(HBĐT) - Thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19, các trường học trên địa bàn tỉnh ta đã phải nghỉ học chống dịch gần 3 tháng trong học kỳ II năm học 2019 - 2020. Để đảm bảo khung thời gian năm học những năm học tiếp theo, năm học 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ phải kết thúc vào ngày 15/7. Do đó, thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai việc giảng dạy chương trình học kỳ II theo hướng giảm tải. Lần đầu tiên thực hiện việc dạy giảm tải chương trình nên đã phát sinh không ít khó khăn cho các nhà trường và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.



Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Yên Lạc (Yên Thủy) đang gấp rút hoàn thiện chương trình học kỳ II theo nội dung giảm tải.

Trao đổi về những khó khăn trong việc triển khai thực hiện điều chỉnh chương trình học kỳ II, năm học 2019 – 2020, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng (Đà Bắc) cho biết: Năm học này, nhà trường có 19 lớp với 608 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên là 33 đồng chí. Thực hiện việc điều chỉnh chương trình học kỳ II, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên triển khai đúng theo hướng dẫn, tích hợp nội dung các bài học từ 2 bài thành 1 tiết hoặc từ 3 tiết xuống 2 tiết. Tuy nhiên, do lượng kiến thức nhiều nên việc hoàn thành nội dung bài học còn gặp khó khăn đối với những học sinh tiếp thu chậm; học sinh cũng bị hạn chế về thời gian để hoàn thành hết các bài tập theo quy định. Đối với tiếng Việt lớp 1, do việc tích hợp nội dung bài nên giáo viên và học sinh còn hạn chế về thời gian để thực hiện đầy đủ 4 việc là: học vần mới, viết, đọc, viết chính tả. Đối với môn Luyện từ và câu khi tích hợp các bài khác tuần, khó cho giáo viên phân chia nội dung mỗi tiết, trong việc hướng dẫn học sinh làm bài. Giáo viên vẫn còn lúng túng khi tiếp cận các nội dung điều chỉnh (thêm, bớt điều chỉnh sao cho phù hợp với các đối tượng học sinh của mình). Đặc biệt là thời tiết đã chuyển sang hè, những ngày qua quá nắng nóng, oi bức và thời gian nghỉ quá lâu nên nhiều học sinh chểnh mảng, ngại đi học.

Tại trường Tiểu học Yên Lạc (Yên Thủy), nhà trường còn gặp thêm các khó khăn liên quan đến chất lượng tự học của học sinh khi trở lại trường sau thời gian nghỉ chống dịch. Đồng chí Hoàng Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tổ chức ôn tập cho học sinh trong thời gian nghỉ chống dịch gặp nhiều khó khăn. Việc tự học của học sinh còn nhiều hạn chế, không tự giác, chất lượng học chưa đảm bảo như mong muốn. Ngoài ra, phương tiện thông tin, thiết bị nghe nhìn, điện thoại thông minh ít, học sinh không có cơ hội học trực tuyến. Một số phụ huynh không quan tâm, đôn đốc đến việc học của con khi các con nghỉ chống dịch, khi các con trở lại trường thì có rất ít thời gian để ôn tập và hoàn thiện chương trình học kỳ II.

Những khó khăn của trường Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Yên Lạc cũng là khó khăn chung của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, hỗ trợ các nhà trường trong việc thực hiện điều chỉnh chương trình học kỳ II năm học 2019 - 2020, trong tháng 5 vừa qua, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra tại 4 huyện. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các nhà trường đã nghiêm túc và có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện điều chỉnh chương trình giáo dục. Các trường đều đã thực hiện nghiêm việc rà soát, tinh giảm, điều chỉnh chương trình giảng dạy học kỳ II theo hướng chỉ còn 9 tuần học. Các trường đã xây dựng lại phân phối chương trình từng môn học của từng khối lớp sau khi đã được điều chỉnh nội dung dạy học. Tuy nhiên, do thiếu phòng học nên một số trường không tổ chức được việc học 2 buổi/ngày; thời lượng rút ngắn nên không đủ thời gian để củng cố kiến thức, kỹ năng cho những học sinh có kiến thức, kỹ năng chưa tốt; mới chỉ đảm bảo được việc trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản theo chuẩn. Việc nâng cao, chuẩn bị kỹ năng cho học sinh lớp 5 lên bậc THCS sẽ bị hạn chế. Do đó, khi học sinh lên lớp 6 cần có thời gian ôn tập, củng cố kiến thức ngay từ đầu năm học.


Dương Liễu


Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục