liên tiếp gặp những khó khăn như: nấm khô, nấm mốc hoặc bị già nhanh. Không nản lòng, phát huy tinh thần vượt khó của “Bộ đội Cụ Hồ”, ông đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trên 200 triệu đồng cho mô hình trồng và sấy khử trùng nấm đảm bảo vệ sinh. Không phụ lòng người CCB, sản phẩm nấm sò của ông đã dần được khẳng định thương hiệu. Với gần 10.000 bịch nấm, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 40 kg nấm với giá bán dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Tiêu biểu trên mặt trận làm kinh tế còn có các CCB Trần Mạnh Du (thị trấn Lương Sơn) mạnh dạn mở Công ty vệ sinh môi trường thu gom rác thải tạo việc làm cho hàng chục lao động; thương binh Đào Ngọc Phúc (thành phố Hòa Bình) xây dựng xưởng gỗ và thêu ren xuất khẩu giải quyết việc làm cho đối tượng chính sách; CCB Hà Văn Tiến (xóm Ngõa, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu) với mô hình trồng rừng, nuôi đại gia súc…
Đồng chí Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Với tinh thần tiên phong của “Bộ đội Cụ Hồ”, các CCB luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chúng tôi đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, tổ chức cho CCB học tập. Để giải quyết vấn đề vốn, Hội đã tín chấp với Ngân hàng CSXH cho hội viên vay tổng số tiền hơn 821 tỷ đồng; quỹ hội xây dựng được gần 17 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2015, các cấp Hội CCB đã xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình “Góp vốn xoay vòng”. Nhờ nguồn vốn vay và từ những quỹ này, hội viên CCB đã xây dựng được 667 tổ vay vốn, thành lập được 51 doanh nghiệp, 21 HTX, 289 tổ hợp trang trại, cơ sở sản xuất và dịch vụ do CCB làm chủ. Qua đó giải quyết việc làm cho trên 13.500 lao động. Phong trào thi đua “Xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo” phát huy hiệu quả giúp hội viên tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Dương Liễu
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, trong quý I/2016, Công an huyện Lạc Thủy đã kiểm sát 23 tin báo, tố giác về tội phạm; điều tra giải quyết được 10 tin, đạt 43,5%. Những tin báo, tố giác tội phạm này góp phần giúp lực lượng công an chủ động nắm tình hình, đảm bảo TTATXH, nhanh chóng điều tra, khám phá các loại án. Có được kết quả đó là nhờ Công an huyện đã thực hiện tốt công tác dân vận, huy động sự vào cuộc của nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
(HBĐT) - Ngày 28/4, Đảng uỷ Quân sự (ĐUQS) huyện Mai Châu đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 124-CT/QUTW ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới.
(HBĐT) - Ngày 28/4/2016, tại TAND tỉnh, TAND tối cao đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng án của bị cáo Vũ Bình Nguyên (sinh năm 1962) trú tại tổ 10 phường Thịnh Đán - thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.