Tính đến ngày 24.4, cả nước đã có 7 địa phương cho học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, cơ quan chức năng đưa ra nhiều tiêu chí, trong đó có việc thực hiện giãn cách, ngồi cách nhau 1,5m và mỗi phòng học không được quá 20 học sinh. Tuy nhiên thực tế, không chỉ các đô thị lớn mà nhiều trường học ở vùng nông thôn cũng không thể đảm bảo được quy định này.

 


Trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) áp dụng chia nhỏ sĩ số lớp để bảo đảm giãn cách trong lớp học. Ảnh: Mai Dung

Thiếu cơ sở vật chất lẫn giáo viên

Cà Mau, Thái Bình, Thanh Hóa là những địa phương đã cho học sinh trở lại trường từ đầu tuần, trong đó ưu tiên học sinh lớp 9 và khối THPT đi học trước. Ngày 23.4, thêm 4 địa phương là Hải Dương, Yên Bái, Gia Lai và Hải Phòng, học sinh cũng được đến lớp sau hơn 2 tháng nghỉ phòng dịch.

Theo ghi nhận của Lao Động, các địa phương đều nỗ lực thực hiện tốt việc vệ sinh trường lớp, đảm bảo đủ dung dịch nước sát khuẩn tay cho học sinh theo các quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về các điều kiện để học sinh trở lại trường an toàn. Có điều, khó khăn nhất với các địa phương là thực hiện quy định giãn cách xã hội, đảm bảo học sinh ngồi cách nhau tối thiểu 1,5m.
Tại Hải Phòng, theo ghi nhận của phóng viên, sáng 23.4, hơn 24.000 học sinh khối 9, 21.000 học sinh khối 12 đã trở lại trường. Phần lớn thầy cô giáo, học sinh các trường đều phấn khởi vì được đi học sau thời gian dài phải nghỉ học do dịch bệnh COVID-19. Theo TS Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng), tỉ lệ học sinh đi học trong ngày đầu là 99,68%, chỉ có 1 học sinh nghỉ học để điều trị bệnh dài ngày.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về việc tổ chức mỗi lớp học không quá 20 học sinh, khoảng cách giữa các học sinh tối thiểu 1,5m, Trường THPT Lê Hồng Phong tiến hành chia các lớp học. Thời gian nghỉ giữa các tiết rút ngắn từ 10 phút còn 5 phút. Học sinh được yêu cầu không tụ tập ở hành lang, sân trường…

Mặc dù các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt chương trình dạy học, các biện pháp cần thiết để phòng dịch, tuy nhiên, nhiều trường ở Hải Phòng đang gặp khó trước yêu cầu giãn cách lớp học. Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền - cho biết, nhà trường sẽ tách mỗi lớp ra làm hai nhóm, một nhóm học theo thời khóa biểu, còn một nhóm thì các cô giáo bộ môn Văn, Toán, Tiếng Anh hỗ trợ ôn luyện kiến thức cũ học trực tuyến và hôm sau thì ngược lại. Tuy nhiên, nhà trường đang rất lo lắng khi khối 6, 7, 8 quay trở lại học, việc tách lớp là không thể vì không đủ số phòng học, cũng như giáo viên để giảng dạy.

Cùng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) - nói rằng, việc giãn cách lớp học là cần thiết, tuy nhiên lại chưa phù hợp thực tế. Vì diện tích các lớp học là cố định, việc bố trí khoảng cách 1,5m chỉ là tương đối. Chưa kể, giáo viên cùng tiết học phải giảng dạy ở 2 lớp, ngoài chất lượng tiết học ít nhiều bị ảnh hưởng thì việc này ảnh hưởng đến sức khỏe giáo viên. Việc giám sát trong thời gian nghỉ giữa tiết cũng không thể đạt hiệu quả do lực lượng giáo viên, nhân viên không đủ.

Thanh Hóa, Gia Lai, Thái Bình và một số địa phương khác hiện tại ưu tiên lớp 9 và 12 đi học trước, nên vẫn có khả năng đảm bảo được cơ sở vật chất, giáo viên để thực hiện quy định giãn cách lớp học. Tuy nhiên, một vài ngày tới, học sinh các lớp còn lại cũng đi học thì khó có thể thực hiện được đúng các quy định này.

Linh hoạt kết hợp giữa dạy online và dạy trực tiếp

Các trường học ở vùng nông thôn đã khó thực hiện được quy định về giãn cách, cơ sở giáo dục ở các đô thị lớn càng khó trăm bề. Đặc biệt với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh khi nhiều trường học luôn ở tình trạng quá tải về sĩ số, có trường lên đến 60 học sinh/lớp. 

Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), Trường Tiểu học Chu Văn An vài năm trở lại đây có số trẻ lớp 1 nhập học cao kỷ lục với hơn 1.000 học sinh. Sĩ số đông, phòng học không đủ, có thời gian nhà trường đã phải tổ chức mô hình học 4 buổi thay vì 5 buổi/tuần, hoặc học luân phiên.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng Phòng GDĐT quận Hoàng Mai - cho hay, trên địa bàn quận, nhiều trường học có sĩ số rất đông và rất khó để thực hiện được quy định giãn cách. "Chúng tôi sẽ tùy điều kiện của từng trường để có giải pháp cụ thể. Nhưng chắc chắn giải pháp tối ưu lúc này sẽ là kết hợp linh hoạt giữa dạy học trực tuyến và dạy trực tiếp” - bà Hạnh nói.

Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung rất đông học sinh, nhiều nơi sĩ số trên 50 học sinh/lớp. Do đó, nếu sắp xếp không quá 20 em/lớp, nhiều trường học trên địa bàn thành phố phải tổ chức học 3 ca/ngày. Điều này là không khả thi, vì khó sắp xếp được đủ giáo viên.

Để phù hợp với tình hình thực tế, TP.Hà Nội sẽ kiến nghị Bộ GDĐT cho xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Theo đó, sĩ số mỗi lớp có thể nhiều hơn số lượng 20 học sinh, điều quan trọng là tuyên truyền để các em thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên...

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, bộ chủ trương khi học sinh trở lại trường, có thể kết hợp hình thức học trực tuyến và trực tiếp để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục trước ngày 15.7. Vì vậy, các nhà trường cần linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch dạy học để vừa thực hiện yêu cầu giáo dục, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh.

                                                                             Theo báo Lao Động

Các tin khác


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Kết quả thi THPT có thể xét tuyển đại học, cao đẳng

Trước thông tin về phương án thi THPT quốc gia 2020 có nhiều điểm chưa rõ, ngày 22/4, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có thể lấy kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Nhiều khó khăn dạy học qua internet và trên truyền hình

(HBĐT) - Trường THPT Yên Hòa (Đà Bắc) có 10 lớp với 270 học sinh, trong đó có 3 lớp khối 12 với 88 học sinh. Thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19, học sinh toàn trường được nghỉ học theo quy định. Kỳ thi THPT đang ở ngay trước mắt, mà khối lượng kiến thức cần ôn tập cũng như học mới rất nhiều. Trong khi đó, học sinh nhà trường có đến gần 80% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, không có điện thoại thông minh, máy tính nối mạng để có thể học trên internet. Khó khăn của nhà trường cũng đang diễn ra tại nhiều trường học thuộc các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh hiện nay.

Dự kiến vẫn tổ chức thi THPT quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến được tổ chức vào ngày 8-11/8 với mục tiêu chính là xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Cảnh báo mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom

(HBĐT) - Căn cứ Công văn số 250, ngày 14/4/2020 của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông  (TT&TT) về việc cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom (bản photocopy đính kèm), vừa qua, Sở TT&TT đã ban hành Văn bản số 321/STTTT - CNTT gửi các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp Viễn thông – Công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh. Công văn nêu rõ:

Phát huy truyền thống dạy hay-học tốt, vượt qua “mùa Covid-19”

Dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến hoạt động dạy và học hoàn toàn thay đổi. Không gian dạy học giờ đây không còn là "bảng đen phấn trắng'' nữa, thay vào đó là màn hình của thiết bị công nghệ, khái niệm dạy và học qua truyền hình, trực tuyến, từ xa cũng nhanh chóng phổ biến với thầy cô, học trò …

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Trường học an toàn mới cho học sinh đi học trở lại

Bắt đầu từ hôm nay (20/4), Thái Bình và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên quyết định đón học sinh trở lại trường, sau thời gian dài tạm nghỉ vì dịch COVID-19. Nhiều tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ thấp cũng lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục