Mùa tuyển sinh năm 2020 sẽ sôi nổi hơn khi các trường đại học (ĐH) mở ra hàng loạt các ngành nghề mới và có thêm nhiều phương thức tuyển sinh để thu hút thí sinh hơn.


Nhiều ngành "hot” đón đầu xu thế

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, năm 2020 có 8 nhóm ngành nghề dự kiến sẽ hút nhân lực, đó là: công nghệ thông tin - điện tử; cơ khí - tự động hóa; dịch vụ du lịch - khách sạn nhà hàng; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; dệt - may - giày da. Đón đầu về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, mùa tuyển sinh năm nay, các trường ĐH cũng đua nhau mở thêm nhiều ngành nghề mới. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, trung bình mỗi trường mở từ 2 - 6 ngành nghề đào tạo mới.



Những ngành học phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhiều trường đưa vào đào tạo trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Chẳng hạn, trong mùa tuyển sinh năm 2020, trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh cho 4 ngành học mới với tổng chỉ tiêu 400 sinh viên, gồm: Khoa học dữ liệu trong kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, Quản trị khách sạn. Còn trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tuyển sinh đào tạo thêm hai ngành mới là Ngôn ngữ Trung Quốc và Kinh doanh thương mại. Theo đó, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh tất cả các ngành của trường sẽ là 2.565 sinh viên.

PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cho biết, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2020 – 2021 là 4.000 sinh viên, HIU sẽ có thêm một số ngành học mới, trong đó đặc biệt chú trọng những ngành mà xã hội đang có nhu cầu cao như: Hộ sinh, Y đa khoa, Cử nhân sức khỏe răng miệng, Digital Marketing, Quản lý tài nguyên và Môi trường, Kỹ thuật y sinh, Quản lý công nghiệp, Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ sinh học, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, nâng tổng số ngành học mà HIU đang đào tạo lên 48 ngành. Ngoài việc mở thêm ngành học mới, dạy chương trình tiếng Việt, HIU dự kiến mở thêm 9 ngành đào tạo chương trình Quốc tế (học 100% tiếng Anh) gồm các ngành: Y khoa, Dược học, Điều dưỡng, Kiến trúc, Luật kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Quản lý công nghiệp, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Quan hệ Quốc tế, nâng tổng số ngành mà trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh lên 16 ngành.

Các trường trong khối ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng mở thêm nhiều ngành nghề và chương trình đào đạo mới, như trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến mở thêm 3 chương trình đào tạo mới: Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao bằng tiếng Anh; đồng thời triển khai 3 chương trình song ngành liên trường trong ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đó là Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại), Quản trị kinh doanh, Luật Kinh tế. Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh thì dự kiến mở thêm 5 chương trình mới ở hệ chất lượng cao: Kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử (chuyên ngành kỹ thuật robot) và khoa học máy tính (tiếng Nhật). ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn dự kiến tuyển hơn 3.300 chỉ tiêu, trong đó có chương trình chất lượng cao ở các ngành: Báo chí, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Quan hệ quốc tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Còn trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ tuyển 3.500 chỉ tiêu, với 6 ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Vật lý y khoa, Kỹ thuật địa chất, Toán ứng dụng, Toán tin.

Đa dạng phương thức tuyển sinh

Cùng với việc mở thêm nhiều ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường ĐH cũng tăng cường thêm phương thức tuyển sinh mới bên cạnh các phương thức truyền thống. Theo các trường ĐH, việc tăng thêm các phương thức tuyển sinh trong mùa tuyển sinh năm 2020 sẽ giúp các thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH, đồng thời giảm bớt căng thẳng cho thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia và các trường cũng lựa chọn được thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của mình.

Kỳ tuyển sinh năm nay, ĐH Quốc tế Hồng Bàng sẽ áp dụng 6 phương thức tuyển sinh. Ngoài 5 phương thức tuyển sinh như xét học bạ THPT với 50% chỉ tiêu, xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 với 25% chỉ tiêu, thi tuyển sinh đầu vào do trường tổ chức 10% chỉ tiêu, xét tuyển đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài 2% chỉ tiêu và xét kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) 1%, năm học 2020 - 2021, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có thêm 1 phương thức tuyển sinh mới là xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh với 12% chỉ tiêu.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, phương thức xét tuyển đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài sẽ tạo ra môi trường học tập quốc tế đa văn hóa. Việc đưa phương thức tuyển sinh xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ mở thêm cánh của vào đại học và ngày càng thu hút đông đảo sinh viên tài năng vào học tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

"Ngoài học bổng tài năng và học bổng tuyển sinh, năm nay trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng sẽ cấp học bổng toàn phần trị giá 100% học phí toàn khóa đối với sinh viên trúng tuyển ngành Giáo dục Mầm non. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được Tập đoàn Nguyễn Hoàng tuyển dụng vào làm việc tại Hệ thống các trường mầm non của Nguyễn Hoàng như: SGA, iSchool, UKA, SNA… nếu cam kết làm việc trong 5 năm”, PGS.TS Hồ Thanh Phong cho biết thêm.

Còn trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, mùa tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh, bao gồm xét tuyển theo kết quả kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2020 với 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh, xét tuyển học bạ lớp 12 (tổ hợp 3 môn) 20% tổng chỉ tiêu, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ 5% tổng chỉ tiêu và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy với 5% tổng chỉ tiêu.

Các trường thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng sử dụng 5-6 phương thức tuyển sinh, tăng chỉ tiêu phương án xét điểm thi đánh giá năng lực. Theo đó, trường ĐH Quốc tế dự kiến có hơn 1.600 chỉ tiêu với có 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, 40-60% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia; 3-5% xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; 1% xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm nay, trường ĐH Quốc tế vẫn duy trì điểm kiểm tra năng lực do chính trường tổ chức với 20-40% chỉ tiêu cho phương thức này. Ngoài ra, trường dành 20-40% xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và 1% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên học bạ với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài.

ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cũng sử dụng 4 phương thức tuyển sinh với dự kiến tuyển 3.300 chỉ tiêu, trong đó xét tuyển bằng kết quả thi THPT Quốc gia 55-65% chỉ tiêu; xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1%-2%; xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia 10%-15%; xét kết quả đánh giá năng lực ĐH Quốc gia tổ chức 25%-35%.



                                 Theo TTXVN

Các tin khác


Giáo viên sốt ruột chờ sách giáo khoa mới

Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối tháng 3 này các trường phải chốt phương án chọn sách giáo khoa lớp 1 mới, nhưng hiện nay giáo viên chưa được cầm sách.

Xếp hạng nghiên cứu đại học Việt Nam: Cần giảm bớt hiện tượng “cào bằng”, “ăn theo” trong khoa học

ĐHQG Hà Nội vừa công bố xếp hạng các đại học Việt Nam năm 2019 thông qua các chỉ số về nghiên cứu (UPM). Đây có thể nói là bảng xếp hạng đại học đầu tiên của Việt Nam được công bố bởi một tổ chức chính thống, dưới dạng sản phẩm của nhóm triển khai đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học quốc gia về khoa học giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không tinh giản biên chế giáo viên mầm non

Tăng cường tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách đối với các giáo viên đang diện hợp đồng; không thực hiện tinh giản biên chế với giáo viên mầm non…

Dấu ấn phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học

(HBĐT) - Thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, diện mạo trường học thay đổi rõ rệt. Khuôn viên nhà trường được cải tạo với bồn hoa, cây cảnh, vườn rau, vườn quả xanh tốt. Khu thư viện ngoài trời được thiết kế đẹp mắt, các khu rèn luyện thể chất với nhiều thiết bị vận động trò chơi... lôi cuốn học sinh tham gia đọc sách, luyện tập thể thao, chăm sóc cây, hoa. Tất cả đã tạo nên một môi trường học tập sinh động, đổi mới, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

10 sự kiện giáo dục đáng chú ý nhất năm 2019

(HBĐT) - Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua; công bố sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình phổ thông mới; rốt ráo xử lý hậu gian lận thi THPT quốc gia 2018; nhiều trường đại học Việt Nam lọt top bình chọn của thế giới… nằm trong số những sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2019.

Nhân sự thời đại 4.0: Cần thích ứng xu hướng tự động hóa

Những năm gần đây, công nghệ tự động hóa được xem như một phần của lực lượng lao động toàn cầu vì tính hiệu quả và chi phí tiết kiệm. Sự xuất hiện của lực lượng này mang lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức về việc làm với người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục