(HBĐT) - Là xã thuần nông thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên người dân xã Trung Hòa (Tân Lạc) vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Những năm qua, với những hoạt động thiết thực của Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã trang bị cho bà con nhiều kiến thức bổ ích trong trồng trọt và chăn nuôi.
Do chưa được xây dựng trụ sở làm việc, các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng xã Trung Hòa (Tân Lạc) phải tổ chức ở nhà văn hóa các xóm cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Ảnh chụp tại nhà văn hóa xóm Thăm.
Xã Trung Hòa cách trung tâm huyện Tân Lạc khoảng 20 km, với hơn 2.400 nhân khẩu, phân bố ở 4 xóm. Thu nhập của bà con chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Đồng chí Bùi Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã, Giám đốc TTHTCĐ xã cho biết: Với địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều trắc trở đã gây ra nhiều rào cản đối với công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Cùng với đó là mặt bằng dân trí chưa đồng đều nên việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn những hạn chế nhất định. Năm 2016, TTHTCĐ xã được thành lập đã mở nhiều lớp học bổ ích cho nhân dân. Trong 2 năm đầu, mỗi năm, Trung tâm thu hút gần 3.000 lượt người tham gia học tập. Đến năm 2018, con số này tăng gấp đôi với gần 6.200 lượt người. Trong đó, lượt người tham gia học tập các chuyên đề chiếm trên 90%, còn lại là các lớp giáo dục kỹ năng sống.
Theo chia sẻ của đồng chí Chủ tịch UBND xã, xuất phát từ thực tế là xã thuần nông, hàng năm, TTHTCĐ xã chú trọng mở các lớp chuyên đề tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về vệ sinh môi trường, hôn nhân - gia đình, trồng và bảo vệ rừng. Ngoài ra, quan tâm mở các lớp đào tạo nghề gắn với việc thực hiện tiêu chí đào tạo nghề và việc làm trong xây dựng nông thôn mới. Điều này đã đem lại những kết quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cũng như nâng cao trình độ canh tác; người dân nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản để chăm sóc vật nuôi ngày càng tốt hơn.
Trong 4 xóm của xã Trung Hòa, xóm Thung nằm cách xa trung tâm xã nhất, đây cũng là 1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh. Xóm Thung có 93 hộ dân, trong đó gần một nửa số hộ thuộc diện hộ nghèo. Đồng chí Đinh Văn Nhàn, Bí thư chi bộ xóm Thung cho biết: Những năm qua, xóm phát triển mạnh chăn nuôi bò và dê, với số lượng trên 600 con; phát triển trồng rừng. Do vị trí xa trung tâm, giao thông còn nhiều trở ngại nên trước đây, người dân gặp không ít khó khăn trong tiếp cận với các tài liệu, kiến thức phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, nhờ được TTHTCĐ xã tổ chức các lớp tập huấn, bà con đã nâng cao ý thức, có kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc nên hầu như xóm không có gia súc bị chết do đói, rét trong mùa đông. Việc mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi rất thiết thực với các hộ dân trong xóm. Chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những lớp học như vậy được tổ chức.
Mặc dù đã và đang hoạt động hiệu quả, nhưng TTHTCĐ xã Trung Hòa chưa có nơi làm việc riêng, chưa có phòng thư viện và tủ sách, tài liệu tham khảo còn hạn chế. "Do chưa có trụ sở nên Trung tâm sử dụng nhà văn hóa của các xóm để mở các buổi học chuyên đề. Tuy nhiên, nhà văn hóa các xóm cũng còn đơn sơ, trang thiết bị hạn chế. Do đó, để Trung tâm phát huy hiệu quả, chúng tôi mong muốn được ngành chức năng quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo để TTHTCĐ xã thực sự trở thành nơi học tập, trang bị kiến thức cho người dân trong xã”- đồng chí Bùi Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã, Giám đốc TTHTCĐ xã bày tỏ.
Viết Đào
(HBĐT) - Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là "Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Trên địa bàn tỉnh ta, hơn 10 năm qua, các phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Khuyến học Việt Nam đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học, nâng cao dân trí cho người dân.
Trước nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc thẩm định sách giáo khoa, các chuyên gia cho rằng, việc kết luận sách đạt hay không đạt không thể căn cứ việc sách sửa ít hay nhiều, mới hay cũ, khó hay dễ, mà phải căn cứ vào chuẩn tối thiểu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
(HBĐT) - Hiện nay, tình trạng học sinh sử dụng bạo lực, nói tục, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, người lớn tuổi đang tồn tại ở một bộ phận học sinh. Đó là những hành vi lệch chuẩn phản ánh sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một số học sinh. Hiện tượng ứng xử lệch chuẩn không chỉ xảy ra đối với học sinh THPT, THCS, tiểu học mà ngay cả đối với học sinh mầm non. Chính vì vậy, toàn xã hội và ngành Giáo dục cần có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng trường học để chấn chỉnh kịp thời thực trạng này.
(HBĐT) - Ngày 26/9, Trường TH&THCS Hang Kia B (Mai Châu) tổ chức lễ khánh thành thư viện trường học thân thiện.
(HBĐT) - Năm học 2018 - 2019, công tác BHYT đối với học sinh, sinh viên (HSSV) được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm tổ chức triển khai thực hiện và đạt kết quả cao, có trường đạt 100% học sinh tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều HSSV chưa tham gia BHYT bắt buộc theo quy định.
(HBĐT) - Ngay trong lễ khai giảng và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường năm học 2019 - 2020, hàng nghìn phần quà, suất học bổng trị giá hàng tỷ đồng đã được Hội Khuyến học các cấp, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… trao đến học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là món quà động viên tinh thần có ý nghĩa lớn lao để đồng hành, nâng bước các em trước thềm năm học mới. Thông qua hoạt động này, Quỹ Khuyến học các cấp đã phát huy được vai trò là nhân tố tiên phong, khơi gợi sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài.