Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là học sinh lớp 9 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Năm nay, số thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 công lập gần gấp rưỡi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường nên một số trường đã chạm mốc "một chọi hai" trở lên. Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng trước mức độ cạnh tranh cao, đã dồn toàn lực cho việc ôn tập, luyện thi để chạy đua với thời gian.
Các thí sinh thảo luận sao khi hoàn thành bài thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập 2020-2021. Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN
Tỷ lệ cạnh tranh cao
Sau khi đăng ký nguyện vọng lớp 10 vào 3 Trường Trung học Phổ thông, em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 9 Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) bắt đầu "chạy đua” ôn tập. Trung bình mỗi ngày, Minh Anh dành đến 15 tiếng học tại nhà và các trung tâm luyện thi. Tuy học lực thuộc loại khá giỏi, nhưng Minh Anh vẫn lo lắng bởi 3 trường em chọn đều thuộc tốp đầu của Thành phố, tỷ lệ chọi cao hơn các trường khác.
"Khi đăng ký nguyện vọng, em và bố mẹ đã cùng thảo luận rất lâu để chọn trường phù hợp với học lực, mong muốn của cá nhân em và điều kiện của gia đình. Tuy em đã chọn được trường ưng ý nhất nhưng tỷ lệ chọi lại khá cao, áp lực rất lớn. Vì vậy em phải cố gắng hết sức, dồn toàn bộ thời gian cho việc ôn thi", Minh Anh chia sẻ.
Em Trần Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 9 Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An (Quận 1) có nguyện vọng thi vào một trường Trung học Phổ thông chuyên với mức chọi 1/3,4. Trường không chỉ nhận học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn từ các tỉnh, thành phố khác nên áp lực cạnh tranh đối với Quỳnh Như càng cao hơn. Trong nhiều tuần qua, mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 5 tiếng, còn lại đều dành thời gian cho các lớp ôn tập trên trường và tự học tại nhà.
Cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Văn Ơn (Quận 1) cho biết, từ ngày 15/5, sau khi đã dạy hết chương trình lớp 9, hơn 600 học sinh lớp 9 của trường đã bước vào kỳ ôn tập thi lớp 10 do trường tổ chức, dự kiến kéo dài 3 tuần. Học sinh sẽ ôn 3 môn thi là Văn, Toán, Ngoại ngữ với mức phí 200.000 đồng/môn trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Các em sẽ được học 4 buổi sáng/tuần. Trước kỳ thi, nhà trường sẽ cho học sinh làm bài thi thử để làm quen với thời gian thi chính thức.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 93.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường Trung học Phổ thông công lập trên địa bàn là 72.800. Điều đó đồng nghĩa hơn 20.000 học sinh sẽ không có cơ hội học lớp 10 công lập.
Trong số 108 trường phổ thông công lập, Trường Trung học Phổ thông Mạc Đĩnh Chi có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 cao nhất với 1.903 em; kế đó là Trung học Phổ thông Hùng Vương với 1.835 em, Trung học Phổ thông Marie Curie với 1.829 em, Trung học Phổ thông Gia Định với 1.749 em. Các trường Võ Trường Toản, Thủ Đức, Nguyễn Trung Trực, Phú Nhuận, Trường Chinh… đều có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 hơn 1.500 em.
Về tỷ lệ chọi, với các trường không chuyên, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất (1 chọi 3,21), Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền ở mức 1/2,99. Tiếp theo là các trường Trung học Phổ thông Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn… với mức 1 chọi 2 trở lên.
Với lớp 10 chuyên, trường có số thí sinh đăng ký nhiều nhất vẫn là Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong với hơn 3.100 em đăng ký, trong khi chỉ tiêu gần 900 em ở cả lớp chuyên và không chuyên. Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa cũng có số thí sinh đăng ký gấp đôi chỉ tiêu với hơn 1.100 em. Nếu không trúng tuyển vào các trường chuyên, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 Trung học Phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có 37 trường Trung học Phổ thông có tỷ lệ chọi dưới 1 do số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng chưa bằng 50% tổng chỉ tiêu như các Trường Trung học Phổ thông Long Trường, Nguyễn Văn Tăng, Ngô Gia Tự, Lê Thị Hồng Gấm, Phong Phú, Nguyễn Văn Linh...
Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, học sinh không nên đặt quá nhiều áp lực lên bản thân khi thi vào lớp 10 vì Thành phố luôn đảm bảo có đủ chỗ học cho các em.
Theo ông Hồ Tấn Minh, hiện nay hệ thống giáo dục trung học trên địa bàn Thành phố rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp. Học sinh thành phố có nhiều hướng lựa chọn cho giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Việc học tiếp lớp 10 Trung học Phổ thông công lập chỉ là một trong nhiều hướng lựa chọn cho học sinh sau Trung học Cơ sở.
Cụ thể, toàn Thành phố còn có 126 cơ sở giáo dục ngoài công lập bao gồm hệ thống các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường Trung cấp nghề… với gần 50.000 chỉ tiêu. Như vậy, với tổng số gần 123.000 chỗ học sau Trung học Cơ sở năm học 2022-2023, Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 11 và 12/6 với 3 môn thi: Toán, Văn và Ngoại ngữ. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, thí sinh thuộc diện ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) mắc COVID-19 vẫn được tham gia kỳ thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế với điều kiện phải có đơn xin dự thi và được phụ huynh hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý.
Tại mỗi điểm thi, Sở cũng yêu cầu chuẩn bị ít nhất 3 phòng thi dự phòng nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch cho riêng thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ và F0. Kỳ thi sẽ không tổ chức lễ khai mạc, thí sinh lên thẳng phòng thi; mỗi phòng bố trí không quá 24 thí sinh.
Theo TTXVN
(HBĐT) - hiết thực chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh( 19/5/1890-19/5/2022), chiều 18/5, Huyện đoàn Lạc Thuỷ tổ chức hội thi rung chuông vàng tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác - Lê nin; thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh; Nghị quyết Đại hội Đảng, Đoàn các cấp; lịch sử huyện Lạc Thuỷ. Tham gia hội thi có 100 thí sinh là ĐVTN đến từ các cơ sở Đoàn trong huyện.
(HBĐT) - Ngày 19/5, tại TP Hòa Bình, Sở GD&ĐT tổ chức lễ ký kết biên bản tài trợ Thư viện ước mơ cho các trường học trên địa bàn tỉnh.
(HBĐt) - Thời điểm này, cùng với quyết tâm ôn tập để đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các sĩ tử lớp 12 đang tìm hiểu thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh, hướng nghiệp để có những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn cho tương lai. Học nghề nào? Chọn trường nào? Đó là băn khoăn của nhiều học sinh trước khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022.
Năm nào Hà Nội cũng nêu quyết tâm giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp nhưng rồi năm nào cũng không thể thực hiện trong cơn lốc đô thị hóa.
Ngay từ khi Bộ GD-ĐT có dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, chị Dương Thục Trinh đã 'mất ăn mất ngủ' mấy ngày để nghiên cứu từng điểm mới rồi vào trang web của từng trường để nghiền ngẫm đề án tuyển sinh.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 14 – 15/5, tại Hà Nội đã diễn sân chơi "Trạng nguyên tiếng Việt” cấp quốc gia trên Internet dành cho học sinh tiểu học.