(HBĐT) - Ngày 23/8/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND quyết định về việc "Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Ngày 11/3/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2014 quyết định về việc "sửa đổi Điều 7 của quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ban hành kèm theo Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 23/8/2013 của UBND tỉnh Hòa Bình”. Trong các quyết định này đều quy định rõ về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đặc biệt là các trường hợp không được dạy thêm. Tuy nhiên thực tế triển khai các quy định trên đã phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm.

Dạy thêm "có” phép

Theo quy định, việc tổ chức dạy thêm, học thêm được chia thành 2 hoạt động tách bạch: dạy thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường. Cả 2 hoạt động dạy thêm này đều phải được cấp phép. Tuy nhiên, thực tế theo khảo sát của phóng viên, chỉ có hoạt động dạy thêm trong nhà trường là thực hiện nghiêm các quy định về việc cấp phép còn hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường đa số đều không có giấy phép, dạy "chui”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Thị Oanh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Theo quy định hiện hành thì Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở GD&ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình THPT hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THPT. Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền Trưởng phòng GD&ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình TH, THCS hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THCS. Để được cấp phép dạy thêm, các nhà trường, cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định, gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, trên 90% số trường thuộc phân cấp quản lý của Sở GD&ĐT (trừ các trường thuộc khối DTNT) đang tiến hành dạy thêm, học thêm trong nhà trường và đều được cấp phép theo đúng quy định.

Tại các địa phương, khối các phòng GD&ĐT cũng thực hiện khá nghiêm túc việc quản lý, cấp phép cho các trường tổ chức dạy thêm, học thêm. Đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc cho biết: Việc dạy thêm trong nhà trường trên địa bàn huyện được thực hiện khá nghiêm túc theo nguyên tắc đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Việc cấp phép cho các nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm được thực hiện theo đúng quy định. Ví dụ như mới đây, căn cứ vào các quy định hiện hành của UBND tỉnh và tờ trình đề nghị cấp giấy phép tổ chức học thêm, dạy thêm của các nhà trường, Phòng GD&ĐT đã có quyết định cho phép các trường TH&THCS Hiền Lương, TH&THCS Triệu Phúc Lịch, THCS Tân Pheo, THCS thị trấn Đà Bắc…

Như vậy, nhìn chung cho thấy hoạt động dạy thêm trong các nhà trường đã được triển khai theo đúng tinh thần Quyết định số 18 và Quyết định số 06 của UBND tỉnh, góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh.

Quản lý hoạt động dạy thêm "không” phép

Điều 4, Quyết định số 18 của UBND tỉnh ngày 23/8/2013 nêu rõ: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Như vậy có nghĩa là không được tổ chức dạy thêm các môn văn hóa đối với học sinh bậc tiểu học nếu nhà trường đã tổ chức học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, quy định này thực tế là đang bị vi phạm tràn lan.

Khảo sát thực tế trên địa bàn TP Hòa Bình cho thấy, mặc dù đa số các trường tiểu học đều dạy học 2 buổi/ngày nhưng số lượng học sinh tiểu học đi học thêm buổi tối tại nhà thầy, cô giáo vẫn khá đông. Theo tìm hiểu của phóng viên, các lớp học thêm tại nhà riêng của thầy, cô giáo đều là tự phát, không được cấp phép theo quy định.

Thông tin từ Sở GD&ĐT cũng khẳng định không cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào dạy thêm ngoài nhà trường ở bậc THPT. Tuy nhiên thực tế, số học sinh bậc THPT, nhất là học sinh lớp 11, 12 đi học thêm ở nhà riêng các thầy, cô giáo khá đông, tập trung vào các môn thi xét tuyển đại học.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Lê Thị Hạnh, khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo, xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình thẳng thắn: Chương trình giáo dục hiện nay có nhiều đổi mới so với trước đây, từ cách đánh vần của học sinh lớp 1 cũng đã khác. Chương trình giáo dục ngay từ bậc tiểu học, đặc biệt là lớp 4 được đánh giá là nặng, khó, phụ huynh không thể hướng dẫn, kèm cặp cho con em học và làm bài tập về nhà được. Vì vậy nên nhiều gia đình dù thương con học cả ngày vất vả, tối lại phải đi học thêm nhưng vẫn phải chấp nhận nếu không con sẽ kém hơn các bạn. Con càng học lên lớp cao, phụ huynh càng không thể kèm con học được. Việc học thêm ở nhà riêng các thầy, cô giáo chính là xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, cũng có thực tế là một số giáo viên dạy thêm theo hình thức dạy trước bài hôm sau, thậm chí cho học sinh làm trước các bài tập có dạng tương tự với bài kiểm tra ở lớp khiến cho học sinh đi học thêm ở nhà cô sẽ có điểm số cao hơn các bạn không đi học, làm méo mó ý nghĩa và tác dụng của việc học thêm; tạo ra áp lực nặng nề cho phụ huynh và học sinh. Thực tế này cần phải kiểm tra, chấn chỉnh ngay.

Nhìn thẳng vào thực tế tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hòa Bình hiện nay, đồng chí Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố khẳng định: Nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, ngày 15/11/2017, Phòng GD&ĐT thành phố đã có Công văn số 649 yêu cầu các nhà trường nghiên cứu, triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh và nghiêm túc thực hiện nội dung Công văn số 2102 ngày 14/11/2017 của UBND thành phố về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Đồng thời lưu ý quán triệt đến giáo viên các quy định về dạy thêm, học thêm và nội dung đánh giá học sinh để mọi người hiểu rõ và làm đúng quy định. Tiến hành tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh nắm vững các quy định về dạy thêm, học thêm và đổi mới đánh giá học sinh để tạo sự đồng thuận; phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời yêu cầu giáo viên trong các đơn vị trường học viết cam kết thực hiện các quy định về dạy thêm; không tổ chức dạy thêm dưới hình thức ép buộc cha mẹ học sinh viết đơn tự nguyện xin học trái với quy định; xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào.

Nhằm siết chặt quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, ngày 11/10/2018, UBND thành phố Hòa Bình đã có Quyết định số 2820 về việc thành lập đoàn kiểm tra và kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn bắt đầu từ ngày 15/10/2018.

Dương Liễu


Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các Kỳ thi năm 2024 nghiêm túc, an toàn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục