(HBĐT) - Mỗi tối, khi kim đồng hồ chỉ 19 h, một hồi trống lại vang lên ở đầu xóm, cuối xóm nhắc nhở con em xã vùng cao Nam Sơn (Tân Lạc) ngồi ngay ngắn học bài và làm bài tập. “Tiếng trống học đêm” ngân xa như thôi thúc, thành động lực cho phong trào luyện chữ, rèn người ở miền đất còn nhiều khó nhọc này.
Con em xóm Bương, xã
Theo lời đồng chí Bùi Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã kể lại, cách đây chừng mươi năm, nhiều hộ gia đình vì mải lo kiếm cái ăn, cái mặc nên chẳng mấy quan tâm, chăm lo cho sự học của con em. Học sinh đến THCS bỏ học không phải là hiếm, nhiều bậc cha mẹ quan niệm chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ, không cần phải học lên bậc cao hơn. Ngoài thời gian học trên lớp, các em phải lao động phụ giúp gia đình, thói quen học bài buổi tối gần như không có. Từ sáng kiến của Đoàn Thanh niên xã phát động phong trào “Tiếng trống học đêm” kể từ năm 2007, nhận thức về việc học tập ở trường kết hợp với tự học ở nhà của các bậc cha mẹ và con em trên địa bàn đã thay đổi.
Để hoạt động của mô hình triển khai sát với tình hình thực tiễn địa bàn cơ sở, chi Đoàn các xóm đã thành lập đội cờ đỏ làm nòng cốt phối hợp cùng Ban giám hiệu các trường tiểu học, THCS theo sát việc học. Công việc của thành viên các đội là sau hồi trống báo hiệu thời gian học của con em (bắt đầu từ 19 h - 21 h mỗi tối), các thành viên sẽ đến từng nhà đôn đốc, nhắc nhở các em nhỏ vào giờ tự học. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch kiểm tra đột xuất một số hộ gia đình để ghi nhận, làm căn cứ đánh giá tình hình học tập, nề nếp học tập tại nhà. Đội cờ đỏ thường xuyên liên hệ với gia đình, giáo viên chủ nhiệm để trao đổi, bàn bạc, động viên con em chăm chỉ ôn bài, làm bài tập đầy đủ.
Sự kết hợp chặt chẽ với các nhà trường còn thể hiện ở chỗ vào ngày cuối của từng tuần, đội cờ đỏ tổ chức sinh hoạt nhằm tổng kết, đánh giá kết quả, qua đó tuyên dương những gương học tốt, lưu ý những trường hợp học hành còn chểnh mảng. Dánh sách tuyên dương, phê bình được lập cụ thể và chuyển lên nhà trường để thầy, cô giám sát. Với học sinh có kết quả học tập chưa tốt, vào mỗi tối, tổ cờ đỏ sẽ phối hợp với các trường, chi Đoàn xóm đến các gia đình để trao đổi, hướng dẫn và phân công người kèm cặp giúp các bạn nhỏ học tập tiến bộ.
Những nỗ lực duy trì mô hình “Tiếng trống học đêm” tại các xóm đã có hiệu quả rõ rệt đối với phong trào học tập của con em. Thầy giáo Bùi Thanh Tân, Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS xã Nam Sơn cho biết: Mô hình đã có tác dụng thiết thực, một mặt kết nối trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục con em ngoài nhà trường, mặt khác tạo ý thức học tập nề nếp cho các em. Thời gian qua, với sự góp phần của mô hình, chất lượng học tập của học sinh ngày càng khả quan hơn. Các em được gia đình chăm lo nhiều hơn, bố trí góc học tập riêng và thu xếp lịch học bài, ôn bài chuyên cần. Cũng từ đó, giáo dục vùng cao nơi đây có những khởi sắc nhất định, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt 98% trở lên, nhiều năm liền trên địa bàn không có học sinh bỏ học giữa chừng, hàng chục em đã học lên bậc cao đẳng, đại học.
Bùi Minh
Bộ GD - ĐT đã chính thức ban hành Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
(HBĐT) - Năm 2016 là năm thứ 8 liên tiếp ngành GD &ĐT Hòa Bình vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD &ĐT vì thành tích dẫn đầu phong trào thi đua. Đóng góp vào thành tích đó là những bông hoa điển hình của ngành đang tiếp tục từng ngày, từng giờ tích cực thi đua dạy tốt - học tốt.
(HBĐT) - Ngày 19.1, trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ đã tổ chức hội thi trình diễn thí nghiệm khoa học năm 2017.
(HBĐT) - Về trường mầm non xã Tiền Phong (Đà Bắc) vào những ngày cuối năm, chúng tôi được nghe các thầy, cô giáo trong trường dành những lời trìu mến về cô Đinh Thị Thêu. Cô Thêu là giáo viên giàu nghị lực, dạy giỏi cấp huyện 8 năm liên tiếp và luôn hết lòng với công việc; sống giản dị, luôn được đồng nghiệp, phụ huynh và trẻ nhỏ yêu mến.
Các đề thi thử nghiệm cho kỳ thi THPT Quốc gia là cơ sở để giáo viên, học sinh tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.
(HBĐT) - Năm 2016, TP Hòa Bình quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Thành phố đã đề nghị công nhận lại 6 trường, công nhận mới 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn thành phố có 40/54 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 74,1%. Trong đó có 4 trường mầm non, 1 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2.