(HBĐT) - Khuyến khích triển khai giúp trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh; triển khai dạy môn tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các đơn vị có đủ điều kiện; mở rộng đối tượng học sinh học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm để sẵn sàng thực hiện chương trình tiếng Anh mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018… Có nhiều giải pháp đang được ngành GD&ĐT tỉnh đôn đốc các đơn vị, trường học triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, trong đó chủ lực là môn tiếng Anh.


Trường THCS thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đảm bảo các điều kiện để dạy và học môn tiếng Anh theo lộ trình đổi mới giáo dục.

Tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, cô Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THPT, áp dụng đối với lớp 10. Trong nỗ lực củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, trường đặc biệt chú trọng các môn ngoại ngữ. Riêng với môn tiếng Anh, năm học này, nhà trường tiếp tục phát triển và duy trì câu lạc bộ tiếng Anh, có kế hoạch hoạt động cụ thể trong năm học, khuyến khích học sinh thi các chứng chỉ để được nhiều cơ hội xét tuyển đại học cũng như cơ hội có được học bổng du học nước ngoài. Bên cạnh đó, trường quan tâm tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh khối chuyên Nga, Pháp, Trung có nguyện vọng học thêm môn tiếng Anh. Đặc biệt, năm học này, có 3 trợ giảng tiếng Anh là người nước ngoài đến công tác nên nhà trường khá thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ quan trọng này.

Gần đây nhất, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có 3 học sinh (đều học lớp 12 chuyên Anh) đại diện cho thanh niên tỉnh nhà tham dự cuộc thi Tranh biện tiếng Anh cho cán bộ Đoàn, Đội, Hội toàn quốc năm 2022 do T.Ư Đoàn tổ chức. Vượt qua hàng loạt "đối thủ” có bản lĩnh, trí tuệ và trình độ tiếng Anh xuất sắc, tiêu biểu cho thanh niên toàn quốc, các học sinh chuyên Anh trường Hoàng Văn Thụ đã giành được giải nhì, mang vinh quang về cho thanh niên toàn tỉnh. Đáng ghi nhận, môn tiếng Anh cũng là lợi thế mang lại tự tin và chiến thắng cho học sinh trường Hoàng Văn Thụ khi tham gia các sân chơi trí tuệ bổ ích mang tầm quốc gia, khu vực, quốc tế, điển hình như: Cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia (đối với môn tiếng Anh), cuộc thi Phát minh và sáng chế quốc tế (WICO); cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do Sam Sung toàn cầu tổ chức…

Trên phạm vi toàn tỉnh, lộ trình đổi mới GD&ĐT theo Chương trình GDPT 2018 đã được khởi động từ năm học 2020 - 2021. Đến năm học 2022 - 2023, Chương trình được áp dụng đối với lớp 1, 2, 3 (cấp Tiểu học); lớp 6, 7 (cấp THCS); lớp 10 (là lớp đầu tiên của cấp THPT). Gắn với lộ trình quan trọng này là định hướng nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ, trong đó chủ lực là môn tiếng Anh. Theo Sở GD&ĐT, trước mắt, năm học 2022 - 2023, ngành đôn đốc các đơn vị, trường học khắc phục khó khăn, đảm bảo các điều kiện để 100% học sinh lớp 3 được học môn tiếng Anh; khuyến khích triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các đơn vị có đủ điều kiện. Căn cứ tình hình thực tế, Sở GD&ĐT chỉ đạo dạy chương trình thí điểm tiếng Anh (4 tiết/tuần) cho học sinh các lớp 3, 4, 5 ở những trường đảm bảo điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học. Đối với các trường chưa đủ điều kiện thì chủ động xây dựng kế hoạch để học sinh các lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh 2 - 3 tiết/tuần. Đáng ghi nhận là mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều đơn vị, trường học đã nỗ lực trong việc nâng cao tỷ lệ học sinh các lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh và chuẩn bị các điều kiện để triển khai tiếng Anh là môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT mới. Kết thúc năm học 2021 - 2022, có 51.315/52.881 học sinh lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh, đạt tỷ lệ 97,03%. Trong đó, học sinh học tiếng Anh 4 tiết/tuần đạt tỷ lệ 48%; học sinh học tiếng Anh 2 tiết/tuần, đạt tỷ lệ 49,5%. Các trường đã tổ chức dạy học tiếng Anh tự chọn đối với khối lớp 1, 2 với tổng số 402 lớp, 13.461 học sinh, đạt tỷ lệ 39,8%. Nhiều địa phương đã có tỷ lệ học sinh các lớp 1, 2 được học làm quen với tiếng Anh cao như TP Hòa Bình, các huyện Mai Châu, Yên Thủy.

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo bố trí giáo viên tiếng Anh đối với cấp tiểu học; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; nỗ lực đảm bảo cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai Chương trình GDPT mới. Hiện nay, 100% phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã tổ chức hoạt động giao lưu môn tiếng Anh cho học sinh, qua đó, hình thành sân chơi bổ ích, thúc đẩy việc tổ chức dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường. Với quyết tâm đồng bộ, toàn ngành tiếp tục thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” giai đoạn 2018 - 2025 với các giải pháp thiết thực như: Thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh trong nhà trường; khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường năng lực tiếng Anh cho giáo viên, học sinh; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT, đổi mới học liệu dạy học; đa dạng hóa các chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên… Đó là những giải pháp đồng bộ, hứa hẹn sẽ từng bước nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong lộ trình đổi mới GD&ĐT.


Thu Trang


Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục