Học sinh trường THCS Tử Nê (Tân Lạc) thuyết trình báo tường trong trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ Văn với chủ đề "Em yêu văn học dân gian”.
Giải pháp "Vận dụng dạy học trải nghiệm sáng tạo trong môn Ngữ văn ở trường THCS Tử Nê” của nhóm tác giả Tô Ngọc Thúy, Đinh Thị Thanh Tâm, Vũ Thị Bích Hằng, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Tử Nê đã đoạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình lần thứ 7, năm 2018 - 2019.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức ngoài giờ học chính khóa trên lớp, góp phần gắn kết môi trường học tập trong nhà trường với thực tế. Hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, lồng ghép trong giờ chào cờ đầu tuần, mít tinh kỷ niệm, các hội thi hay hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh được thư giãn, giải trí nhưng vẫn có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Ngoài môn Ngữ văn, nhà trường còn tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng ở tất cả các môn học khác (trừ môn thể dục).
Trong môn Ngữ văn, từ đầu năm đến nay, thầy và trò trường THCS Tử Nê đã tổ chức được 2 bài trải nghiệm sáng tạo. Hiện có 4 hình thức dạy học trải nghiệm sáng tạo được áp dụng là sân khấu hóa, chơi trò chơi, nêu và giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm.
Hình thức sân khấu hóa được giáo viên áp dụng trong các văn bản nghệ thuật giàu chất kịch. Lựa chọn một đoạn văn tiêu biểu và đặc sắc nhất (đối với tác phẩm dài) hoặc một tác phẩm, phân công công việc cụ thể cho từng nhóm học sinh đóng kịch có những nhân vật, lời thoại, đạo cụ như trong tác phẩm văn học. Để thực hiện tốt được hình thức này, học sinh cần phải đọc, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ tác phẩm, sau đó làm việc nhóm, phân chia vai phù hợp, học thuộc lời thoại.
Cô Vũ Thị Bích Hằng chia sẻ: "Đây là hình thức trải nghiệm rất hứng thú và hấp dẫn với cả thầy và trò. Ví dụ như trong chuyên đề Văn học dân gian, Bảo tồn di sản văn hóa Mường trong môn Ngữ văn, học sinh đã được sân khấu hóa truyện "Thầy bói xem voi”. Sau khi phân công nhiệm vụ xây dựng kịch bản cho học sinh, giáo viên sẽ chuẩn bị đạo cụ, trang thiết bị và thuê trang phục biểu diễn sao cho tái hiện tác phẩm chân thật, chính xác và gần gũi nhất. Chuyên đề đã thu hút đông đảo học sinh trong nhà trường tham gia và nhiệt tình hưởng ứng”.
Hình thức chơi trò chơi cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học sinh. Theo đó, giáo viên chuẩn bị trước những gói câu hỏi để học sinh lựa chọn và đưa ra đáp án chính xác. Hoạt động này không chỉ giúp các em củng cố lại kiến thức đã học, mà còn xây dựng được thói quen chủ động nghiên cứu, đọc và soạn bài trước mỗi tiết học. Hiện, nhà trường có 1 máy chiếu và 4 màn hình ti vi phục vụ cho việc dạy học trải nghiệm theo hình thức chơi trò chơi.
Cô giáo Đinh Thị Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng trường THCS Tử Nê cho biết: "Triển khai dạy học theo hướng vận dụng trải nghiệm sáng tạo đã được tập thể giáo viên nhà trường thực hiện từ nhiều năm nay. Những hoạt động này đã đạt được hiệu quả tích cực như: giúp học sinh hào hứng, sôi nổi trong mỗi tiết học, chủ động tiếp nhận kiến thức, rèn luyện khả năng giao tiếp trước đám đông, tăng cường tinh thần đoàn kết và hiệu quả khi làm việc nhóm… Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các tiết học trải nghiệm nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tư duy và vận dụng kiến thức của học sinh. Bên cạnh đó, tạo sân chơi văn nghệ, thể thao, các hoạt động tập thể giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần”.
Linh Nhật
(HBĐT) - Sáng 30/10, tại Nhà văn hóa thành phố, BTV Thành Đoàn, Hội đồng Đội thành phố tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TP Hòa Bình năm 2019. Dự Đại hội có đai diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn, TP Hòa Bình và 107 đội viên xuất sắc, đại diện cho trên 14.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng (ĐV, TNNĐ) TP Hòa Bình.