Hội thảo này đã thu hút gần 100 đại biểu là lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, học viện trên cả nước tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: đào tạo e-learning (đào tạo trực tuyến) vốn không xa lạ đối với thế giới, Việt Nam cũng đã biết từ lâu tuy nhiên tình hình triển khai trong thực tế chưa được nhiều. Đây là một cơ hội để tạo ra sự thay đổi tốt hơn cho giáo dục.
Ông Phúc chia sẻ rằng: "Chuyện thầy giảng trên bục giảng bên dưới trò cắm cúi viết bài đến một lúc nào đó sẽ đi vào dĩ vãng, khi đó môi trường học chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc một thiết bị kết nối mạng là người học sẽ tiếp cận được với toàn bộ tài nguyên môn học. Quá trình học sẽ linh hoạt ở mọi nơi cũng như bất kể thời điểm nào”.
Thứ trưởng Phúc cho biết bản thân ông đã đến nhiều trường ĐH trên thế giới, có những trường truyền thống nhưng giờ đây cũng đã chuyển 50% sang online, thậm chí có những trường, hình thức đào tạo trực tuyến chiếm tới 70%. Ông cho rằng, các trường đại học phải nhìn thấy tiềm năng của loại hình này, chủ động và tích cực để phát triển loại hình đào tạo này. Trong đó, người đứng đầu đơn vị đóng vai trò rất quan trọng.
"Nếu như hiệu trưởng quyết liệt, xem trọng vai trò của hình thức đào tạo này song song với hình thức đào tạo truyền thống sẽ góp phần mở rộng cơ hội học tập, nâng cao kiến thức cho nhiều người. Vì vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới các trường đại học phải thật sự quan tâm đến hình thức đào tạo này, có một chiến lược cụ thể lớn trong phát triển e-learning”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nhìn nhận, đào tạo kết hợp e-learning hiện nay quy chế đào tạo chính quy chưa có, tuy nhiên nội dung này đang được sửa chữa để sớm đưa vào quy chế. "Bộ GD&ĐT đang xây dựng và sẽ sớm ban hành quy chế đào tạo chính quy trực tuyến, tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện các trường đẩy mạnh hình thức đào tạo này”, Thứ trưởng Phúc khẳng định.
PGS.TS Vũ Hữu Đức, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết: Tại Việt Nam, đào tạo trực tuyến đã được triển khai ở nhiều trường ĐH, giai đoạn 2013-2018 Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ phát triển e-learning. Hiện có 16 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn toàn, kết hợp hoặc một phần các môn học. Đào tạo trực tuyến đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng, tùy biến học tập…
Theo PGS.TS Vũ Hữu Đức, một trong những yếu tố dẫn đến tốc độ phát triển nhanh chóng này là mức chi cho giáo dục của chính phủ và người dân cao, tỉ lệ người dùng Internet cao, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Báo cáo cho thấy năm 2018 người dân Việt Nam chi 9 tỉ USD cho giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục chiếm gần 1/2 tổng chi tiêu của gia đình.
Tuy nhiên, hình thức này cũng có nhược điểm là thực hành thí nghiệm không được như đào tạo truyền thống, rèn luyện kỹ năng bị hạn chế, hạ tầng công nghệ, giáo trình… chưa đáp ứng được yêu cầu, sự tiếp cận công nghệ của giảng viên, tài liệu học tập bị sao chép khiến giảng viên ngại đưa tài liệu lên mạng, chưa có quy chế đào tạo….
Tại các phiên thảo luận ở hội thảo này, nhiều đại biểu cho rằng: việc thúc đẩy phát triển e-learning là cần thiết nhưng cần đảm bảo các yếu tố về hạ tầng công nghệ, pháp lý liên quan hình thức này phải hoàn thiện, chính sách chất lượng phải đảm bảo và thống nhất. Giảng viên cũng phải được trang bị kỹ năng công nghệ cũng như sư phạm phù hợp, xây dựng nội dung học liệu chất lượng và có thể chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục.
Một trong những nội dung được nhiều ý kiến đề xuất là việc Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các quy định về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến.
Thủ tướng khẳng định các thế hệ học sinh miền Nam tự hào là lớp người đã góp phần thực hiện xuất sắc, nghiêm túc di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.